Theo dấu rừng xanh - Kỳ cuối: Những đứa con của thần rừng
Trong hai lần chúng tôi cùng đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam đi khảo sát cánh rừng kỳ bí ở đỉnh Zi’liêng, Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bh’riu Liếc đều giới thiệu hai người dẫn đường. Đó là ông Hôil Mia - Bí thư Chi bộ thôn Ganil (xã A Xan) và anh Alăng Nhú - kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Tây Giang. Ông Liếc nói đây là hai người rõ đỉnh Zi’liêng nhất; còn người dân bản địa gọi họ là “những đứa con của thần rừng”.
|
Ông Hôil Mia và kiểm lâm viên Alăng Nhú. Ảnh: LÊLÊ |
Dưới mái nhà pơmu
Từ độ cao 1.350m, nơi đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam đóng quân, ông Mia và anh Nhú chia cánh dẫn hai nhóm theo hai hướng xâm nhập rừng xanh. Chúng tôi cũng chia ra bám đoàn. Theo kế hoạch, anh Nhú dẫn đường đưa nhóm nghiên cứu động vật men theo con suối xuyên xuống mảng rừng có độ cao thấp hơn; còn ông Mia dẫn nhóm nghiên cứu thực vật tiếp tục vượt lên độ cao gần 2.000m. Mỗi ngày, người dẫn đường đưa nhóm mình phụ trách đi một hướng mới, hết buổi lại gặp nhau ở điểm hẹn trước giữa rừng để cùng về nơi đóng chân. Đoàn đã rất may mắn khi có hai “bản đồ sống” của ngọn Zi’liêng đi cùng. Mọi ngóc ngách trong rừng họ nắm rất rõ. Họ còn dẫn đoàn tới xem xét các loại thực vật mình phát hiện được và cho là “cây lạ” nên đã đánh dấu trong những lần đi tuần tra bảo vệ rừng trước đó.
Công bố loài mới, chuyện không đơn giản Trên chuyến xe xuôi về đồng bằng, thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt bảo rằng, giá như ở đâu cũng có những người bản địa kiên quyết giữ rừng, vốn rừng của Việt Nam sẽ đa dạng hơn rất nhiều. Và cũng trong câu chuyện này, chúng tôi mới biết được rằng, để công bố một loài thực vật hay động vật mới nào là cả một hành trình sau khảo sát. Thạc sĩ Nguyễn Trần Quốc Trung (chuyên ngành thực vật học) cho hay, sau mỗi đợt khảo sát, những loài cây, hoa, động vật mới được phát hiện, qua quá trình nghiên cứu, phân tích ở viện, nếu đúng là giống loài chưa từng được công bố, phải viết thành công trình nghiên cứu gửi đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới... “Tìm ra loài mới đã khó, chuyển tải công trình nghiên cứu sang các thứ tiếng càng khó, vì đây là công trình khoa học nên đòi hỏi từ chuyên ngành phải thật chuẩn” - thạc sĩ Trung chia sẻ. Tiến sĩ Lưu Hồng Trường - Viện phó Viện Sinh thái học miền Nam nói, công trình nghiên cứu được đăng tải trên những tạp chí càng uy tín thì hệ sinh thái Việt Nam càng được chú ý, các chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ quan tâm hơn. Và từ những thông tin do mình cung cấp, các nhà khoa học của thế giới sẽ cùng tham gia tiếp tục nghiên cứu để đi đến quyết định công bố loài mới. “Đầu năm 2016, cũng đã có chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam để cùng chúng tôi lên Tây Giang nghiên cứu về quần thể pơmu và hệ sinh thái rừng ở đây. Các chuyên gia nước ngoài đã rất kinh ngạc khi Việt Nam còn giữ được một quần thể rừng có tuổi đời cả nghìn năm với một hệ sinh thái nguyên vẹn. Bản thân những người làm khoa học như chúng tôi thấy rất vui về điều đó” - tiến sĩ Trường chia sẻ. |
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt - trưởng nhóm nghiên cứu thực vật nói: “Ông Mia rất rõ khu rừng này. Chỉ cần đưa ra yêu cầu là ông có thể đưa đến khu vực có những loài thực vật mang đặc tính theo hình thái thổ nhưỡng mà nhóm muốn nghiên cứu nên rất thuận lợi cho công việc”. Dù tuổi đã 50 nhưng ông Mia đi rừng không biết mệt. Người trẻ như chúng tôi nhiều lúc phải thở dốc vì những con dốc dựng đứng, còn ông vẫn cười khà khà với cây rựa trong tay đi trước mở lối. Trước đây, chính ông Mia và anh Nhú là hai người trực tiếp ở rừng 3 tháng ròng để đếm và đánh số cho từng cây pơmu trên đỉnh Zi’liêng nên vương quốc pơmu này như mái nhà của họ. Hướng nào, có loài cây gì, hệ động vật ra sao cả hai nắm trong lòng bàn tay.
