Chợ thuần Việt ở Sydney
(Xuân Đinh Dậu) - Hai phố chợ Việt Nam nổi tiếng Sydney là Bankstown và Cabramatta. Người ta quen gọi như thế chứ thật ra đó là tên của hai khu vực hành chính rộng lớn nằm ở ngoại ô thành phố thương mại năng động này của nước Úc.
So với Sài gòn Nhỏ ở bang California, Mỹ, Bankstown lẫn Cabramatta đều nhỏ hơn nhiều, tập trung vào một khu vực, không trải dài. Ở đó có thể đi bộ quanh được, trong khi tại Sài gòn Nhỏ thì phải dùng đến xe hơi vì những khu thương mại luôn nằm cách nhau cả một đoạn đường.
Phở và những chuyện lạ
Bankstown nổi tiếng về nhà hàng, tiệm cà phê cùng dịch vụ các loại - nhưng cũng có nơi bán đủ loại nguyên liệu cho những bữa ăn gia đình.
Tháng 12 đã có cherry, loại trái cây khoái khẩu của nhiều người, nhưng còn chua và giá còn cao: 9 - 10 đô la/ký. Ảnh: NGỌC TRÂN |
Cabramattamà báo giới Úc đặt tên là “Vietnamatta” thì được biết đến nhờ chợ búa, tuy không thiếu các loại hình ăn uống, tiện ích phục vụ đời sống. Nó lớn hơn Bankstown nhiều, xô bồ và… khó kiếm chỗ đậu xe hơn. Vì những lẽ đó, trong những ngày ở Sydney, tôi thích lui tới Bankstown - nên biết về khu này nhiều hơn; lại nữa, nhà anh chị tôi cũng ở gần đó, mất chừng 20 phút đi xe buýt.
Nhà cửa ở Bankstown - đã đổi tên thành Saigon Place từ đầu năm 2011 nhưng người Việt ở đây vẫn quen gọi tên cũ - nằm san sát nhau, giống nhà ống ở Sài gòn. Và hầu hết chỉ một tầng. Vì thế diện tích cửa hàng, nhà hàng khá nhỏ hẹp; chủ nhân thường tận dụng tối đa để trưng bày hàng hóa các loại. Trái cây, chẳng hạn, được xếp đầy các kệ, mặt bàn, trong khi quần áo thì treo với mắc... không khác ở chợ của những thành phố Việt Nam là mấy.
Quán Phở An – một điểm hẹn của người Việt ở Úc. |
Tại Bankstown, nhà hàng nổi tiếng nhất là Phở An - được quảng cáo với cách chơi chữ như sau: So Phở So Good (Rất Phở Rất Ngon).
Những bạn từng ăn phở ở quận 13 Paris (Pháp) hoặc Sài gòn Nhỏ đều biết tô phở ở những nơi đó to cỡ nào - tô lớn gần bằng cái thau nhỏ; tô trung lại không nhỏ hơn tô lớn là bao. Phở ở Sydney cũng vậy. Tô lớn, tô trung gì đều rất khó ăn cho hết đối với người bụng nhỏ.
Cái đặc biệt ở Phở An là nếu muốn ăn ngò gai, một trong những loại rau được ăn kèm với phở như ở miền Nam nước ta, bạn phải gọi và trả thêm tiền. Vài cọng thôi nhưng phải chi 1,5 đô la Úc (theo tỷ giá hiện giờ là 26.000 đồng). Hôm tôi đến đây ăn phở cùng năm người bạn học cũ thời đại học thì giá tô phở to là 16,5 đô la và tô trung, 15 đô la. Không có “tô nhỏ”.
Ông Phan Chí Hiệp, chủ của Phở An, từng giải thích về giá cả của ngò gai, cho một nhà báo như sau: Rau này chủ yếu do người Việt ở Úc trồng, không được bao nhiêu, có khi quán không có đủ để cung cấp, nên… phải tính tiền. Thật ra đó chỉ là lời ngụy biện. Bởi tại đây cái gì người ta cũng tính tiền, kêu thêm chén thịt tái thì đúng rồi (tính 5 đô la) nhưng gọi thêm hành ngâm giấm cũng tính 1 đô la. Và vô lý nhất là mượn cái tô để sang bớt phở cũng phải trả tiền: 3,5 đô la! Quả là “độc nhất vô nhị”.
Thế mà quán vẫn đông khách. Theo báo Việt Úc Times, Sở Thuế Sydney từng theo dõi, đếm số người đến ăn ở quán và bắt ông chủ quán đóng phạt - nghe đâu đến nhiều trăm ngàn đô la. Họ buộc tội khai man thu nhập. Ông ấy nói ế nhưng lại có quá đông người ra vô quán…
Cà phê và nhiều hơn nữa…
Một quán đông khách khác của Bankstown là quán cà phê Nhớ - đế thêm cái tên Tây: Coffee to Remember-, bàn ghế để tràn ra cả lề đường, không khác chi quán xá ở Việt Nam. Và nhạc Việt mở to dường như để cạnh tranh với Happy Cup, một quán cà phê khác nằm cách đó hai căn tiệm.
