Tết sẻ chia

18/01/2017 12:27

Cuối năm, nhiều người không chỉ lo mang tết về nhà mà còn sẻ chia đến muôn nơi, với người lao động nghèo, trẻ em cơ nhỡ, người già neo đơn…

HƠI ẤM TÌNH THÂN

Đã thành lệ, người già không nơi nương tựa tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam, trẻ em ở Làng Hòa Bình lại chờ đợi tết, để có thêm hơi ấm tình thân, để cảm nhận cuộc sống vẫn còn nhiều điều ý nghĩa…

Trẻ em ở Làng Hòa Bình vui chơi trước ngôi nhà trong phối cảnh ngày tết.Ảnh: D.LỆ
Trẻ em ở Làng Hòa Bình vui chơi trước ngôi nhà trong phối cảnh ngày tết.Ảnh: D.LỆ

1. Những chậu quật vừa được chở về từ Cẩm Hà, những chậu cúc mới chớm nụ cũng đã sẵn sàng để đón tết tại Trung tâm Xã hội Quảng Nam. Dưới bóng cây một ngày chớm nắng, những người già đang chuyện trò rôm rả. Họ đang bàn về tết, bà Huỳnh Thị Bông (SN 1925) đang phân vân chưa biết sẽ ăn tết ở đâu. Chúng tôi thắc mắc, bà Bông giải thích rằng bà còn có người con trai đang sống ở TP.Tam Kỳ trong một căn nhà tập thể cũ, nhưng con bà là người hay đau ốm nặng nên không thể nuôi dưỡng bà lúc tuổi già. Gia cảnh quá khó khăn, bà Bông đã làm đơn xin vào ở Trung tâm Xã hội Quảng Nam từ năm 2011, đã 5 cái tết trôi qua bà không về nhà. Bởi như bà Bông nói, “Tôi còn sống đến tuổi này cũng là nhờ được ở trung tâm, có mấy anh chị cán bộ, y tá chăm sóc tốt, có cái ăn cái uống, đau ốm có người chăm sóc, có thuốc uống. Nói thật là tôi nhớ con, nhớ nhà chứ. Nhưng ở đây còn có tết, chứ về nhà lỡ đau ốm biết kêu ai”.

Các con rồi cũng qua đi tuổi thơ ngây, sẽ tìm hiểu cội nguồn. Chúng tôi phải thấu cảm từng hoàn cảnh, thủ thỉ tùy lúc để các con vượt qua nỗi buồn thân phận, nỗ lực học hành, sau này thành người có ích cho xã hội. Mỗi cái tết trôi qua, các con thêm khôn lớn. Những người làm mẹ như tôi và các chị em ở đây không chỉ là người mẹ nữa, mà phải tập làm bạn với các con, tâm sự cùng các con, bên cạnh khi con cần để ổn định tâm lý, nhất là lứa tuổi mới lớn.  (Chị Dương Thị Ngọc, nhân viên nuôi dạy trẻ Làng Hòa Bình)

Hết sống ở cô nhi viện đến sống ở các trung tâm xã hội từ sau ngày giải phóng đất nước, sau chia tách tỉnh về lại Quảng Nam, ông Hồ Văn Minh (SN 1954, quê xã Tiên Cẩm, Tiên Phước) gắn bó lâu nhất với Trung tâm Xã hội. Đã 37 mùa xuân trôi qua, ông đón tết trong ngôi nhà chung. Ông Minh tâm sự: “Từ khi ra đi khỏi quê nhà, tôi chưa một lần trở lại bởi về cũng không còn ai thân thuộc. Sức khỏe tôi cũng yếu, chỉ còn một chân thì đi đâu được. Sống ở đây lâu rồi, thành ra đây là nhà, nên được ăn tết ở nhà là hạnh phúc nhất”.

