Mê sử làng

KHÁNH LINH 24/01/2017 14:25

(Xuân Đinh Dậu) - Không bằng cấp chuyên ngành, chỉ có niềm đam mê và lòng tự hào quê hương xứ sở, người nông dân ấy đã âm thầm tìm đọc, nghiên cứu, góp phần lưu giữ tư liệu vùng đất cho các thế hệ mai sau.

Ông tên Dương Hiển Bá (78 tuổi), thôn Cẩm Phú 2, Điện Phong, Điện Bàn, người vẫn được dân làng gọi với mỹ từ, “nhà” sử làng. Ông không dám nhận, nó to tát quá, ông chỉ thừa nhận mình là người thích đọc sách chứ chẳng phải nghiên cứu gì, vì những điều ông biết hoặc viết cũng bình thường. Bao năm nay, dù bận rộn hay đau ốm mỗi ngày ông đều dành ra một khoảng thời gian để đọc, thông thường là buổi trưa và trước khi đi ngủ. Sách có nhiều loại nhưng ông chỉ thích nhất lịch sử và văn hóa.

Ông Dương Hiển Bá.Ảnh: K.L
Ông Dương Hiển Bá.Ảnh: K.L

Trên giá sách của ông dễ dàng bắt gặp những cuốn nghiên cứu, biên khảo về sử như Ô châu cận lục (Dương Văn An), Đại Nam nhất thống chí đến Việt sử xứ Đàng Trong (Phan Khoang), Xứ Đông Dương (Paul Doumer), Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước (Nguyễn Q.Thắng)… “Hồi nhỏ tôi vốn mê truyện Tàu, lớn lên chút nghe chuyện quê mình, làng mình, nhất là những vị khoa bảng trí thức sống trên đất Gò Nổi nên càng muốn đọc tìm hiểu, chứ thật ra trình độ tôi mới tú tài, lại làm nông nên kiến thức hạn hẹp lắm, lâu nay sưu tầm ghi chép những điều nghe biết cũng chỉ để thỏa mãn đam mê thôi” - ông Bá tâm sự.

Quê ông có đình làng Cẩm Lậu, nơi gắn với sự ra đời của chi bộ Đảng đầu tiên trong vùng vào tháng 7.1930. Với truyền thống và lòng tự hào quê hương ông đã bỏ nhiều thời gian công sức nghiên cứu, sưu tầm khá nhiều tài liệu sách báo liên quan, hễ tư liệu nào đề cập tên làng Cẩm Lậu hay Gò Nổi là ông tìm đọc, qua đó góp phần cùng địa phương và ngành văn hóa bổ sung tư liệu lập hồ sơ công nhận ngôi đình thành di tích lịch sử cấp tỉnh (2.2007). “Mình đọc sử trước hết để hiểu mảnh đất mình sinh sống nên cái gì liên quan tới làng, huyện, tỉnh là tôi thích, kể cả xem báo. Tôi có thói quen là báo Quảng Nam phải được đọc trước, sau đó mới đến báo khác. Bây giờ lớn tuổi rồi, điều kiện kinh tế gia đình cũng hạn hẹp, lại không có thời gian do còn phải lao động nữa, nên dù có đam mê cũng kìm nén đôi phần” - ông Bá chia sẻ. Dù khiêm tốn vậy, nhưng mỗi khi rảnh rỗi ông lại bỏ thời gian đến thư viện, bảo tàng dưới thị xã để sao lục tìm đọc các sử liệu quan tâm, nhất là về vùng đất Gò Nổi. Bởi nói như ông không biết chuyện xưa sao rõ chuyện nay được! “Lớn tuổi rồi đọc cũng chẳng biết để làm gì, nhưng không đọc thì thấy mình như bị lụi tàn” - ông Dương Hiển Bá chia sẻ.

KHÁNH LINH

KHÁNH LINH