Du mục theo... nhà sàn

VÕ LÊ - LÊ NINH 24/01/2017 14:00

(Xuân Đinh Dậu) - Họ là những thanh niên ngoài Bắc tha phương kiếm sống bằng cái nghề làm nhà sàn cho đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc đời họ chẳng khác gì dân du mục, chỉ khác là không theo gia súc mà lang thang đi làm những ngôi nhà sàn giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Giữa cánh rừng pơmu huyền bí (xã A Xan, huyện Tây Giang) có một ngôi làng du lịch đã được chính quyền huyện Tây Giang đầu tư dựng lên với hy vọng sẽ biến khu rừng di sản này thành một điểm du lịch sinh thái. Và để dựng nên ngôi làng này, một đội thợ trẻ đến từ Nam Định đã phải hơn 6 tháng trải cảnh “ngày đêm ăn núi, ngủ rừng”.

Đội thợ xử lý gỗ thô.Ảnh: LÊ LÊ
Đội thợ xử lý gỗ thô.Ảnh: LÊ LÊ

Đội thợ mộc du mục

Mọi người gọi họ là “đội thợ mộc du mục” bởi cuộc sống gắn liền với những chuyến đi theo thỏa thuận làm nhà sàn ở các bản làng vùng cao. Chúng tôi đã phải thở dốc vì quá mệt mới tìm ra được nơi họ đang làm việc. Tại ngôi làng nằm ở vùng lõi của rừng pơmu, chúng tôi gặp mấy thợ mộc trẻ đang hoàn thành những khâu cuối cùng của các ngôi nhà sàn. Thủ lĩnh đội thợ mộc là Phan Văn Định (22 tuổi, quê huyện Giao Thủy, Nam Định). Anh cho biết đã nhận lời lên đường tiến về biên giới giữa Tây Giang và Lào để làm nhà sàn cho một số hộ dân sau khi hoàn thành ngôi làng này.

Ngôi làng giữa rừng pơmu mà đội thợ mộc du mục mất hơn nửa năm mới hoàn thành. Ảnh: LÊ LÊ
Ngôi làng giữa rừng pơmu mà đội thợ mộc du mục mất hơn nửa năm mới hoàn thành. Ảnh: LÊ LÊ

Khu nhà sàn nằm giữa rừng pơmu mà đội thợ đang gấp rút hoàn thành để bàn giao cho huyện Tây Giang nằm cách trung tâm huyện hơn 40km, từ đường lớn theo con đường mới mở để đi vào. Ngày nắng chạy xe máy phải mất cả tiếng đồng hồ, còn mưa rừng trút xuống thì gần như biệt lập, muốn ra ngoài mua thức ăn phải lội bộ cả buổi. “Ở đây ngoài làm việc ra chỉ còn ăn uống ngủ nghỉ chứ không biết làm chi. Cả điện thoại muốn gọi được về nhà phải leo dốc cả cây số mới có sóng” - anh Định chia sẻ. Đội thợ của Định có 10 người đều ở huyện Giao Thủy, không ai tuổi quá 30. Ông chủ của họ cũng quê gốc Nam Định, chuyên nhận làm nhà sàn ở các huyện miền núi Quảng Nam. Cuộc đời của đội thợ mộc du mục này bắt đầu từ khi họ chỉ vừa 14, 15 tuổi. Cái nghèo khó đưa đẩy họ đến nghề mộc và lang bạt theo nghề. “Nghề này chỉ có đi và đi, không tính xã tính huyện mà phải tính bằng tỉnh bằng vùng” - Định nói. Thành viên trong đội, người tuổi nghề ít nhất cũng đã có 7 - 8 năm làm mộc. Như Định tuổi mới 22 nhưng đã có hơn 8 năm theo nghề. Cũng do hoàn cảnh, học đến lớp 8 Định đành gác lại giấc mơ con chữ, theo những người lớn trong làng Nam tiến học nghề mộc. Khi ở Nghệ An, Đắk Lắk, lúc thì Quảng Ngãi, Quảng Nam… “Lúc đó cứ đi, ai sai gì làm nấy, chỉ mong học được cái nghề để kiếm cơm. Đâu nghĩ giờ tay nghề đã vững lại tiếp tục lang thang khắp núi rừng thế này. Cũng có thể là duyên, cũng có thể là phận” - Định chia sẻ.

