Làng nghề chộn rộn vụ tết

Q.VIỆT - V.ANH - H.BẰNG 23/01/2017 09:46

Hơn lúc nào hết, tết cổ truyền là dịp sản phẩm truyền thống ngược xuôi đến mọi nhà, để mâm cúng ông bà tổ tiên hay bữa cơm sum vầy thêm đủ đầy, với hương trầm hương quế, bánh trái quà quê…

Bài 1: Mùa của sản phẩm thương hiệu

Làng nghề Quán Hương, bánh khổ khảo lại tất bật người mua, kẻ bán để kịp gom hương tết về nhà.

Nhộn nhịp làng hương

Dịp tết Nguyên đán hằng năm là lúc người dân làng nghề Quán Hương (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) bận rộn nhất trong năm bởi nhu cầu sử dụng hương cho mùa tết tăng gấp 3 - 4 lần ngày bình thường. Tuy nhiên, do năm nay thời tiết diễn biến bất thường, những tháng cận tết mưa nhiều đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất ở làng nghề. Người sản xuất hương cho biết, dịp tết, hương sản xuất không kịp cho thị trường, làm bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Chỉ mong ông trời nắng ráo để cung cấp đủ hàng hóa cho khách hàng.

Sản xuất hương tại gia đình anh Võ Tấn Quốc.
Sản xuất hương tại gia đình anh Võ Tấn Quốc.

Không khí ở làng nghề Quán Hương cận tết Đinh Dậu 2017 hối hả, tất bật hơn ngày thường. Ở làng nghề hiện có khoảng 120 hộ tham gia sản xuất hương, với khoảng hơn 300 lao động. Mỗi hộ làm hương là một cơ sở sản xuất, cạnh tranh lành mạnh để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Chị Võ Thị Hoàng, chủ một cơ sở làm hương ở làng nghề cho biết, năm nay thời tiết mưa nhiều nên ảnh hưởng rất lớn đến việc sản xuất hương của người dân. Ngày thường nắng ráo, 3 máy làm hương của gia đình cùng 9 lao động hoạt động hết công suất nhưng trời mưa thì chỉ có một máy hoạt động và lao động cũng phải giảm bớt. Tuy nhiên, vì nhu cầu của thị trường rất lớn nên gia đình chị phải tìm mọi cách để có hương xuất bán cho khách hàng. Từ dùng quạt sấy hương đến việc tranh thủ trời hửng nắng để phơi hương… Chị Hoàng cho biết, sản phẩm hương của gia đình chị và một số hộ ở làng nghề từ chỗ chỉ xuất bán ở thị trường Quảng Trị đến nay đã mở rộng khắp các tỉnh miền Trung. Nếu ngày thường trời nắng ráo làm được khoảng 2 tạ hương thì tháng tết, mỗi ngày phải đẩy công suất lên gấp đôi, chừng 3 - 4 tạ hương/ngày mới đảm bảo đơn đặt hàng. Nhu cầu của thị trường lớn nên thu nhập của người dân làng nghề cũng khá đảm bảo, trung bình mỗi lao động làm công cho chủ cơ sở có thu nhập ổn định, từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Bánh khổ khảo luôn được người tiêu dùng chọn mua dịp tết. Ảnh: HỒNG BẰNG
Bánh khổ khảo luôn được người tiêu dùng chọn mua dịp tết. Ảnh: HỒNG BẰNG

Tương tự, hoạt động sản xuất hương ở gia đình anh Võ Tấn Quốc cũng không kém phần sôi động. Ngồi lọt thỏm giữa hàng chồng bó hương được sắp cao quá đầu người, 2 vợ chồng anh Quốc cặm cụi với việc đóng gói, dán nhãn mác cho từng bó hương để chuẩn bị xuất bán. “Sát tết khách hàng khắp nơi hối thúc nhưng trời không nắng nên sản xuất cũng phải cầm chừng. Nhà tôi có bao nhiều cái quạt là sử dụng hết cả ngày, đêm để sấy hương nhưng cũng chẳng ăn nhằm gì so với trời nắng ráo. Ngày mưa gió, gia đình chỉ làm được chừng 50kg hương, trong khi ngày thường làm được cả tạ hương” - anh Quốc chia sẻ.

Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ tỉnh, huyện trong việc tạo điều kiện người dân quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh nên sản phẩm làng nghề Quán hương được khách hàng nhiều nơi biết đến. Ông Đỗ Võ Bán - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Thăng Bình cho biết, từ quan tâm của huyện và nguồn kinh phí khuyến công của tỉnh, thời gian vừa qua, làng nghề Quán hương đã được hỗ trợ, đầu tư về hạ tầng như đường giao thông, nhà trưng bày, đào tạo nghề và giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Năm 2015, có 2 hộ ở làng nghề được hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ để đầu tư máy sản xuất tăm hương, đã đáp ứng một phần nhu cầu về tăm hương cho làng nghề. Nhờ những chính sách hỗ trợ đó đã góp phần giúp làng nghề phát triển, người lao động có thu nhập ổn định.

Thơm lừng khổ khảo

Mặn mòi vị quê
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (thôn 6, xã Bình Dương) tất bật hơn vào dịp năm hết tết đến. Đầu tuần, chồng chị rong ruổi chở nước mắm thương hiệu Cửa Khe ra TP.Hội An, bán cho các nhà hàng, khách sạn theo thỏa thuận định kỳ. Giao hàng cho đối tác xong, chị í ới gọi điện thoại cho chủ xe khách đường dài, thông báo địa điểm để gửi nước mắm vào TP.Hồ Chí Minh theo đặt hàng từ trước. “Có thể loại nước mắm này hợp với khẩu vị của người này chứ không hợp với thưởng thức của người khác nhưng hàng của chúng tôi đã “định vị” ở những người dùng quen thuộc, nên chậm giao hàng là bị trách ngay” - chị Hiền nói.
Nước mắm là gia vị truyền thống không thể thiếu ngày tết. Không chỉ được bạn hàng quen đặt trước, người tiêu dùng thường chờ đến các hội chợ cuối năm để mua mắm. Suốt mùa Hội chợ xuân Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ vừa qua, gian hàng nước mắm Cửa Khe luôn có người lui tới. Sự chờ đợi ấy là minh chứng cho thương hiệu truyền thống. Và cũng dễ hiểu khi năm 2016, nước mắm Cửa Khe đạt mức kỷ lục cung cấp ra thị trường là 200 nghìn lít. Thương hiệu của làng nghề được vinh danh là niềm tự hào cho cho cả người làm mắm truyền thống lẫn địa phương.

Về thôn Trung Lương, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành vào những ngày cuối năm, không khí tấp nập, nhộn nhịp hiện rõ trên từng ngõ xóm, ngôi nhà. Mùi thơm của bánh khổ khảo phảng phất từ đầu ngõ đến cuối thôn. Dù đã quá trưa nhưng tại cơ sở sản xuất bánh tết của bà Nguyễn Thị Nhiên (66 tuổi) vẫn miệt mài làm công đoạn tẩm mè để hoàn thiện mẻ bánh khổ khảo giao hàng cho khách. Bà Nhiên cho biết phần lớn vào đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, người dân ở thôn Trung Lương mới bắt đầu bắt tay vào sản xuất bánh để cung ứng cho thị trường tết. “Cả tháng nay, ngày nào cũng vậy cả nhà tôi mỗi người mỗi việc cùng nhau làm từng công đoạn của bánh từ xay bột gạo, vô khuôn, hấp chín, nướng bánh, vào đường, tẩm mè để kịp phục vụ khách hàng. Đa số người dân ở đây chỉ tập trung sản xuất trong vòng hơn 1 tháng là nghỉ. Mỗi ngày cơ sở của gia đình tôi cung ứng ra thị trường hơn 150 gói bánh với giá 25 nghìn đồng/gói, thu về hơn 10 triệu đồng”- bà Nhiên cho hay.

