Ô nhiễm nguồn nước ngầm ở khu vực Cụm công nghiệp An Lưu
Từ nhiều năm nay, hàng chục hộ dân khối phố Cổ An 2 (phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) thường xuyên phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm phèn nặng.
Đang lui hui rửa chén sau buổi ăn trưa, bà Thân Thị Từ (người dân khối Cổ An 2, phường Điện Nam Đông) chỉ tay sang chum nước lớn đục ngầu chưa được lắng phèn, cho biết: “Hồi trước nước ngầm ở đây trong veo, sử dụng bình thường nhưng mấy năm gần đây không biết sao bị phèn nặng quá. Nhà tôi phải khoan giếng sâu tới 16m nhưng cũng phải lọc qua mấy lần mới dám lấy để dùng cho sinh hoạt”.
Hàng chục hộ dân trên địa bàn khối Cổ An 2, phường Điện Nam Đông đang phải dùng nguồn nước sinh hoạt thông qua bể lắng phèn. Ảnh: Q.T |
Chung hoàn cảnh với bà Từ là hàng chục hộ dân khác, nhất là các hộ dân nằm ven các cánh đồng và Cụm công nghiệp An Lưu. Một thực trạng đáng lo ngại với người dân địa phương là chỉ trong khoảng vài năm qua đã có hàng chục trường hợp người dân chết vì bệnh ung thư quái ác. Ngay chính trường hợp chồng bà Thân Thị Từ là ông Thân Hữu Trác cũng qua đời vì căn bệnh ung thư phổi vào năm 2014. Theo lời người dân địa phương, cứ vài tháng ở đây lại có một người dù đang khỏe mạnh đi khám rồi phát hiện bệnh ung thư, người lâu thì chống chọi được 2 năm, có người chỉ 8 - 9 tháng là qua đời. Ông Phạm Hữu Đức (Trưởng khối phố Cổ An 2, phường Điện Nam Đông) xác nhận, với số ít gia đình có điều kiện, họ mua máy lọc nước để dùng bởi bất an với nguồn nước ngầm khu vực này. Ngoài ra, hàng chục hộ dân cũng chuyển sang sử dụng các loại nước bình đóng sẵn thay vì thói quen dùng nước đun sôi để nguội như trước đây một phần cũng bởi lo ngại về độ an toàn của nguồn nước. Được biết, trong các cuộc họp HĐND cấp phường và thị xã, cử tri khu vực này cũng đã nhiều lần đề cập vấn đề này và mong chờ câu trả lời từ phía cơ quan chức năng để người dân an tâm sinh sống.
Trước lo lắng của người dân khối Cổ An 2 về việc hàm lượng pH, amoni, asen, cyanua… trong nguồn nước ngầm có thể vượt quá giới hạn cho phép, dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống cộng đồng, vừa qua Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và thông tin khoa học - công nghệ Quảng Nam tiến hành lấy mẫu nước ngầm tại khu vực nhà ông Lê Viết Tiến (khối Cổ An 2) và phát hiện hàm lượng coliform đạt 4MPN/100ml (vượt 1,3 lần giới hạn cho phép), còn các chỉ tiêu khác vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Theo trả lời bằng văn bản của Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn đến người dân, nguyên nhân chính của tình trạng này là ảnh hưởng của các công trình chăn nuôi và nhà vệ sinh bất hợp lý trên địa bàn. Vì vậy, trước mắt đề nghị người dân nên sử dụng biện pháp lắng lọc trước khi sử dụng.
Tuy nhiên, một số hộ dân đang phải dùng nước sinh hoạt qua biện pháp lắng lọc bởi nguồn nước bị nhiễm phèn nặng lại tỏ ra hoài nghi về kết quả lấy mẫu nước. Người dân cho rằng mẫu nước mà các cơ quan chức năng công bố lấy tại nhà ông Lê Viết Tiến, một hộ dân ở đầu khối Cổ An 2, nằm khá xa khu vực bị nhiễm phèn nặng và nhiều năm qua đang sử dụng nguồn nước ngầm sinh hoạt bình thường. Được biết, dự án đầu tư công trình cấp nước sạch cho khu vực 5 phường vùng đông của thị xã Điện Bàn đang thực hiện các thủ tục đầu tư, dự kiến sẽ khởi công vào giữa năm 2017 và đến cuối năm 2018 sẽ hoàn thành.
QUỐC TUẤN