Chợ tết vùng biên
Cận tết, những sản vật vùng cao cũng theo chân bà con rộn ràng ra chợ để đổi lấy hàng hóa, mua sắm vật dụng cho gia đình. Chợ vùng cao vì thế nhộn nhịp theo một cách rất riêng…
Gùi hương tết về nhà
Phố núi của xã Chà Vàl (Nam Giang) những ngày này nhộn nhịp đón bước chân của đồng bào vùng biên trở về tìm mua hàng tết. Những chiếc gùi được mang theo, chất đầy bánh, mỳ tôm, nước ngọt… Từ Xóm 10 (xã Đắc Tôi), chị Un Quân dắt con về tận trung tâm xã Chà Vàl để mua hàng tết. Sau một vòng lựa chọn, hai mẹ con chị Quân đã có món hàng ưng ý. “Mỗi dịp cuối năm, người dân các vùng lân cận đổ về trung tâm Chà Vàl mua hàng hóa, thực phẩm. Năm nay, dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng mình cũng dành dụm được ít tiền để sắm tết” - chị Quân chia sẻ. Ông Tơ Đêl Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl cho biết, năm nay người dân có thêm nhiều điểm mua sắm tết, không phải vất vả vượt đoạn đường xa như trước. Ngoài trung tâm Chà Vàl còn có những hàng quán mới mở tại khu dân cư La Bơ B, Cần Đôn phục vụ nhu cầu của đồng bào các xã Chà Vàl, Zuôih, Đắc Tôi, Đắc Pre,... “Cũng như mọi năm, chợ trung tâm Chà Vàl chuẩn bị khá chu đáo các mặt hàng phục vụ tết cho người dân biên giới. Không chỉ đa dạng và phong phú về sản phẩm hàng hóa, các tiểu thương còn cam kết thực hiện tốt việc bình ổn giá, cũng như nhập các loại bánh kẹo, nhu yếu phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Sơn cho biết thêm.
Bà con xã Ga Ri lặn lội xuống trung tâm xã A Xan để mua sắm tết, gùi về cho gia đình. |
Tại các xã biên giới Tây Giang, ngoài việc tự mua sắm tại một số tạp hóa nhỏ lẻ trên địa bàn, người dân các xã Ga Ri, Ch’Ơm còn vượt đường rừng xuống tận trung tâm xã A Xan để chọn mua hàng tết. Cũng như mọi năm, khoảng tầm 20 tháng Chạp trở đi thường là thời điểm đồng bào vùng cao đến tập trung mua sắm. Ai cũng háo hức chọn mua những sản phẩm theo nhu cầu của gia đình, phục vụ việc đón tết cổ truyền. Vì thế, trung tâm xã A Xan trở nên nhộn nhịp, đông đúc hơn bao giờ hết. Theo ông Zơrâm Nhưng - Chủ tịch UBND xã Ga Ri, tuyến đường đất đi lên khu vực biên giới trở nên lầy lội sau đợt mưa kéo dài trước đó càng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Không thể đi xe máy, người dân vùng cao đành phải cuốc bộ hàng giờ đồng hồ, rồi gùi hàng vượt đường rừng trở về nhà. Mặc dù điều kiện đường sá khó khăn, nhưng nhiều người dân vẫn tìm mua những thứ cần thiết để mang hương tết về nhà.
Chợ vùng cao giản dị với những sản vật của địa phương. |
Mùa sản vật
Ngoài lễ mừng lúa mới, ăn tết cổ truyền nay đã dần trở thành một nét đẹp vùng cao. Không chỉ góp thêm một chút tết cho từng nhà, từng làng bản, chợ vùng cao ngày tết mang hương vị độc đáo của núi rừng. Có những thứ bà con cất giữ lại suốt một năm, rồi chờ tết đến mới mang ra chợ. Đặc biệt, nhiều gia đình chỉ đổi hàng lấy hàng, như một thói quen đã hình thành từ lâu. Ngược hàng chục cây số đường rừng từ làng Aur (xã A Vương, Tây Giang), chị Arất Thị Nghế gùi vài lít mật ong, thêm một ít củ nghệ rừng ra trung tâm xã, đổi cho các tiệm tạp hóa để lấy thêm thực phẩm, bánh kẹo. “Mật ong này mình dành lại từ giữa hè, còn nghệ rừng thì đi tìm quanh rẫy. Ở đây các tiệm tạp hóa họ mua, đổi mấy thứ này, nên bà con dành lại đến cuối năm mới đổi, mang về cho gia đình ăn tết” - chị Nghế cho hay.
Những năm gần đây, các loại cây dược liệu như đẳng sâm, ba kích trở thành sản vật rất được ưa chuộng ở vùng cao Tây Giang, Nam Giang. Giá trị kinh tế cao, nhu cầu mua sắm dịp tết tăng đột biến, những loại cây dược liệu này trở thành nguồn thu nhập đáng kể cho người dân vùng cao. Đặc biệt, ở các xã Ch’Ơm, Ga Ri, Tr’Hy, A Xan (Tây Giang), diện tích đẳng sâm, ba kích được phát triển trong những năm qua khiến nguồn cung dồi dào, nhiều gia đình liên kết với các đầu mối ở dưới xuôi để bán sâm. Anh Tơ Ngôl Nhép (thôn Achoong, xã Ch’ Ơm) cho biết, với hơn 3.000 gốc đẳng sâm trồng ở cánh rẫy gần nhà, dịp tết anh thu được khoản lợi nhuận kha khá, đủ để sắm sửa thêm đồ đạc, vật dụng, thực phẩm. “Đẳng sâm mua tại nhà đã có giá gần 200 nghìn đồng/ký, dịp tết nhu cầu khá cao, thương lái thu gom gần như toàn bộ. Nếu chịu khó mang xuống trung tâm xã A Xan hoặc chợ thị trấn, giá tiền mỗi ký sâm có thể tăng gấp rưỡi. Mấy năm nay nhiều bà con ăn tết đều nhờ tiền bán sâm” - Nhép nói.
Những ngày này, người vùng cao hồ hởi đến chợ dù chỉ bằng chút sản vật giản dị trong nhà như ít mật ong, mấy buồng chuối mốc, hay có khi chỉ là gùi củ nghệ, mớ rau sạch trong vườn. Không khí ở chợ vùng cao, vì thế mà có đôi chút khác biệt. Nhưng hơn cả, là những nhộn nhịp của bánh mứt, hạt dưa sau buổi chợ. Tết đang về, sau lưng gùi các chị, các mẹ, rộn ràng khắp nẻo…
ĐĂNG NGUYÊN – PHƯƠNG GIANG