Theo ông Trần Phước Tuấn - Giám đốc Trung tâm Xã hội Quảng Nam, hiện có 91 đối tượng đang được nuôi dưỡng ở trung tâm, dự kiến chỉ có hơn 20 người về nhà đón tết. Kế hoạch đón tết đã được trung tâm ban hành từ đầu tháng Chạp, như phân công cán bộ trực tết 24/24 giờ, tổ chức tu bổ phần mộ các cụ từng sống tại trung tâm được an táng trong các nghĩa trang vào cuối năm, tiệc tất niên và đón năm mới... Ngoài ra, thực đơn những ngày tết cũng tươm tất hơn với các món truyền thống, đảm bảo dinh dưỡng. Ngoài ra, trung tâm cũng bố trí chỗ ăn ở cho những người đến thăm thân nhân, nhất là những người khuyết tật nặng hay già yếu, đau ốm không thể đi lại được.

2.Phối cảnh về mùa xuân với hoa mai nở vàng rực rỡ, một mái nhà ấm áp có nồi bánh chưng đang đỏ lửa, những cây chuối đang cho buồng sai trái, cây rơm vàng đầu ngõ làm chỗ cho trẻ chơi trốn tìm… đã mang không khí xuân đến Làng Hòa Bình (xã Tam Đàn, Phú Ninh). Phối cảnh này do một cá nhân thiết kế và thi công tặng cho trẻ em Làng Hòa Bình, mong góp chút hơi hướng quê nhà để các em vui với tết. Những ngày này, các em đã xúng xính trong những bộ đồ mới do các mẹ mua. Hiếu, cô bé mới học lớp mẫu giáo hào hứng khoe: “Con được mẹ mua quần áo, dép mới và mũ mới để đi chơi tết. Ở đây con có mẹ, có anh chị em chơi vui lắm!” Chị Dương Thị Ngọc, người trực tiếp nuôi nấng Hiếu cho biết, mẹ em bị tai biến nên nằm liệt một chỗ, gia đình đành gửi em nhờ nuôi giúp từ khi mới sinh ra. Mẹ Hiếu cũng có đôi lần vào thăm, nhưng cũng chỉ là nằm trên giường nhìn con chơi đùa, bởi với em đó là “mẹ lạ”. Các mẹ ở Làng Hòa Bình phải dỗ dành Hiếu, để hai mẹ con được hưởng hơi ấm tình mẫu tử.
Làng Hòa Bình hiện nuôi dưỡng 50 trẻ mồ côi và 58 đối tượng là nạn nhân chất độc da cam. Tết này, tất cả mọi người ở đây sẽ cùng nhau nấu bánh chưng, đón giao thừa. Cán bộ, nhân viên sẽ cùng ăn tết với các cháu mồ côi và nạn nhân chất độc da cam 24/24 giờ. Bà Võ Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Làng Hòa Bình cho biết: “Mấy ngày nay đã có các đoàn, đơn vị, doanh nghiệp đến thăm và tặng quà tết cho Làng Hòa Bình, cho các cháu nhỏ. Cán bộ, nhân viên của Làng Hòa Bình đã quen những cái tết phải trực cả ngày lẫn đêm để chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ của các cháu và đối tượng. Anh chị em ở đây làm việc bằng tất cả trách nhiệm và tình yêu thương, làm sao cho tất cả mọi người đều có thêm một cái tết ấm cúng, hạnh phúc nhất”. (DIỄM LỆ)

