Một ngày vui
(Xuân Đinh Dậu) - Hơi nắng cuối thu sót lại dưới tàn cây càng khiến người già thêm đa cảm. Mấy chục năm xa quê nên Hà Nội đã thành thân thuộc mất rồi. Nên mỗi bận chuyển mùa, là dùng dằng ý định trở về giẫm chân trên đồng quê, cúi xuống hít hà mùi đất. Và buổi họp đồng hương trở thành cơn cớ dễ chịu với người xa quê. “Nghe giọng Quảng. Nghe chuyện Quảng” – đơn giản vậy mà đủ sức kéo họ lại gần nhau.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi bà con tại buổi gặp mặt đồng hương. |
Cụ Võ Tấn Tờn (tức Võ Dần, 78 tuổi, quê gốc Thăng Bình), cụ Nguyễn Tiến Tham (93 tuổi, quê Điện Bàn) nói, mỗi năm gặp nhau thì các gương mặt năm ngoái lại hụt mất mấy người. Những người già cứ lọ mọ làm việc kiểm đếm số người còn lại mà nghe biệt ly nhớ nhung. Cụ Nguyễn Văn Nghiêm (80 tuổi, quê Duy Xuyên) kể, năm 2015 có 28 người qua đời, năm 2016 con số cũng xem xém đó. Nghe chữ “xem xém” mà muốn ứa nước mắt. Ông ra đây từ năm năm tư mà giọng quê không đổi, thổ ngữ không đổi. Ông không sợ chết nhưng nỗi sợ chứng kiến bạn bè, đồng hương lần lượt ra đi để lại ông khoảng trống mênh mông ấy, sợ thành người chứng kiến đến cuối cùng nên ông không muốn nói con số, xem xém thôi.
Chụp ảnh kỷ niệm tại buổi họp đồng hương.Ảnh: Trang Fanpage Hội đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội. |
Thế hệ của ông Tờn, ông Tham, ông Nghiêm không còn mấy. Gốc Quảng đến thế hệ thứ hai, thứ ba ở Hà Nội đã nói giọng Bắc và tính cách có lẽ cũng pha đi nhiều. Vậy mà nom quanh ở hội trường buổi gặp mặt đồng hương hơn 800 người bữa đó, những mái đầu bạc phơ chừng phần ba, còn lại toàn người trẻ. Công của chị Phan Thị Thu Ba (quê Điện Bàn, Trưởng ban Liên lạc hội đồng hương trẻ) chỗ này không hề nhỏ - Thiếu tướng Nguyễn Văn Trí - Trưởng ban Liên lạc đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội khẳng định như vậy. Là dốc sức mang chút quà mọn cho quê, cái áo cái quần tươm tất, con bò con bê cho vùng núi, cho người khốn khó. Chừng vài trăm triệu đồng thôi nhưng đủ để xới lên nhiệt huyết của những người có chung nơi quay về. Và để mỗi năm gặp nhau, không phải đi sinh hoạt đồng hương chỉ có các cụ đọc thơ, chúc thọ; không có sinh hoạt gì hợp với người trẻ.
Ngang qua phố, tôi ghé thăm bà. Bà ngồi hơi ngả người ra sau, chiếc ghế gỗ lên nước đen bóng. Khoảnh sân nhỏ thoang thoảng mùi chanh. Bà chớp chớp mắt. Hễ có ai ở Quảng ra thăm cũng khiến bà dễ xúc động. Cánh tay người già nhão dưới lớp áo mỏng, và cái kiểu nói chuyện khiến tôi nhớ ngoại. Rề ra câu chuyện không đầu không cuối giữa tôi và nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình - ngoảnh lại trôi tuột buổi sáng của bà. Thi thoảng lại chen vào câu nhắc nhở của chị giúp việc, bà ơi vô nhà nghỉ chứ bà ngồi đây lâu rồi. Hôm qua, bà chả đi cả ngày rồi còn gì!
Hôm qua, mệt, nhưng bà vẫn cùng con dâu đến dự buổi họp đồng hương Quảng Nam tại Hà Nội. Vẫn ngồi ăn chung bữa mỳ Quảng với đồng hương dù hàm răng của người 90 tuổi đâu còn nhai nổi thịt. Tô mỳ gà, mùi rau húng quế trộn bắp chuối sứ - mà những thứ ấy cũng “đi máy bay từ Quảng ra” nên mùi còn… nghe thơm lắm, vị còn nghe chính gốc lắm. Chẳng thế mà có mấy cụ bà xong bữa, gom mấy dĩa rau lỡ dở, lấy bịch xin đem về. Ăn thì chẳng mấy nhưng thèm vị giác nhắc nhớ ngày đó thời đó ở quê.
Bà Bình nói, họp đồng hương năm nào cũng như năm nào nhưng vẫn muốn đi; bữa cơm đó, bữa mỳ Quảng đó còn đợi được thì mình vẫn còn ở đây mà. Nhạt hay đậm là do người tổ chức nhưng đồng hương họ quý cái tình thì tới. Rồi còn xúm xít cho bọn trẻ nữa, cái quan trọng là cố kết nhau giúp được gì cho quê hương thì giúp. Gặp nhau và biết không ai muốn để đến thế hệ thứ ba thứ tư thì nhạt hết tình quê xứ. Ấy vậy nên bà vui lắm, kiểu vui của người già – như tết.
Phải rồi. Bữa đó, với nhiều người là một ngày vui.
HOÀNG NGỌC