Đi học ở xứ người

VU GIA 24/01/2017 11:26

(Xuân Đinh Dậu) - Ở xứ người, gửi một tiểu luận khoa học đến tạp chí để được đăng, đến hội nghị, hội thảo để được tham dự thì phải gửi kèm theo 400USD hoặc 500USD (tùy nơi) để người ta nhờ những chuyên gia đầu ngành thẩm định chất lượng. Nếu chất lượng không đạt yêu cầu thì tác giả không những chẳng bắt được gà mà còn mất toi nhúm gạo.

Qua sự giới thiệu của bạn bè, tôi liên hệ và gặp một nghiên cứu sinh Việt Nam ở Đại học Pittsburgh (Hoa Kỳ) vừa tham dự hội nghị khoa học quốc tế tại Nhật Bản, ghé về thăm nhà mấy ngày. Tại hội nghị này, anh được vinh danh với “Giải thưởng xuất sắc về bài tham luận khoa học dành cho nghiên cứu sinh”. Với nhiều người, giải thưởng này nhỏ như... hạt mè, nhưng với người học, kể cả trong suy nghĩ của tôi là vinh dự lắm. Ở ta, nghiên cứu sinh có bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế đã hiếm, mà bài báo ấy được vinh danh tại một hội nghị khoa học quốc tế như thế lại càng hiếm.

Phạm Ngọc Việt Phương (trái) và người viết (giữa).
Phạm Ngọc Việt Phương (trái) và người viết (giữa).

Anh là Phạm Ngọc Việt Phương, sinh năm 1982, quê ở xã Đại Cường, huyện Đại Lộc. Năm 2011, anh nhận được học bổng VEF (thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ từ năm 2000). Nhìn “vật phẩm” chứng nhận giải thưởng của anh, tôi thấy có đến 6 nhà khoa học thẩm định chất lượng bản tham luận này: Louis-Philippe Moreney, Carlos Busso, Catherine Pelachaud, Yukiko Nakako, Elisabeth Andre, Toyoaki Nishida. Anh cho hay ngoài 6 vị ấy còn có một số người khác phản biện kín, nghĩa là ban tổ chức không cho tác giả tiểu luận biết họ là ai, người nước nào, đang làm gì, ở đâu…

Nghe anh kể, tôi thấy bài đăng báo trên những tạp chí khoa học chuyên ngành, những hội nghị, hội thảo khoa học ở xứ người khác với xứ mình. Gửi một tiểu luận khoa học đến tạp chí để được đăng, đến hội nghị, hội thảo để được tham dự thì phải gửi kèm theo 400USD hoặc 500USD (tùy nơi) để người ta nhờ những chuyên gia đầu ngành thẩm định chất lượng. Cụ thể, hội nghị khoa học anh tham dự vừa rồi có tên: ACM International Conference on Multimodal Interraction, tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), từ ngày 12 đến 16.11.2016, thì chi phí thẩm định chất lượng bài viết và tiền ăn ở, đi lại trong thời gian dự hội nghị… của người được mời tham dự sau khi thẩm định chất lượng công trình, do người tham dự lo tất tần tật chứ không phải ban tổ chức hội nghị đài thọ.

Thậm chí, người không được mời mà muốn tham dự để nghe thì phải đóng tiền theo quy định của ban tổ chức. Với nghiên cứu sinh học bổng toàn phần (100%) như anh thì chi phí ấy do giáo sư bảo trợ đài thọ. Giáo sư ở xứ họ cũng khác xứ mình. Đã là giáo sư thì phải tìm nguồn tài trợ từ những đề tài nghiên cứu của mình để có tiền nuôi nghiên cứu sinh, nuôi khoa. Không tìm được nguồn tài trợ thì không có nghiên cứu sinh. Không có nghiên cứu sinh thì chỉ là… “thợ dạy” (lecturer). Nghiên cứu sinh là những người giúp việc cho giáo sư thực hiện các đề tài nghiên cứu ấy. Luận án tiến sĩ là những thành quả nghiên cứu của nghiên cứu sinh (qua các bài báo công bố trên những tạp chí chuyên ngành có uy tín quốc tế, hoặc những tham luận trình bày tại các hội nghị, hội thảo quốc tế) trong quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu của giáo sư. Do đó, không có luận án tiến sĩ nào phải cất vào ngăn kéo như ở ta.

Đề tài khoa học mà anh Phương được vinh danh tại hội nghị khoa học này, có tiêu đề: Adaptive Review for Mobile MOOC Learning via Implicit Physiological Signal Sensing. Anh dịch ra tiếng Việt và nói qua cho tôi nghe về đề tài này, song tôi cứ ù ù cạc cạc, khó thể diễn đạt cho ra hồn. Về đại thể, tôi biết anh học công nghệ thông tin, tham gia dự án mà thầy anh đã ký với Google, là qua chiếc điện thoại di động nơi bàn tay, người đọc, người học sử dụng đến một thời gian nào đó rồi tùy theo sức khỏe của mỗi người (qua nhịp tim, mạch máu…) mà nhận được lời khuyên nên thư giãn trong mấy phút. Nếu người đọc, người học bỏ qua lời khuyên thì bộ não sẽ không thể tiếp nhận tri thức từ văn bản đang đọc/ học, ảnh hưởng tới sức khỏe. Công trình này giải quyết một phần trong sự “mệt mỏi nhận thức” (cognitive fatigue).

Chuyện học nghiên cứu sinh ở xứ người cũng khác với xứ mình. Ở xứ người, học nghiên cứu sinh là phải cật lực giống như những bước chạy nước rút của vận động viên trước khi về đích. Muốn đi làm thêm ở ngoài (dù việc làm đó không trái ngành) phải được sự đồng ý của giáo sư và của quỹ học bổng. Chuyện đi làm bên ngoài trong quá trình làm nghiên cứu sinh ở Mỹ hầu như không có mấy. Trong quá trình học nghiên cứu sinh, không thiếu người “gãy gánh” ngay từ năm đầu tiên vì không đủ những điểm A bắt buộc theo yêu cầu của nhà trường, và liên tục có chọn lọc, đào thải nếu không đảm bảo hoàn thành tốt các đơn vị học trình. Trên bước đường nghiên cứu, có người bị đào thải không phải vì thiếu năng lực mà vì đề tài mới đầu thấy thông suốt, cả thầy lẫn trò đều tin tưởng, nhưng càng đi càng bí. Sự “hy sinh” của những nghiên cứu sinh này giúp cho giáo sư có cái nhìn khác để tiếp tục tìm hướng đi khác với nghiên cứu sinh khác nhằm phấn đấu hoàn tất đúng hạn dự án nghiên cứu đã ký kết với đơn vị/ cá nhân tài trợ kinh phí. Ai có tính kiên nhẫn và quyết tâm lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học, thì tìm giáo sư khác với dự án nghiên cứu khác. Người làm nghiên cứu sinh cả chục năm chưa hoàn thành luận án tiến sĩ, thường là gặp phải những trường hợp như thế.

Tôi hỏi, xong chương trình nghiên cứu sinh, anh về hay ở? Anh cười vui, cho biết ông cha ta thường nói: “Nói trước bước không khỏi”, nên không dám “lên gân”. Chuyện về hay ở không chỉ là nỗi băn khoăn của riêng anh mà của hầu hết nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ. Tiền bạc là quý, nhưng có những thứ quý hơn tiền bạc, đó là tình cảm, là sự tôn trọng, là niềm vui trong lòng mỗi người…

    VU GIA

VU GIA