Cùng với cơ sở sản xuất bánh của bà Nhiên, các cơ sở làm bánh khác trên địa bàn thôn Trung Lương cũng đang tất bật đỏ lửa. Có thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề làm bánh truyền thống, bà Lê Thị Lý (62 tuổi) chia sẻ: “Bánh khổ khảo có tên gọi như hôm nay là vì ngày xưa cha ông làm bánh phần  lớn bằng tay, nên rất cực khổ. Bên cạnh đó con cái đông, vừa làm bánh vừa chăm con vất vả không chi bằng nên mới đặt tên cho chiếc bánh là khổ khảo”. Cũng theo bà Lý, thương hiệu bánh khổ khảo làng Trung lương luôn được thị trường đón nhận. “Cái nghề này không chỉ giúp chúng tôi mưu sinh trong những ngày giáp tết mà đó còn là cách để chúng tôi lưu giữ nghề truyền thống của cha ông” - bà Lý tâm sự. Nhờ sự năng động, chịu khó của bao nhiêu thế hệ người dân mà đến nay bánh khổ khảo đã trở thành một thương hiệu chiếm trọn niềm tin của người tiêu dùng.

Q.VIỆT - V.ANH - H.BẰNG

Bài 2: Làng nghề xứ Quảng lên gameshow

Làng nghề bánh tráng, gói bánh ít, trồng rau xanh, đan chiếu... lên gameshow “Quê mình xứ Quảng” để lại ấn tượng tốt với người xem, góp phần bảo tồn văn hóa và xây dựng nông thôn mới các địa phương trong tỉnh.

Khéo tay, giỏi nghề

Với format “mở”, lấy ý tưởng và cảm hứng từ các làng nghề truyền thống ở các làng quê xứ Quảng để xây dựng các trò chơi nên nghề bánh tráng, gói bánh ít, trồng rau xanh, đan chiếu... trong phần thi “Khéo tay, giỏi nghề” lên gameshow để lại ấn tượng tốt với người xem. Ngay số đầu tiên của gameshow, hai đội chơi đến từ thôn Vĩnh Bình, thôn Thái Nam cùng đông đảo bà con nông dân xã Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) đã rất hào hứng với những phần thi tráng mỳ Quảng. Bà Trịnh Thị Mẫn, ở đội chơi thôn Thái Nam, hào hứng: “Đã có nhiều năm gắn bó với nghề tráng mỳ Quảng nên tôi và bà con rất vui khi nghề truyền thống của quê mình lên gameshow “Quê mình xứ Quảng”. Chương trình truyền hình này đã góp phần quảng bá văn hóa, làng nghề của quê hương Tam Thăng”.

Làng nghề dệt chiếu Duy Phước (Duy Xuyên)  lên “sân chơi” Quê mình xứ Quảng.
Làng nghề dệt chiếu Duy Phước (Duy Xuyên) lên “sân chơi” Quê mình xứ Quảng.

Trong “Khéo tay, giỏi nghề” của mỗi gameshow, hai đội chơi sẽ tham gia thi tài cùng chế biến món ăn, làm một sản phẩm làng nghề đặc trưng của địa phương. Mỗi món ăn hay sản phẩm truyền thống đều chứa đựng nét văn hóa, đôi bàn tay khéo léo và cả tấm lòng gửi gắm của những “nghệ nhân chân đất” tham gia gameshow. Đến với làng cổ xã Tiên Cảnh (Tiên Phước), khán giả không chỉ biết những bờ đá, ngõ đá như là chứng nhân về quá trình mở làng lập xóm, để những vườn cây trái sum sê xõa bóng trong hun hút rêu xanh, mà còn được xem các mẹ, các chị gói bánh ít lá gai, làm bánh xèo nhân ong. Và, không có gì thú vị hơn là thưởng thức “nóng” các sản vật ấy ngay tại phim trường gameshow “Quê mình xứ Quảng”. Các làng nghề như làng rau Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình), nghề dệt chiếu Duy Phước (Duy Xuyên), nghề tráng bánh tráng, gói bánh tét Đại Lộc, dịch vụ tiệc cưới Điện Thọ (Điện Bàn)... cũng trở thành điểm nhấn trong mỗi gameshow “Quê mình xứ Quảng”.

