Nhớ ngày đặt ba lô năm ấy
(Xuân Đinh Dậu) - Chỉ mang theo lá cờ truyền thống “Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” vào Tam Kỳ; “cãi” với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng để xây doanh trại mới; vừa đặt ba lô đã đoạt giải nhất toàn đoàn tại Hội thao Quân khu…, là những ký ức sống động của lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam 20 năm trước.
Lên đường cùng lá cờ truyền thống
Đại tá Nguyễn Văn Tâm - nguyên Chỉ huy trưởng và Đại tá Lê Văn Trường - nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam, những người đầu tiên vào Tam Kỳ năm 1997 không quên bất cứ kỷ niệm nào về những ngày tháng ấy.
Một góc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam. Ảnh: HỒNG VÂN |
Ốm hơn nhiều so với trước đây do bệnh dạ dày dai dẳng nhưng giọng nói của ông Trường vẫn sôi nổi, lôi cuốn. Quyết định công bố tái lập tỉnh Quảng Nam tổ chức từ trước Tết Nguyên đán 1997, cấp trên có ý để cán bộ ăn tết xong mới kéo quân từ Đà Nẵng vào. Nhưng người lính thì không thể ngồi chờ tết trong khi bao việc ngổn ngang. Vậy là cả cán bộ lẫn nhân viên gần 100 người cấp tốc lên đường vào Quảng Nam. Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Tâm chỉ đạo để lại hết cho Đà Nẵng, chỉ xin chiếc xe U oát và xe ca cũ để chở quân cùng với lá cờ truyền thống “Quảng Nam - Đà Nẵng trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ” mà Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng sau chiến thắng Núi Thành.
Lá cờ ấy vào Tam Kỳ được treo ở nhà Bộ Chỉ huy như động viên và nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn ban đầu. Doanh trại của Bộ Chỉ huy được tiếp quản từ Trung đoàn 142 (Sư đoàn 315) với những gian nhà cấp 4 cũ kỹ, chật chội, xung quanh toàn cát. Điện máy nổ chỉ ỳ ạch vài tiếng mỗi ngày. Cũng có một vài người lúc đầu tỏ ra nản, nhưng rồi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ được khơi dậy. Ai nấy cùng xốc lại khí thế, làm việc cả ngày lẫn đêm, có khi Chủ nhật cũng không về với gia đình. Đại tá Lê Văn Trường nhớ lại: “Lúc bấy giờ bàn ghế xập xệ đến nổi Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Tập qua thăm thấy thảm quá chỉ đạo mua cấp cho 4 đồng chí chỉ huy mỗi người một bộ bàn mới. Củng cố, sắp xếp tạm ổn cơ quan, thành lập các đại đội trực thuộc xong cũng là lúc tết xồng xộc đến. Bộ đội được chỉ đạo gói bánh chưng, trang trí bàn thờ Tổ quốc, đón xuân thật đàng hoàng. Ngay trong đêm giao thừa, cán bộ các phòng ban không ngủ mà kéo nhau đi chúc tết các cơ quan của thị xã Tam Kỳ. Đây là cái tết nhớ nhất không thể nào quên”.
Cãi như Quảng Nam
Không dễ chịu thua! Đặt ba lô mới được vài tháng thì Quân khu 5 tổ chức Hội thao thể dục thể thao. Nếu trước đây Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng luôn giật giải nhất trong các hội thi thì nay cơ hội đó là không tưởng. Nhưng máu thi đua của người Quảng Nam đâu dễ đầu hàng. Trong cuộc họp Đảng ủy Quân sự tỉnh, Chính ủy Lê Văn Trường đưa ra hai kế hoạch, dự thảo chi tiết bằng hai văn bản. Kế hoạch… thua: Tham gia cho có phong trào, đầu tư ít, huấn luyện ít, thời gian chuẩn bị chừng 7 ngày. Kế hoạch thắng: Tập trung đầu tư, thời gian chuẩn bị 45 ngày. Ai nấy xôn xao: “Thua là thua thế nào. Phải thắng chứ!”. Biết nhiều người đã “trúng kế” khích tướng, Chính ủy Lê Văn Trường đề nghị Thường vụ biểu quyết. Ai cũng giơ tay quyết thắng! Với sự đồng lòng đó, cả cơ quan tiết kiệm triệt để các nguồn, xin thêm sự hỗ trợ kinh phí từ UBND tỉnh để tập luyện. Năm đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam thắng to, đứng đầu hội thao. Đây cũng là năm Bộ Chỉ huy dẫn đầu phong trào Thi đua quyết thắng cụm phía bắc Quân khu. Chính ủy Lê Văn Trường được ngồi ở hàng ghế Chủ tịch đoàn trong Đại hội và báo cáo điển hình trước hàng trăm đại biểu. Ai nấy tâm phục khẩu phục. Trung tướng Nguyễn Thành Út, lúc bấy giờ là Phó Tư lệnh về Chính trị Quân khu nói: “Không ngờ Quảng Nam mới ra ở riêng mà giỏi đến vậy!”. |