Có một hôm, sau khi hết buổi, như đã giao hẹn, hai nhóm nghiên cứu gặp nhau ở độ cao 1.650m. Ông Mia và anh Nhú chỉ tay về hai quả đồi bị chia cắt bởi quả đồi chúng tôi đang đứng, bảo: “Mọi người vừa vòng qua hai quả đồi có nhiều cây pơmu nhất ở đỉnh Zi’liêng”. Hai nhóm nhập thành một đoàn tiếp tục theo chân người dẫn đường theo một hướng mới ra khỏi rừng già. Ông Mia vừa đi vừa bảo: “Xuống phía dưới này có mấy cây hoa lạ lắm, lần trước tôi đi rừng thấy và đã đánh dấu. Mấy ông xem thử là cây gì?”. Với sự dẫn đường của ông Mia, nhóm nghiên cứu đã có thêm một mẫu vật khá giá trị. Đó là loài thực vật thuộc họ gừng riềng. Bước đầu ghi nhận tại thực địa, thạc sĩ Nguyễn Quốc Đạt cho biết: “Từ chi tiết bên ngoài, có khả năng đây là một loài thực vật mới với đặc tính thân dẹp, lá sọc, hoa màu đỏ rất lạ. Dù sao cũng mới chỉ là phán đoán, phải sau khi mang mẫu vật về Viện Sinh thái học miền Nam tiến hành nghiên cứu mới xác định được. Nếu là loài mới chưa có tên khoa học, viện sẽ tiến hành các bước để công bố và đặt tên”.
Họ đã giữ rừng như thế
Ông Mia và anh Nhú không nhớ đã dẫn bao nhiêu đoàn vào thăm vương quốc pơmu kể từ khi được công nhận quần thể Cây di sản. Họ chỉ nhớ rõ nhiệm vụ của mình là giữ rừng nguyên vẹn, không để sự tác động nào của con người làm ảnh hưởng đến rừng.
Kiểm lâm viên Alăng Nhú dẫn đường cho đoàn nghiên cứu vào rừng pơmu. Ảnh: LÊLÊ |
Làng Ganil (xã A Xan) nằm nép mình dưới chân núi Zi’liêng, nơi ông Mia là Bí thư Chi bộ thôn, có một quy tắc “bất di bất dịch” là dân làng ai muốn chặt cây rừng lấy gỗ dựng nhà phải làm đơn xin, cam kết sử dụng bao nhiêu gỗ, khi được xã, huyện và Hạt kiểm lâm xem xét đồng ý mới được phép. Người nào chặt quá số cây đã cam kết sẽ bị làng phạt. Trước khi đơn được gửi đi, chính ông Mia và anh Nhú là những người xem xét thực tế và ký xác nhận nếu thấy việc đốn cây của người dân hợp lý, dĩ nhiên việc xâm nhập sâu hơn đến vương quốc pơmu là chuyện không thể.
Người dân bản địa gọi ông Mia và anh Nhú là “những đứa con của thần rừng” bởi mọi ngõ ngách của khu rừng họ đều thuộc vanh vách. Thế nên, ai có ý đồ lén phá rừng, chặt cây thì khó qua mắt được ông bí thư và anh cán bộ kiểm lâm này. Ông Mia kể, từ nhỏ đã theo bố mẹ lên rừng sinh sống nên ông hiểu rất rõ đường đi, lối bước vào rừng, nhất là ở vương quốc pơmu. Hơn hai mươi năm giữ qua các vai trò trưởng thôn rồi bí thư chi bộ thôn, ông Mia luôn nhắc nhở, tuyên truyền để dân làng Ganil không chặt phá rừng. Khi có đoàn nhà khoa học nào đó vào nghiên cứu rừng, ông Mia vui lắm, vì biết họ nghiên cứu cũng là để giúp mình, làng mình giữ rừng.
Ông Mia và anh Nhú coi rừng như nhà của mình. Chính vậy mà họ luôn đề nghị xử nặng với những ai tự ý đốn cây gỗ trong rừng. Ở khu rừng già này, có nhiều cây pơmu thân to đến vài người ôm bị ngã đổ từ lâu, dù cây đã khô cũng không ai được phép đụng đến nếu chưa có sự đồng ý của chính quyền. Ông Mia kể, hồi năm 2015, trong làng có một người vì tự ý “đụng” đến 2 cây pơmu mà bị làng phạt rất nặng. “Mình phải phạt mạnh tay để làm gương cho người khác, vậy mới không mất rừng” - ông Mia nói.
Ở xã A Xan, việc người dân mua cưa máy đều được quản lý chặt chẽ, khi mua về phải gửi ở xã, khi có việc cần phải viết đơn nêu lý do mới được lấy về sử dụng. Với đoàn nghiên cứu của Viện Sinh thái học miền Nam, đây là một trong những cách quản lý rừng rất đặc biệt ở Tây Giang. Anh Nhú bảo rằng, ngoài việc phạt nặng người vi phạm, còn phải tuyên truyền cho bà con cùng chung tay bảo vệ rừng. Phải làm cho bà con hiểu rằng, rừng là nhà của mình, là nguồn sống của bản làng.
Hôm đoàn nghiên cứu kết thúc chuyến công tác, ông Mia và anh Nhú chia tay với lời hẹn sẽ tiếp tục làm người dẫn đường khi đoàn trở lại. Khi nghe đại diện đoàn thông tin “bước đầu đã tìm thấy một số loài thực vật, động vật lạ chưa từng thấy ở cánh rừng khác, khi nghiên cứu xong viện sẽ công bố”, hai người đàn ông Cơ Tu ôm nhau mừng rỡ. Anh Nhú nói: “Hay quá rồi! Các anh nghiên cứu đi, còn chúng tôi sẽ giữ rừng. Nhớ đặt cho loài cây rừng nào đó mới tìm ra một cái tên thật hay”.
Phóng sự của VÕ LÊ - LÊ NINH