Không để ai thiếu tết

Theo Sở LĐ-TB&XH, đến thời điểm này toàn bộ kinh phí đã được chuyển đến các địa phương để trao cho người có công, người nghèo. Cụ thể, tiền trợ cấp ưu đãi người có công tháng 1 và tháng 2.2017 là 230 tỷ đồng; quà của Chủ tịch nước cho 116.268 đối tượng người có công: hơn 23,9 tỷ đồng; quà của tỉnh cho 118.329 người có công: hơn 50 tỷ đồng. Riêng phần quà bằng hiện vật (200 nghìn đồng/suất) dành cho 118.329 người có công nhân dịp 20 năm tái lập tỉnh đang được Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở ngành, địa phương hoàn thành thủ tục chuyển về cơ sở sớm nhất. Tất cả khoản hỗ trợ tết phải được chuyển trước 25 tháng Chạp tại đồng bằng và 20 tháng Chạp tại miền núi. Theo ông Nguyễn Quang Hòa - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đối với 970 đối tượng bảo trợ xã hội đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ trong địa bàn tỉnh và 234 cán bộ, nhân viên đang làm việc ở các trung tâm sẽ được hỗ trợ mỗi suất quà tết 500 nghìn đồng. 45.330 hộ nghèo trong toàn tỉnh, mỗi hộ nghèo đều được hỗ trợ 300 nghìn đồng để đón tết. UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện khảo sát cụ thể những hộ có nguy cơ thiếu gạo ăn trong dịp tết, nhất là các huyện miền núi, huyện bị lũ lụt kéo dài. Toàn tỉnh có 13/18 huyện có nhu cầu hỗ trợ gạo dịp tết cho nhân dân, với tổng cộng hơn 69 nghìn khẩu. “Qua thống kê, tổng kinh phí hỗ trợ gạo khoảng 5,6 tỷ đồng. Quan điểm chỉ đạo chung của tỉnh là tuyệt đối không để người dân nào thiếu tết, nhất là người nghèo, người có công, bảo trợ xã hội có hoàn cảnh khó khăn. Và việc chuyển tiền, quà phải đến tận tay đối tượng, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu gạo ăn và không ai trong diện được hỗ trợ, được tặng quà mà không được nhận. Tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác do lãnh đạo các sở, ngành dẫn đầu đến kiểm tra, giám sát việc thực hiện phân bổ quà tết tại các địa phương, đảm bảo tiền quà đến đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực trong phân bổ tiền, quà tết” - ông Hòa nói.

Được biết, các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Trà My… sẽ thuê xe trung chuyển quà tết về tận các xã, sau đó xã sẽ mời người có công đến trao quà. Đối với trường hợp già yếu, neo đơn, cán bộ xã sẽ trực tiếp trao tận tay. Người nghèo có nguy cơ thiếu đói sẽ được cấp gạo theo tiêu chuẩn 15kg/khẩu. Các huyện đều có phần trích từ ngân sách địa phương để thăm hỏi, tặng quà cho những đối tượng người có công tiêu biểu, người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ có thêm cái tết ấm no, đủ đầy. (D.L)

GÓP CHÚT HƯƠNG XUÂN

Nhiều chương trình, phần quà tết hỗ trợ công nhân nghèo, việc phân bổ lương, thưởng cuối năm đã được các công ty chốt sớm để người lao động có cái tết đầy đủ, ấm áp.

Ông Welter Bauer - Tổng Giám đốc Công ty giày Rieker Việt Nam thăm hỏi người lao động của công ty.Ảnh: LÊ DIỄM
Ông Welter Bauer - Tổng Giám đốc Công ty giày Rieker Việt Nam thăm hỏi người lao động của công ty.Ảnh: LÊ DIỄM

Nhằm sẻ chia khó khăn với công nhân nghèo trên địa bàn tỉnh, chương trình “Tết sum vầy” hỗ trợ quà cho 600 công nhân lao động, mỗi suất 500 nghìn đồng từ nguồn Quỹ tấm lòng vàng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Quỹ xã hội từ thiện của Liên đoàn Lao động tỉnh và Quỹ tương trợ tình nghĩa của Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh. Bà Huỳnh Thị Thí, công nhân Công ty giày Rieker Việt Nam phấn khởi trước thông tin sẽ nhận được tháng lương thứ 13 trong dịp Tết Nguyên đán. Dịp này, bà Thí được tổ công đoàn xét vào danh sách nhận quà, để có thêm cái tết ấm áp hơn. “Cuối năm rồi nhưng tôi vẫn chưa mua sắm tết. Chồng tôi tranh thủ đi làm phụ hồ thêm ngày nào hay ngày đó, phải chờ lương, thưởng mới tính được. Cũng chỉ là mấy bộ quần áo, giày mới cho 4 đứa con” - bà Thí tâm sự. Đến với buổi nhận quà, bà Huỳnh Thị Lệ (Công ty may Con đường xanh) còn được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí. Bà Lệ nói: “Phần quà tết là 500 nghìn đồng đối với công nhân như chúng tôi rất ý nghĩa. Bản thân tôi bị bệnh đái tháo đường, dù có bảo hiểm y tế nhưng cũng phải thuốc thang thêm bệnh mới ổn định. Sự sẻ chia của xã hội, nhất là dịp cuối năm khiến tôi ấm lòng hơn”.