Bảo tồn và phát triển làng nghề

“Anh về An Phước em trải chiếu cho anh nằm/ Tình sâu nghĩa nặng mấy con trăng rằm không phai”. Câu ca ân tình ấy đã gắn với bao thế hệ ở làng nghề dệt chiếu Duy Phước. Những chiếc chiếu bông, chiếu lảy (lảy chữ trên chiếu), chiếu xiêm... được dệt bởi đôi bàn tay của các nghệ nhân tuổi đời còn trẻ là niềm vui lớn của lãnh đạo và nhân dân địa phương. Bà Huỳnh Thị Hường - Chủ tịch UBND xã Duy Phước (Duy Xuyên) không khỏi tự hào khi nghề dệt chiếu An Phước của quê mình nổi tiếng khắp trong và ngoài xứ Quảng hơn 400 năm trước đã được đưa vào sân chơi gameshow. Bà Hường chia sẻ: “Nghề dệt chiếu Duy Phước được quảng bá trong “Quê mình xứ Quảng” là niềm vui rất lớn đối với người dân, góp phần mở ra hướng đi mới trong việc phát triển làng nghề. Cùng với nhiều tiêu chí khác, làng nghề truyền thống dệt chiếu An Phước đã đóng góp không nhỏ vào thành công của công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã”. Anh Lê Văn Ninh, đội chơi thôn Thạnh Bình (Tiên Cảnh, Tiên Phước) chia sẻ: “Dù là những diễn viên không chuyên, diễn xuất và tham gia các trò chơi dân gian “cây nhà lá vườn” nhưng chúng tôi càng thêm yêu và hiểu hơn về quê hương Tiên Cảnh nói riêng, huyện Tiên Phước nói chung. Những gameshow như “Quê mình xứ Quảng” là sân chơi hấp dẫn cho người nông dân và bà con ở các làng quê xứ Quảng. Chúng tôi rất mong gameshow được tổ chức thường xuyên để giới thiệu, quảng bá văn hóa ẩm thực, các làng nghề truyền thống trong tỉnh”.

Khởi động từ tháng 7.2016, gameshow “Quê mình xứ Quảng” được tổ chức 6 chương trình lần lượt tại các địa phương Tam Thăng, TP.Tam Kỳ; Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước; Bình Triều, huyện Thăng Bình; Duy Phước, huyện Duy Xuyên; Đại Cường, huyện Đại Lộc và khép lại mùa gameshow thành công tại Điện Thọ, Điện Bàn. Dịp cuối tuần mỗi tháng, khán thính giả của Đài PT-TH Quảng Nam lại háo hức đón xem gameshow “Quê mình xứ Quảng” phát trên sóng của Đài và các cơ sở hạ tầng truyền dẫn khác. Ông Mai Văn Tư - Giám đốc, Tổng Biên tập Đài PT-TH Quảng Nam cho biết: “Gameshow “Quê mình xứ Quảng” là sân chơi trí tuệ lành mạnh, bổ ích dành cho đối tượng là bà con nông dân trong toàn tỉnh. Mục tiêu của chương trình nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người, văn hóa đặc trưng của Quảng Nam. Đồng thời tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con nông dân. Đây cũng là dịp để quần chúng nhân dân địa phương có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong đời sống văn hóa, lao động sản xuất... Với tiêu chí ấy, mùa thứ hai gameshow “Quê mình xứ Quảng” sẽ tiếp tục với 10 chương trình trong năm 2017”.

LÊ PHƯỚC LAN NHI

Bài 3: Tất bật tráng bánh, làm chổi

Tết là mùa cao điểm của những người tráng bánh tại Đại Lộc và làm chổi đót tại Chiêm Sơn (Duy Xuyên) khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng khá cao.

Trên địa bàn huyện Đại Lộc có gần 300 hộ tham gia sản xuất bánh tráng. Đến Đại Lộc vào những ngày này sẽ thấy tràn ngập không khí tết. Bà con xếp từng vỉ bánh tráng phơi dọc các tuyến đường bê tông. Từ hai tháng trước, nhà nhà đã sửa sang lại lò, đan vỉ, làm giàn phơi bánh, với hàng trăm lò bánh tráng tích cực hoạt động. Tuy vất vả, khó khăn nhưng mọi người đều rất phấn khởi, nhà nào cũng đỏ lửa, nhân công làm việc luôn tay, lượng sản phẩm làm ra gấp mười lần so với ngày thường, để đáp ứng nhu cầu bà con dịp cuối năm.

