Nghệ thuật đường phố vì hòa bình
(Xuân Đinh Dậu) - Với ước mơ hòa bình cháy bỏng, nhiều bức tường tại những vùng xung đột được khoác lên mình các bức bích họa màu sắc rực rỡ kèm theo thông điệp ý nghĩa.
Chiến tranh, xung đột và hệ lụy của nó là một phần của bức tranh thế giới năm 2016 với nhiều gam màu tối. Cậu bé Taban (2 tuổi) khóc thét bởi vết thương do bom đạn. Em là một trong những nạn nhân đáng thương và vô tội của cuộc chiến kéo dài nhiều năm, kể từ khi Nam Sudan - quốc gia châu Phi trẻ tuổi nhất thế giới tuyên bố độc lập vào năm 2011. Gần 3 năm qua, một nhóm họa sĩ của Nam Súdan hiện thực hóa dự án nghệ thuật công cộng (hay nghệ thuật đường phố) ngay tại thủ đô Juba, những mong mọi người nơi đây hãy suy nghĩ, nói và hành động vì hòa bình từ hình ảnh của Taban. Những bức tường ở các trường học, tiệm bánh mì, trung tâm văn hóa ở khắp Juba trở thành những bức bích họa vẽ bằng sơn dầu với chủ đề về sự tổn thương của trẻ em trong cuộc chiến. Ba năm trước, cô sinh viên Abul Oyay Deng từng là một trong gần một triệu trẻ em Nam Sudan chạy trốn chiến tranh, sang thủ đô Nairobi (Kenya), nay trở về quê hương tham gia dự án nghệ thuật vì hòa bình.
Một bức bích họa mang thông điệp về lời nguyện cầuhòa bình. Ảnh: pinterest.com |
Đã 27 năm trôi qua kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ, Đông và Tây Đức lại hợp thành nước Đức thống nhất, nhưng thế giới vẫn còn nhiều bức tường vô hình ngăn cách các cộng đồng, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo. Raghda El-Halawany - một thành viên của phong trào hòa bình toàn cầu MasterPeace - nói: “Trên khắp Trung Đông, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy những bức tường tách biệt người Sunni và Shia hay ngăn cách người dân Palestin và Israel”. “Walls for Peace” (Những bức tường vì hòa bình), một dự án đang được thực hiện tại thành phố Karachi của Pakistan, với hơn 200 trăm bức bích họa vẽ những cánh chim bồ câu bay cao vút trên trời xanh, mặt biển bình yên trong làn nước xanh biếc, phố xá nhộn nhịp, những đứa trẻ trên đường tới trường.
Mọi người cùng nhau vẽ nét đẹp cuộc sống. Ảnh: house children 2 |
Một thành viên chủ chốt của dự án - Adeela Suleman thuộc Đại học khoa kiến trúc Karachi - nói: “Chúng tôi muốn sử dụng nghệ thuật đường phố để phản ánh khát vọng về một cuộc sống tươi đẹp”. Một bức tường khác dài hàng chục ki-lô-mét tại Brazil ngăn cách giàu nghèo, với một bên là các tòa nhà lộng lẫy còn bên kia là một khu ổ chuột, nhếch nhác. Vài nơi trên bức tường ấy, tranh bích họa về cuộc sống yên bình, hòa quyện, chân dung của những em nhỏ thả diều, bắt bóng, nô đùa trên thảm cỏ xanh, dòng sông, hàng cây, những giàn hoa đầy màu sắc, có cả những chữ viết nguệch ngoạc “Love peace and fun” (yêu hòa bình và niềm vui), I hate war (Tôi ghét chiến tranh).
Mới đây, tổ chức Masterpeace đã mời hơn 20 họa sĩ tên tuổi tham gia vẽ tranh bích họa ở 30 thành phố trên toàn cầu, như ở khu ổ chuột Kibera của thành phố Nairobi, thành phố Sylhet (Bangladesh), thành phố Mexico (Mexico). Pullant, một thành viên của Masterpeace khẳng định, nếu chúng ta sử dụng nghệ thuật vì ước vọng cuộc sống tươi đẹp hơn, thì thông điệp từ tranh bích họa sẽ góp phần làm thay đổi cái nhìn của mọi người về tương lai tươi sáng. Để những bức tường không còn u ám với nỗi đau, ngăn cách cần khoác lên hình ảnh sinh động của đời sống và hy vọng. Nhiều đứa trẻ cũng tham gia cầm cọ vẽ lên những gì chúng muốn, như một gia đình sum vầy, các đứa trẻ nô đùa. Họa sĩ vẽ tranh bích họa người Yemen - Murad Subay (29 tuổi) - nói với tờ The New Arab (Ả rập): “Tôi tin rằng nghệ thuật có thể mang thông điệp rất quan trọng. Những bức tranh vẽ đó sẽ được rất nhiều người đi ngang qua mỗi ngày chiêm ngưỡng và nghĩ suy. Những người đàn ông, phụ nữ, người già và cả trẻ em ngang qua cổ vũ chúng tôi rồi dừng lại để tô thêm màu sắc yêu thương cho cuộc đời lên tường vẽ”.
QUỐC HƯNG