Kỳ lạ rừng rốn Tu Ton
(Xuân Đinh Dậu) - Khi một đứa trẻ sinh ra, phần rốn rụng sẽ được gói bọc cẩn thận treo lên cây trong khu rừng này. Vì vậy dân làng Tu Ton gọi đây là rừng rốn và cấm các hành vi xâm hại, phá hoại tới khu rừng.
Những ngày cuối năm 2016, chúng tôi đến Tu Ton thuộc thôn 4 xã Trà Linh (Nam Trà My) để tìm hiểu về tình hình làng Xê Đăng khi dự án đường giao thông lên vùng sâm sắp mở qua đây. Dân làng ai cũng lộ vẻ phấn khởi vì tới đây ô tô, xe máy đã có thể lên đến tận nơi chứ không phải leo núi gần 2 giờ đồng hồ như trước.
Bên trong rừng rốn Tu Ton. Ảnh: Hoàng Thọ |
Rừng còn thì làng còn
Hôm chúng tôi đến, bà con Xê Đăng làng Tu Ton đang tấp nập chuẩn bị cơm lam, rượu cần để cúng tết máng nước. Trong ngôi nhà sàn truyền thống, già Hồ Văn Canh cùng các vị già làng đang vui mừng nói về chuyện chủ đầu tư đã thuận theo ý dân làng quyết định phóng lại tuyến đường lệch xuống phía dưới làng để tránh xâm phạm đến rừng rốn. Bởi lẽ theo thiết kế trước đó, con đường này sẽ chạy cắt ngang khu rừng rốn nằm ngay đầu làng. Nhấp chén chè xanh, già Canh nói rằng, nếu là rừng ma (nghĩa địa) thì có thể chấp nhận cho mở đường, bà con di dời mồ mả, còn rừng rốn tuyệt đối không được xâm phạm.
Làng Tu Ton có 154 hộ với 266 nhân khẩu. Năm 2016 có 9 đứa trẻ mới sinh và theo phong tục, rốn của các em bé này đều được người thân gói bọc cẩn thận đưa vào treo trong rừng rốn. Bé Hồ Thị Minh Thủy (SN 2016) là cháu nội của già Hồ Văn Canh cũng được cất rốn trong rừng theo đúng phong tục ở đây. |
“Rừng rốn?”. Cái tên nghe thật lạ. Hỏi, già Canh bảo từ thời xa xưa, khu rừng này là nơi cất giấu rốn của các thành viên trong làng từ lúc lọt lòng. Ở đó, mỗi phần rốn được gói bọc cẩn thận trong tấm vải dồ và treo ở lưng chừng trên thân cây. “Với người Xê Đăng, nơi lưu giữ phần cơ thể khi con người sinh ra còn quan trọng hơn là nơi chôn cất khi họ chết đi. Cái rừng này gắn bó với bà con từ thuở mới lập làng. Cha ông giữ gìn bao đời nay thì bây giờ chúng tôi cũng phải có trách nhiệm bảo vệ nguyên vẹn. Rừng còn thì làng còn!” - già Canh khẳng định. Bây giờ nếu phá khu rừng để làm đường sẽ làm mất đi cái gốc của người Xê Đăng ở Tu Ton. Vì vậy làng quyết định trao đổi với chủ đầu tư đề nghị mở đường đi phía dưới khu rừng để tránh động chạm tới chốn thiêng liêng và nay yêu cầu đã được chấp thuận.
Sợi dây liên kết vô hình
Chúng tôi theo chân già làng Tu Ton ra thăm rừng rốn. Khu rừng đặc biệt này rộng chừng 1,5ha và cách làng chừng 200m. Rừng rốn linh thiêng hơn rừng ma nhưng dân làng có thể vào ra bất cứ lúc nào, không có sự cấm kỵ như rừng ma. Bà con vào đây là để dọn dẹp sạch sẽ, nhưng không được đốn những cây rừng đang treo rốn trên đó. Tục làng cũng cấm các hoạt động như đốt lửa, đốn củi, chặt cây trong rừng rốn, vì mỗi khi rừng rốn bị xâm hại, trong làng cũng tự nhiên có người ngã bệnh, sinh mệnh bị đe dọa. Những ai cố tình phá hoại rừng sẽ bị làng phạt rất nặng. Dân làng cho rằng, khi đưa rốn vào cất giữ trong rừng sẽ giúp đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh, con trai có đôi chân đi núi giỏi, con gái có đôi tay dịu dàng dệt thổ cẩm. Hơn nữa khu rừng này còn là sợi dây liên kết vô hình để gọi mời những người con xa quê luôn muốn tìm về nguồn cội. “Trong làng có nhiều thanh niên trai gái lớn lên đi làm ăn xa nhưng hàng năm đều về thăm làng. Thậm chí có những người lấy vợ, bắt chồng tận bên kia núi Ngọc Linh nhưng vẫn thường xuyên tìm về Tu Ton để thăm lại nơi lưu giữ rốn nhau. Người trong làng cho dù có qua đời nhưng đùm rốn vẫn để vậy” - già Canh cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ mới thấy duy nhất người Xê Đăng ở thôn 4 xã Trà Linh có rừng treo rốn cho dân làng, còn những nơi khác ở Nam Trà My đều không có. Già làng Hồ Văn Nam giải thích, phong tục treo rốn vào rừng có ý nghĩa rất lớn đối với sự tồn vong của Tu Ton. Dân làng tin rằng khu rừng là nơi lưu giữ gốc gác, giúp bà con sống hòa thuận, đoàn kết, thương yêu nhau. “Bây giờ cuộc sống văn minh, khá giả hơn trước rất nhiều nhưng tục treo rốn và bảo vệ rừng rốn luôn được chúng tôi giáo dục các thế hệ con cháu trong làng gìn giữ. Để mai sau bọn trẻ có học hành đỗ đạt đi làm ăn xa thì chúng vẫn nhớ rằng khúc rốn của mình đang ở Tu Ton mà còn về với dân làng” - già làng Hồ Văn Nam nói.
Mùa tết máng nước đầu năm đã bắt đầu. Men rượu cần lại lan tỏa khắp cả làng trong cái nhìn tình tự của trai gái Xê Đăng, báo hiệu sẽ có thêm nhiều đùm rốn mới được treo vào rừng thiêng trong năm Đinh Dậu.
Rừng rốn - nơi minh chứng cho cuộc sống sinh sôi nảy nở ở Tu Ton.
HOÀNG THỌ