Biển người Trung Quốc về quê ăn tết
Cuộc di cư lớn nhất thế giới đang diễn ra tại Trung Quốc khi dòng người ùn ùn kéo về quê ăn tết cổ truyền dân tộc.
Trung Quốc, quốc gia đông nhất hành tinh với 1,4 tỷ người đang chuẩn bị bước vào lễ hội lớn nhất hành tinh. Đây cũng là dịp thị trường tiêu thụ tăng cao. Theo thống kê của hãng tin Bloomberg, người Trung Quốc chi tiêu khoảng 100 tỷ USD cho các hoạt động mua sắm áo quần, dày dép, lương thực… trong 7 ngày cao điểm mùa tết, tức gấp đôi sức mua sắm tại Mỹ vào dịp lễ Tạ ơn (Thanksgiving). Bên cạnh mua sắm tại các cửa hàng hay siêu thị, giao dịch thương mại điện tử đang trong thời kỳ bùng nổ tại Trung Quốc. Những năm gần đây, nhiều người Trung Quốc còn đổ xô ra nước ngoài và mạnh tay mua sắm, nhiều nhất là tại Nhật Bản nơi được xem sản phẩm đa dạng, thời trang, chất lượng đảm bảo và nhiều mặt hàng đại hạ giá vào dịp cuối năm. Ước tính có khoảng 30 - 40 triệu người sang Nhật mua sắm, đem về cho thị trường hàng hóa xứ sở mặt trời mọc hàng chục tỷ USD. Ngoài ra, được biết năm nay sẽ có 6 triệu người dân ăn tết cổ truyền ở nước ngoài.
Nhiều sân bay tại Trung Quốc quá tải hành khách. Ảnh: Reuters |
Gây ấn tượng không kém là dòng người đông đúc đổ về các ga tàu, bến xe, sân bay để di chuyển về quê. Trong những ngày này, ước tính có 1.000 vé tàu được bán trong chỉ một giây trên online. Theo China Daily, 60% chuyến tàu đã bán sạch vé chỉ trong một phút đầu tiên mở bán. Cuộc di dân lớn nhất thế giới hằng năm tại Trung Quốc bắt đầu từ cuối tuần qua. Do dịp Tết Nguyên đán tại đây bắt đầu từ ngày 28.1, sớm hơn 11 ngày so với năm ngoái và trùng với kỳ nghỉ đông của sinh viên nên lượng người di chuyển càng lớn. Các cơ quan chức năng cho biết, trong gần 3 tỷ lượt người di chuyển trong đợt cao điểm kéo dài 40 ngày (từ ngày 13.1 đến 21.2), tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vận tải đường sắt chiếm 12%, đường bộ chiếm 84,6%, đường không chiếm 2% và đường thủy chiếm 1,4%. Đơn cử chỉ trong ngày 13.1, các phương tiện giao thông đường bộ phục vụ 58 triệu hành khách. Tuy nhiên, những ngày có lượng người di chuyển lớn nhất sẽ là 25.1, tức 3 ngày trước Tết Nguyên đán và 2.2 - ngày cuối cùng của kỳ nghỉ chính thức.
Tết Nguyên đán là thời điểm rất áp lực đối với ngành giao thông vận tải tại Trung Quốc. Biển người rời thành phố về quê ăn tết với gia đình năm nào cũng diễn ra những cảnh náo loạn, chen lấn tại các nhà ga, xe lửa và sân bay. Chị Lưu Hà, một hành khách tại ga tàu ở Bắc Kinh cho biết: “Năm nào cũng thế, chen lấn, chờ đợi, đi lại rất khó khăn. Nhiều người phải xếp hàng cả 10 tiếng đồng hồ mới có được một tấm vé về quê. Dù vất vả cũng phải kiên nhẫn để được sum họp sau một năm vất vả mưu sinh”. Bên cạnh trang bị thêm số lượng phương tiện vận chuyển để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, lực lượng chức năng địa phương tích cực đẩy mạnh và tuyên truyền phòng chống tội phạm, nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cho hành khách.
Tuy nhiên, lượng phương tiện tham gia giao thông tăng kỷ lục trong dịp này diễn ra trong lúc nhiều nơi tại Trung Quốc đang đối phó với tình trạng khói mù dày đặc, do ô nhiễm môi trường không khí nghiêm trọng. Hãng Tân Hoa Xã gọi đây là “nạn khói mù tệ hại nhất đối với các thành phố trong các năm qua”.
QUỐC HƯNG