Thổi hồn vào từng thớ gỗ

Tuổi trẻ đã cho họ sức sáng tạo không ngừng. Mỗi ngôi nhà sàn họ đi qua lại thêm những chi tiết mới đẹp hơn trên cái nền văn hóa của đồng bào vùng cao. Và cái mới chỉ tồn tại khi có được sự đồng ý của người làng.

Đã có biết bao ngôi nhà sàn do đội thợ mộc du mục của Định dựng nên ở những bản làng vùng cao. “Mới đầu bà con dân bản thấy mình người Bắc nên không tin tưởng lắm. Nhưng sau vài công trình, bà con tin” - Định nói. Anh Cao Văn Thái (30 tuổi), người có tuổi nghề cao nhất trong đội kể, làm nhà sàn cho đồng bào dân tộc vùng cao không đơn giản như dựng nhà dưới đồng bằng. Bởi ngôi nhà còn mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng nên phải tỉ mỉ trong từng chi tiết, họa tiết. “Một ngôi nhà sàn rộng chừng 50m2 anh em chúng tôi dựng lên phải mất tầm 20 - 25 ngày không nghỉ. Còn dựng một làng như ở rừng pơmu, mất hơn nửa năm mới xong” - anh Thái bộc bạch. Ông Hôi Mia - Bí thư Chi bộ thôn Ganil (xã A Xan, Tây Giang) nói, những ngôi nhà do đội thợ du mục dựng lên cho bà con làng Ganil chẳng thua gì những người thợ bản địa trước đây. Dân bản quý họ lắm. Làng trước đây cũng có nghề, nhưng lũ trẻ chẳng mấy đứa chịu học. May mà có đội thợ này mới giữ được nếp nhà sàn.

Quảng Nam là vùng đất mà đội ở lại lâu nhất, khi mấy năm gần đây các huyện miền núi phục dựng nhà sàn phục vụ du lịch hoặc những công trình tái định cư cho bà con dân bản vùng cao. Thuận theo thời cuộc, nhóm thợ trẻ tiến về phía núi nhận làm công trình nhà sàn cho người Cơ Tu. Như Định, những chàng trai khác, có thể không giỏi chữ nghĩa nhưng các chi tiết của nghề mộc thì họ là bậc cao thủ. Tuổi trẻ đã cho họ sức sáng tạo không ngừng. Mỗi ngôi nhà sàn họ đi qua lại thêm những chi tiết mới đẹp hơn trên cái nền văn hóa của đồng bào vùng cao. Và cái mới chỉ tồn tại khi có được sự đồng ý của người làng. Cao Văn Sĩ (22 tuổi) bảo đội của anh cứ làm xong công trình này thì đến nơi khác làm, không bao giờ hết việc. Chính đều đó đã biến cuộc đời du mục của họ càng tiến sâu vào núi.

Nhìn những người thợ trẻ làm nhà sàn một cách say mê như những nghệ nhân, ít ai nghĩ họ có tuổi đời còn khá trẻ. Mỗi công trình họ đều thổi vào đó một tình yêu nghề bỏng cháy. Sĩ nói rằng làm nhà sàn không chỉ đơn thuần là kiếm tiền mà những ngôi nhà ấy khi làm xong thực sự là đứa con tinh thần của họ. Đó cũng là những tác phẩm của một thời son trẻ họ lang bạt khắp chốn núi rừng. Và họ hy vọng, một ngày nào đó trở lại, nhìn những ngôi làng nhà sàn, họ thấy được tuổi trẻ của mình thật đẹp, thật ý nghĩa. Và như lời của Sỹ, một ngôi nhà sàn đẹp không chỉ đến từ gỗ.

VÕ LÊ - LÊ NINH

VÕ LÊ - LÊ NINH