"Mở cửa" để cán bộ miền núi được trui rèn
(Xuân Đinh Dậu) - Nói về công tác cán bộ ở miền núi, đặc biệt là cán bộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), ông Đinh Mươk - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cần “mở cửa” rộng hơn nữa để tạo cơ hội cho cán bộ DTTS được trui rèn tại các sở, ban ngành của tỉnh trước khi đưa về đảm nhận các chức vụ chủ chốt ở địa phương miền núi.
Ông Đinh Mươk.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
PV:Ông đánh giá thế nào về công tác cán bộ ở miền núi trong thời gian qua?
Ông Đinh Mươk: Ở Quảng Nam, sau khi có Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy, công tác cán bộ miền núi tiếp tục được chú trọng và đề ra chỉ tiêu cụ thể theo từng cấp từ huyện đến tỉnh. Đây là chủ trương đúng đắn, rất thiết thực và đã được cụ thể hóa thông qua nhiều lớp cán bộ DTTS được quan tâm đào tạo theo các hệ từ chính quy, cử tuyển, tập trung ngắn hạn, cho đến hệ đào tạo bổ túc, chuyên môn nghề nghiệp… Nhiều cán bộ trẻ có năng lực sau khi được đào tạo đã tiếp tục nỗ lực đáp ứng yêu cầu thực tiễn, trở thành lãnh đạo chủ chốt ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên chủ trương đưa cán bộ DTTS vào làm việc tại các sở, ban ngành của tỉnh còn rất hạn chế.
PV: Với góc nhìn cá nhân, ông có chia sẻ gì về công tác cán bộ DTTS ở thời của mình so với hiện nay?
Ông Đinh Mươk: Ở thế hệ của chúng tôi, người ta cũng đã dự báo đến việc cán bộ công chức nhà nước phải làm quen với các thiết bị điện tử, thành thạo tin học văn phòng, nắm bắt công nghệ thông tin theo xu hướng mới. Do vậy, lớp cán bộ ngày đó cũng đã phải tự nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và đổi mới dần phương thức làm việc theo xu thế hiện đại hơn, chất lượng hơn. Nói như thế để hình dung rằng công tác cán bộ thời nào cũng cần được chú trọng, việc sử dụng cán bộ luôn gắn với năng lực và trách nhiệm cụ thể.
PV:Ông có góp ý gì cho công tác cán bộ ở miền núi và sử dụng cán bộ là người DTTS?
Ông Đinh Mươk: Qua theo dõi, các địa phương miền núi hiện nay đã làm rất tốt công tác cán bộ, nhất là cán bộ DTTS thông qua việc đào tạo, quy hoạch và bố trí việc làm phù hợp với năng lực chuyên môn. Điều đó rất đáng mừng và rất phấn khởi nhưng vẫn còn ở số ít. Do vậy cần tiếp tục chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ kế cận, đồng thời xây dựng kế hoạch đảm bảo cân đối giữa việc đào tạo và bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.
Theo tôi, ở miền núi càng có nhiều cán bộ là người địa phương thì vẫn tốt hơn, bởi điều đó sẽ thuận lợi về điều kiện chỗ ăn ở, đi lại, cũng như am hiểu về phong tục tập quán của vùng. Nhưng cũng nên có chừng mực và tránh khuynh hướng “địa phương chủ nghĩa” trong công tác cán bộ. Ngoài ra, tỉnh cũng cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi cho cán bộ người DTTS và tạo điều kiện để cán bộ miền núi có cơ hội được tiếp cận, trui rèn ở môi trường làm việc chuyên nghiệp tại các sở, ngành của tỉnh, theo đúng chủ trương nghị quyết trước đây đã được ban hành.
ALĂNG NGƯỚC (Thực hiện)