Tôi thích ngồi ở Happy Cup (tạm dịch: cái Tách Hạnh phúc), đơn giản vì nó ít khách hơn, nhạc Việt cũng mở nhỏ hơn như… không thèm cạnh tranh với Nhớ - hẳn chỉ dành cho người mang tâm trạng khắc khoải vì nhớ quê hương. Hơn nữa, lần nào ở Sydney thì cũng chỉ tròm trèm một tháng - chưa đủ để nhớ nhà, lại đi với vợ nên quá “hạnh phúc”.
Nhưng cà phê Nhớ cũng như Phở An đều là điểm hẹn của những người xa xứ lẫn của người trong nước sang Úc, đến Sydney, muốn gặp lại bạn bè. Bởi những quán đó quá nổi tiếng.
Ngoài hàng quán,
Bankstown còn có những nơi bán rau quả, tạp hóa đủ loại.
Về rau quả thì không thiếu rau quả kiểu Việt Nam; đất ngoại ô Sydney rộng rãi, nhà nào cũng có thể có một mảnh vườn và một số người Việt Nam đã tận dụng để trồng trọt thêm, bán lại cho các cửa hàng. Vì thế có thể tìm thấy tại đây nào là rau đay, mồng tơi, nào là bí, bầu, dưa chuột... nhưng giá không rẻ. Một trái bí xanh, hơi dài có giá 5 đô la; một ký dưa chuột, 3 đô la; dừa, 2,99 đô la/ trái, khoai môn, 8,99 đô la/ký ...
Rau, củ, quả của Úc đương nhiên phải rẻ hơn, như táo, cam chỉ 4 - 5 đô la/ký. Trừ nho, mùa này giá hơi mắc: 15 đô la/ký. Và anh đào (cherry), đầu mùa nên giá còn hơi cao – 9 đến 10 đô la/ký, nhưng chưa ngon do còn chua. Nó chỉ rộ từ cuối tháng 12; giá có thể xuống đến 4 hoặc 3 đô la/ký, và ngọt hơn.
Thấy cả người ngồi trên lề đường bán rau, cây giống; bán theo bó, cứ 1 đô la một bó rau răm, rau tía tô, húng quế, ngò gai… Cây nha đam - 20 đô la/cây.
Thịt sống trong tiệm cũng nhiều loại: heo, bò, gà (có gà ác cùng gà… chạy bộ), vịt, thỏ, dê, nai. Và cả cá sấu.
Có tiệm cho biết sẵn sàng đông đá thịt và đóng thùng cho những ai có nhu cầu gửi về Việt Nam. Tại đây đương nhiên phải có dịch vụ gửi hàng về Việt Nam, như của tiệm vàng Hoàn Mỹ, nằm trên cùng con đường với cà phê Nhớ và Happy Cup.
Bà chủ tiệm, người gốc Sài Gòn, nói rằng, nếu hôm nay gửi, ngày mai sẽ nhận được, tại một nơi gần sân bay Tân Sơn Nhất, bao tất tần tật mọi thủ tục. Để gửi thịt, phải trả 12 đô la/ký (trong khi thịt bò, chẳng hạn, loại ngon cắt để nướng hoặc nhúng dấm chỉ 12,99 đô la/ký!) Giá gửi cherry, loại trái cây khoái khẩu của nhiều người, cũng vậy. Nhưng người chị vợ - sinh sống tại Sydney từ năm 1989, cho biết hẳn đó là những nơi trung gian; nơi chính gốc gửi hàng chỉ tính 7 đô la/ ký mà thôi.
Rõ là chỉ cần biết tiếng Việt để sống khỏe tại Sydney. Một số người Việt Nam qua Úc sinh sống đã hơn 30 năm nhưng chỉ bập bẹ tiếng Anh. Sự xuất hiện của những khu chợ như thế này càng làm cho họ thấy không cần phải học thứ tiếng mất công bẻ giọng, đọc trẹo lưỡi này làm gì. Hơn nữa, giao dịch với chính quyền hay đi nhà thương thì đã có người phiên dịch giúp, thất nghiệp lại được Chính phủ Úc lo, nên cứ sống như vậy…
Trước ngày rời Sydney, tôi đảo thêm một vòng Bankstown. Hôm ấy thời tiết thật dễ chịu. Nhưng đối với người Úc đó là một ngày nóng - buổi trưa lên đến gần 30 độ C - của mùa nhiều ánh mặt trời nhất trong năm.
NGỌC TRÂN