Sinh viên làm máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón

QUỐC TUẤN 18/01/2017 08:59

(QNO) - Với đam mê nghiên cứu khoa học và khao khát tìm ra các “giải pháp xanh” giúp bảo vệ môi trường, một nhóm sinh viên Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã sáng tạo ra máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón. Sản phẩm này lọt vào vòng chung khảo cuộc thi khởi nghiệp sinh viên khu vực miền Trung.

Nhóm sinh viên này gồm Phạm Thị Ly Na (trú phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn), Huỳnh Thị Như Hiền (thị trấn Tiên Kỳ, huyện Tiên Phước) và Phạm Hữu Cường (TP.Đà Nẵng), đã tự mày mò sáng chế máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón trong suốt nhiều tháng qua.

Từ một 1kg rác thải hữu cơ, chiếc máy do nhóm bạn sáng chế sẽ xử lí để thu được 0,4kg phân bón. Ảnh: Q.T
Từ một 1kg rác thải hữu cơ, chiếc máy do nhóm sinh viên này sáng chế sẽ xử lý để thu được 0,4kg phân bón. Ảnh: Q.T

Phạm Thị Ly Na và Huỳnh Thị Như Hiền là những sinh viên xuất sắc khi thi đỗ vào Trường Đại học Duy Tân những năm trước đây với số điểm rất cao, và đều nhận được học bổng toàn phần từ cử nhân đến tiến sĩ trị giá 800 triệu đồng. Từ một đề tài nghiên cứu khoa học, khi nhận thấy triển vọng để tham gia cuộc thi khởi nghiệp sinh viên toàn quốc, 3 bạn trẻ đã nhanh chóng bắt tay vào việc hoàn chỉnh chiếc máy và lập kế hoạch để thuyết phục ban tổ chức cuộc thi nhận thấy tính khả thi và cộng đồng của dự án này.

Chỉ với những nguyên liệu thông dụng và một bộ lõi thông minh, nhóm bạn trẻ này đã cơ bản chế tạo ra được chiếc máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón. Theo sinh viên Phạm Thị Ly Na, 1kg rác thải hữu cơ khi qua xử lý của máy 1 đến 2 ngày có thể thu được 0,4kg phân bón. Thời gian được rút ngắn rất nhiều so với ủ rác thành phân bình thường và cực kỳ thân thiện với môi trường. Máy cũng có chế độ nhận dạng rác thải, nếu gặp phải rác thải cứng không xử lý được máy tự động quay rồi nhả lại ra bên ngoài.

Được biết, tổng chi phí để sản xuất thử nghiệm máy xử lý rác thải thành phân bón của nhóm hết gần 3 triệu đồng. Sinh viên Phạm Hữu Cường cho rằng, chiếc máy thử nghiệm đã hoàn thành cơ bản được 85% và chỉ cần trang trí lại phần cứng bên ngoài là có thể sử dụng; nếu được đưa vào sản xuất số lượng lớn hơn thì giá cả mỗi chiếc máy sẽ giảm xuống chỉ còn 1,5 đến 2 triệu đồng.

Mô hình chiếc máy xử lí rác hữu cơ thành phân bón với chi phí chế tạo gần 3 triệu đồng của nhóm bạn trẻ. Ảnh: Q.T
Mô hình chiếc máy xử lý rác hữu cơ thành phân bón với chi phí chế tạo gần 3 triệu đồng của nhóm bạn trẻ. Ảnh: Q.T

Trước hội đồng giám khảo khu vực miền Trung của cuộc thi khởi nghiệp sinh viên toàn quốc, nhóm bạn trẻ này đã chứng minh tính khả thi của sản phẩm. Bởi hiện tại trên địa bàn TP.Đà Nẵng hầu hết các bãi chứa rác thải quy mô đều sắp lấp đầy diện tích, trong khi khó mở rộng thêm bởi phải để dành quỹ đất phát triển kinh tế, du lịch.

Đối tượng mà nhóm bạn nhắm đến nếu được triển khai rộng rãi mô hình này là các nhà hàng, quán ăn, các hộ gia đình có thu nhập khá. Ngoài ra, sản phẩm này cũng sẽ tập xây dựng ý thức cho mọi người, nhất là trẻ em thói quen về việc bảo vệ môi trường. Điều này khá phù hợp với định hướng của Đà Nẵng trở thành “thành phố môi trường” trong tương lai.

Từ nghiên cứu và tính toán của nhóm bạn, nếu được đầu tư khoảng 200 triệu đồng, dự án này hoàn toàn có thể đi vào hoạt động và đem lại lợi ích về nhiều mặt. Theo đánh giá của 5 thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi khởi nghiệp sinh viên khu vực miền Trung, đây là một dự án khởi nghiệp khá táo bạo nhưng hài hòa được ở hai khía cạnh tính xã hội và khả thi. Ban tổ chức sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng để có đánh giá cuối cùng về việc sản phẩm này có lọt vào top 5 dự án của khu vực tham dự vòng chung kết toàn quốc hay không trong thời gian sớm nhất.  

QUỐC TUẤN

QUỐC TUẤN