Việc đảm bảo chế độ, quyền lợi của người lao động cũng được nhiều công ty triển khai sớm, tạo sự phấn khởi sau một năm làm việc. Đến thời điểm này, có 57 công ty trên địa bàn tỉnh đã có công bố mức thưởng tết Đinh Dậu cho công nhân lao động, với mức bình quân 5,3 triệu đồng/người. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài mức thưởng tết chung, mỗi công ty đều có kế hoạch chăm lo tết cho tất cả người lao động tùy theo điều kiện sản xuất kinh doanh. Ông Welter Bauer - Tổng Giám đốc Công ty giày Rieker Việt Nam cho biết: “Hiện nay công ty chúng tôi có tổng cộng 14 nghìn lao động, riêng Quảng Nam hơn 12 nghìn người. Chúng tôi đã giao cho công đoàn cơ sở của công ty phối hợp với ban lãnh đạo tổ chức các hoạt động cho công nhân đón tết, trong đó có tháng lương thứ 13. Công ty đã tổ chức tôn vinh, khen thưởng cho 260 lao động tiêu biểu và là đoàn viên công đoàn xuất sắc năm 2016. Ban giám đốc đã gặp gỡ, sẻ chia với hoàn cảnh của 227 công nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn và tặng quà, tiền từ 400 - 500 nghìn đồng/người. Đặc biệt năm nay, người lao động được nghỉ 2 tuần để có điều kiện sum vầy cùng gia đình”.

Theo ông Huỳnh Văn Thanh - Giám đốc Công ty Đồng Tâm miền Trung, công ty đã chuẩn bị đầy đủ kinh phí để chăm lo tết cho người lao động. Ông Thanh nói: “Chăm lo cho người lao động không chỉ ở dịp tết mà phải quan tâm, sâu sát hàng ngày. Chúng tôi chú trọng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả, đoàn kết; công đoàn cơ sở là cầu nối giúp lãnh đạo gần hơn với người lao động qua các chế độ phúc lợi xã hội, thưởng các dịp lễ tết. Quan trọng nhất là đảm bảo bữa ăn chất lượng cho công nhân, nâng cao thu nhập qua các năm…”. Trong dịp tết này, Đồng Tâm miền Trung cũng có tháng lương thứ 13 cho người lao động, đồng thời thưởng theo danh hiệu thi đua, tặng quà cho người lao động gặp khó khăn. Hay như Công ty nhựa miền Trung đã thưởng tết dương lịch cho người lao động mức 500 nghìn đồng/người. Ông Nguyễn Đình Quyết - Chủ tịch Công đoàn cơ sở của công ty thông tin, tết âm lịch người lao động đều có tháng lương thứ 13, mức bình quân khoảng 6 triệu đồng/người. Ngoài tiền lương, thưởng được trả đầy đủ, mỗi công nhân lao động tại công ty đều được nhận phần quà trị giá 500 nghìn đồng để đón tết”. (LÊ DIỄM)

CẦU NỐI NHÂN ÁI

Thấu hiểu được nỗi lo cơm áo gạo tiền của người nghèo mỗi khi tết đến xuân về nên những người làm công tác từ thiện, nhân đạo luôn trăn trở là làm sao để vận động, quyên góp thật nhiều tiền của, giúp đỡ cho những mảnh đời kém may mắn.