Nhắc lại hành trình xây doanh trại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Tâm hồ hởi kể: “Anh em mới chắc không biết để có được cơ ngơi bây giờ, chúng tôi suýt nữa bị kỷ luật chỉ vì dám đi trước”. Ngày đó, có được mảnh đất địa thế đẹp để đặt doanh trại đã là niềm vui lớn, nhưng việc xây dựng thì gặp muôn vàn khó khăn. Nếu dự án xây dựng trụ sở mà kinh phí nằm trong giới hạn cho phép thì Bộ Quốc phòng quyết luôn. Ngược lại, kinh phí vượt quá phải trình ra Chính phủ; nhưng mà như vậy sẽ phải chờ đợi rất lâu. Không thể để cán bộ, chiến sĩ tiếp tục ăn ở tạm bợ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chọn làm theo mẫu và nguồn kinh phí nằm trong tầm quyết định của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, sau một hồi xem đi xét lại, thấy xây dựng mẫu của bộ cho toàn doanh trại thì quá chật hẹp, vài năm sau sẽ phải cải tạo lại, gây ra lãng phí lớn. Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Tâm quyết định bỏ mẫu của bộ, ra Đà Nẵng nhờ vẽ thiết kế mới rồi mang đi Hà Nội.
Lúc bấy giờ, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã quá biết ông Tâm khi hai người là chuyên gia ở nước bạn Cuba nên dành sự yêu mến đặc biệt. Nhưng khi nhìn bản vẽ, ông không thể nào đồng ý, bởi vượt mức hạn định. Từ trước đến nay chưa tỉnh nào làm vậy. Bám riết thủ trưởng hai ngày vẫn không được, ông Tâm đánh bài liều: “Nếu Bộ Quốc phòng không cho tiền thì cứ duyệt bản vẽ, còn nguồn thiếu hụt Quảng Nam sẽ xin tỉnh trả dần. Nếu không có tiền trả nợ, ở tù tôi cũng xin chịu”. Đó là ông nói liều cho được việc chứ thừa biết rằng tỉnh lấy đâu ra tiền cho cơ quan quân sự. Không ngờ Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên cười: “Đúng là dân Quảng Nam hay cãi, không chịu nổi! Thôi thì về làm theo kiểu của ông đi”.
Vậy là hàng loạt công trình gồm sở chỉ huy, nhà làm việc 4 cơ quan, nhà ở cán bộ, kho tàng dần dần được hình thành theo thiết kế. Trong thời gian chờ kinh phí, ông Tâm đề nghị các đơn vị xây dựng tạm ứng trước. Để làm đẹp cảnh quan môi trường, Bộ Chỉ huy quyết định dùng số tiền Đà Nẵng chi viện khi tách tỉnh để làm hồ nước và xây cầu trong khuôn viên. Với quy mô kinh phí vượt quá hạn mức, “hoành tráng” nhất lúc bấy giờ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phải giải trình rất nhiều lần với cấp trên. Nhiều tỉnh bạn cũng đã rất “ghen tị”. Tuy nhiên, cuối năm 1998, khi vào kiểm tra, các cơ quan Bộ Quốc phòng đã phải công nhận mô hình của Quảng Nam là hợp lý và số tiền vượt trội dần dần được giải quyết rốt ráo. Cũng từ đó, doanh trại quân đội của nhiều tỉnh sau này được đầu tư khang trang, rộng rãi hơn…
Rời cương vị chỉ huy đã lâu, nhưng bây giờ trong trái tim hai vị cán bộ chủ chốt của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam ngày trước vẫn đầy ắp những ký ức về tinh thần vượt khó, dám nghĩ dám làm của bộ đội Quảng Nam. Chất lính ấy chính là mạch nguồn nuôi dưỡng để lớp cán bộ, chiến sĩ hôm nay luôn xứng đáng với sự tin yêu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.
HỒNG VÂN