Bà con tranh thủ trời nắng phơi bánh dọc các tuyến đường bê tông.
Bà con tranh thủ trời nắng phơi bánh dọc các tuyến đường bê tông.

Lò bánh của ông Nguyễn Đức Tám (khu 2 - thị trấn Ái Nghĩa) hiện có đến 6 người làm, người lo củi lửa, phơi sấy, người tráng bánh. Theo lời ông Tám, năm nay thời tiết mưa nhiều, tranh thủ trời nắng nên bà con làm nhiều “để dành” bán tết. Ngày nắng, gia đình tráng hơn 500kg gạo tương đương với 500kg bánh. Bánh ở đây được làm bằng loại gạo dẻo, thơm và không pha bột mì, nên sản phẩm làm ra đến đâu được tiêu thụ ngay đến đó. Bánh tráng Đại Lộc được khách hàng ưa chuộng nhiều nhất trên thị trường. Bên cạnh nhà ông Tám là nhà ông Ngô Đình Hóa cũng rộn ràng lo bánh Tết. Gia đình ông Hóa có thâm niên gần 25 năm làm bánh. Ông cho biết: “Hơn một tháng nay nhà tôi phải sấy bánh bằng than. Nghề này phụ thuộc vào thời tiết, nếu trời nắng phơi bánh rất sướng, bánh không bị sượng, giòn khi nhúng. Mấy năm trước có các con phụ giúp tôi còn có chút thời gian nghỉ ngơi, giờ các con có chồng có vợ nên đến vụ bánh tết vợ chồng lại dậy từ khuya tới tối hôm sau để tráng bánh”.

Theo ông Hóa, thời điểm này giá bánh đang tăng lên, bình thường chỉ 20 nghìn đồng/kg hiện tăng 28 nghìn đồng/kg. Theo dự đoán của ông, tết năm nay giá bánh sẽ tăng lên đáng kể. Để có chiếc bánh tráng ngon, người làm bánh phải cẩn thận trong quá trình làm ra sản phẩm từ hấp, sấy cho đến phơi, gỡ bánh. Muốn chiếc bánh nguyên vẹn, không bị cong, nát người phơi phải biết canh nắng để gỡ cho đúng lúc, sau đó xếp lại thành chồng, rồi chần cho phẳng mặt, trước khi giao hàng. Chính vì vậy, bánh tráng Đại Lộc đến nay vẫn giữ nguyên hương vị đặc trưng.

Tương tự, đến với làng vấn chổi đót Chiêm Sơn (Duy Trinh - Duy xuyên) không khí nhộn nhịp không kém. Nghề làm chổi đót ở thôn Chiêm Sơn có từ lâu đời là một trong những ngành nghề chính của xã Duy Trinh. Mặc dù, trên thị trường ngày càng có nhiều loại chổi được dập bằng máy nên giá cả chững lại. Tuy nhiên, sản phẩm chổi đót truyền thống Chiêm Sơn vẫn luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Thôn Chiêm Sơn có gần 50% số dân làm nghề chổi đót, cả thôn có đến 10 - 15 cơ sở sản xuất với số lượng công nhân trung bình 10 - 20 người. Bà Bùi Thị Hoa, chủ cơ sở sản xuất chổi đót cho biết, nghề này làm quanh năm. Gần tết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm tăng gấp 10 lần so với bình thường nhưng cũng gặp không ít khó khăn vì thời tiết và cạnh tranh sản phẩm từ các nơi khác. Mỗi ngày gia đình bà quấn hơn 50 cây chổi đem lại thu nhập khá vào dịp cuối năm. Qua bao đời, các làng nghề trải qua nhiều thăng trầm, biến cố nhưng các hộ dân thâm niên trong nghề vẫn duy trì và phát huy làng nghề truyền thống, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể, tạo công ăn việc làm cho người dân lúc rảnh rỗi. Mặt khác, người dân đã “quen tay” với nghề góp phần gìn giữ nét văn hóa, truyền thống vốn có của người xứ Quảng.

MINH PHƯỜNG

Q.VIỆT - V.ANH - H.BẰNG