Bà Nguyện Thị Phụng (áo xám - giữa) đang trao quà cho hộ nghèo.
Bà Nguyện Thị Phụng (áo xám - giữa) đang trao quà cho hộ nghèo.

Những ngày cận kề Tết Đinh Dậu cũng là thời điểm bà Nguyễn Thị Phụng - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Bình Tú (Thăng Bình) càng thêm bận rộn. Tiếng chuông điện thoại reo liên tục, mỗi cuộc gọi đến, nụ cười của bà Phụng thêm trọn vẹn. Vừa chỉ vào tin nhắn điện thoại, bà Phụng vừa khoe với chúng tôi, đến thời điểm hiện nay, xã Bình Tú đã vận động được 600 suất quà tết để tặng cho người nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Có lẽ để đạt được con số trên, ít ai biết rằng, bà Phụng đã phải tất bật lên kế hoạch và triển khai phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” từ hàng tháng trước đó. Chỉ biết rằng, trong những ngày của tháng 12 dương lịch, bà Phụng và các thành viên liên quan đã thăm các giáo xứ, các chùa, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm đóng chân trên địa bàn xã để đặt vấn đề về trao tặng quà cho người nghèo. Đối với những nhà có con làm ăn khá giả, bà Phụng đến trực tiếp để kêu gọi, vận động và thuyết phục người thân. Khi những cái gật đầu chấp thuận, cũng là thời điểm bà Phụng  tiến hành rà soát, lập danh sách các đối tượng và xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Ngay sau vận động, bà lọc danh sách ưu tiên cao nhất dành những phần quà cho đối tượng đặc biệt, người có công neo đơn, trẻ em mồ côi và các đối tượng bị nhiễm HIV. Cũng theo bà Phụng, một vấn đề không kém phần quan trọng, đó chính là khâu tổ chức lễ phải trang trọng và ấm cúng. Bà Phụng nói: “Lúc đó chúng tôi mời trực tiếp người nhận và người cho đến để họ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu và trên hết những món quà cho đi và nhận trở thành nguồn động viên, sẻ chia”.

Tâm trạng lo lắng của bà Phan Thị Đường - Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Bình Triều (Thăng Bình) đã được xóa tan trong những ngày này. Hiện nay, Hội chữ thập đỏ xã đã vận động được gần 500 suất quà để trao cho các đối tượng. Hơn 5 năm gắn với công tác nhân đạo, bà Đường không thể nhớ hết có bao nhiêu thư ngỏ gửi đi, hầu mong nhận về nhều hơn tấm lòng thiện nguyện. Theo bà Đường, năm nay, mặc dù các doanh nghiệp làm ăn không mấy khấm khá, trong khi đó các tỉnh Bắc miền Trung bị thiệt hại liên tiếp do mưa lũ, nên các chuyến hàng ưu tiên dành tặng cho đồng bào tại đây. Thế nhưng, những tấm lòng hảo tâm vẫn hướng về người nghèo, dù ít nhiều chung tay góp thêm bữa cơm tươm tất. “Tết đến mà các hộ nghèo, hộ khó khăn, đặc biệt là các cháu khuyến tật nhận được một phần quà ai nấy đều mừng. Do đó, nếu chúng tôi chưa vận động được nhiều phần quà thì rất lo lắng.  Làm từ thiện, nhân đạo, đâu phải xin là người ta cho, mà mình phải làm cầu nối để họ đến được với nhau,  cảm thông và sẻ chia” - bà Đường nói thêm.

Khi món quà trao tay, nỗi lo của những gia cảnh khốn khó ít nhiều được vơi đi, chính là động lực để thôi thúc những người làm cầu nối với những hoàn cảnh khó khăn thêm tin yêu công việc nhân ái. Cuối năm, thời gian như trôi nhanh hơn, những người như bà Phụng, bà Đường vẫn miệt mài làm việc, cố gắng thuyết phục để trang trải yêu thương, để làm sao cho người nghèo có một cái tết thêm ấm cúng và yên vui. (GIANG BIÊN)