Ngày mới bình yên ở làng Bút Tưa
Phía núi, con đường bê tông chạy dọc theo những ngôi nhà mới của đồng bào Cơ Tu ở làng Bút Tưa (xã Sông Kôn, Đông Giang). Ký ức đau buồn ngày trước về “cái chết xấu” dần được xóa đi, trong những ngôi nhà đã rực hồng bếp lửa.
1. Gần 3 năm kể từ sau sự cố về “cái chết xấu”, đời sống của đồng bào Cơ Tu ở Bút Tưa đã dần thay da đổi thịt. Trưởng thôn Bút Tưa - Alăng Phân nói rằng, minh chứng cho sự đổi thay của làng ngoài diện mạo mới hiện hữu ngay trước mặt còn là những bước chuyển về tâm lý của đồng bào. “Ma rừng” đã thôi ám ảnh, câu chuyện buồn của quá khứ nay cũng dần chìm vào quên lãng, chôn giấu theo rừng cây bao phủ phía làng cũ. Chẳng ai muốn nhắc đến nỗi ám ảnh dạo nọ, vì “chỉ thêm phiền lòng chứ được gì đâu”, như lời chia sẻ của ông Alăng Phân bên chén trà đón khách. “Câu chuyện hôm nay chính là làm thế nào để người dân có hướng làm ăn mới hiệu quả hơn; bớt lo âu, bớt những khó khăn hơn trong cuộc sống” - ông Phân bộc bạch.
|
Một góc làng mới Bút Tưa hôm nay. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Hồi mới chuyển từ khu dân cư số 2 về, những hộ dân chỉ kịp mang theo vài vật dụng cần thiết đến “làng mới”. Nhà cửa, vườn tược, heo gà,… bỏ lại trên vùng đất cũ chỉ sau một đêm vội vàng. Rời đi, là một quyết định không người làng Bút Tưa nào mong muốn, nhưng cũng không ai dám đánh cược với sự sống của gia đình mình. Bút Tưa ngày đó như một “dấu lặng” buồn giữa đại ngàn, đến nỗi chỉ cần nhắc tới là nhận ngay câu trả lời không thể khác hơn: làng ma!
Người làng Bút Tưa tham gia ngày hội văn hóa tổ chức tại địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Rồi người làng Bút Tưa làm lại cuộc đời của chính mình. Nói đúng hơn là 14 hộ dân vừa chuyển đến từ khu dân cư số 2, sau “cái chết xấu”. Bắt đầu từ việc dựng nhà. Nhà xây đầu tiên được hoàn thành trên vùng đất mới của bà Alăng Thị Poói đánh dấu cho sự “hồi sinh” của những cư dân Bút Tưa. Bà Poói là vợ của một người đã treo cổ tự vẫn trong sự cố “chết xấu” trong quan niệm của đồng bào. Trong khoảng gần 60 triệu đồng tiền làm nhà, hơn một nửa là sự hỗ trợ của chính quyền địa phương. Và chừng hơn một năm sau, đã thấy những mái nhà được cất lên từ công sức và tiền tích cóp của người làng, mọc san sát dọc tuyến đường, xóa đi những u ám ngày trước. Rồi đường bê tông, hệ thống nước sinh hoạt được đưa về góp sức tạo nên diện mạo làng mới Bút Tưa hôm nay.
Dựng gươl, giữ tên làng Trong câu chuyện về làng, già làng Alăng Văng thông tin với chúng tôi rằng, bước sang năm mới 2017, dân làng Bút Tưa sẽ quyết tâm dựng gươl. Sau nhiều năm xảy ra sự cố, gươl làng vẫn chưa thể hoàn thành. “Hồi trước, nhiều người dân trong làng cũng kiến nghị đổi tên Bút Tưa để tìm đặt một tên mới phù hợp hơn; do Bút Tưa trước đây được đặt theo tên một người hùng của làng, nhưng sau cũng mất vì cái chết xấu. Tuy nhiên, sau thời gian thuyết phục dân làng, cái tên Bút Tưa vẫn được thống nhất giữ lại. Đây thực sự là một tín hiệu rất đáng mừng” - già Văng nói. |
2. “Đùng một cái, tự nhiên họ bỏ đi hết. Mình cũng lung lay theo. Nhưng vì nhà cửa, vì vườn tược với thêm rời làng cũ biết kiếm đất ở đâu mà dựng nhà, làm ăn” - cụ Alăng Teng nhắc lại chuyện cũ, cũng là nói về lý do 4 hộ trong gia đình của cụ quyết tâm bám trụ làng cũ, khi sự cố xảy ra. “Mỹ dội bom đêm ngày mà mình còn không bỏ làng, bây giờ càng không thể bỏ làng. Ai đi thì đi, gia đình, con cháu nhà mình phải ở lại”. Chỉ với câu nói đó, những người con, người cháu của cụ Teng đều nghe theo lời cha, lời ông mà ở lại vùng đất cũ cho đến tận bây giờ. Nhìn về phía bên kia ngọn đồi cách chừng chưa đầy trăm mét, ông Alăng Tơi (con trai cụ Teng) nói rằng đó chính là khu đất hoang mà hơn chục hộ dân của làng bỏ đi ngày trước. Hồi đó, khu đất này khá nhộn nhịp. Sau nhiều năm gắn bó, người làng đã kịp dựng cho mình những ngôi nhà xây kiên cố, có nhà trị giá cả trăm triệu đồng. “Sau sự cố cái chết xấu, họ bỏ nhà cửa, bỏ làng ra đi. Từ đó đến nay, không ai dám đến khu đất kia nữa”- ông Tơi nói.
Nhưng đó là chuyện của quá khứ, khi những cư dân bỏ đi ngày nào bây giờ cũng đã ổn định cuộc sống ở vùng đất mới. Và cả những hộ còn ở lại làng cũ như Alăng Tơi, Alăng Tới, Alăng Leo,… nay cũng không còn “lung lay” tâm lý như trước đây nữa. Họ bám đất trồng keo, trồng chuối để sinh sống. Chiếc xe máy hiệu Exciter đời mới ông Alăng Tới mua cho cậu con trai cũng nhờ từ keo, từ các mặt hàng nông sản của vùng đất này.
Trưa. Bước chân người làng tranh thủ về moong (nhà sinh hoạt truyền thống) họp thôn, bàn chuyện tổ chức ngày cưới cho đôi trẻ trong làng. Bút Tưa lại chờ đón những niềm vui mới, cùng sắc xuân sắp về. Có tiếng cười đùa phía bên kia đồi hoang, ông Alăng Tới bảo, đó là của một hộ dân đầu tiên trong làng “dám” quay lại đất cũ để trồng keo, phát triển kinh tế.
3. Quá khứ dần lùi xa, làng mới Bút Tưa giờ đã thêm đông đúc, tươi vui sau nhiều năm rời làng cũ. Ngoài vài ba hộ còn sống tạm dưới những căn nhà nhỏ, đa số đã tạo dựng được cơ ngơi mới khá khang trang, tiêu biểu như hộ Alăng Thừa, Alăng Nghênh, Alăng Triều,… Tất cả đang góp vào diện mạo đổi thay của Bút Tưa ngày thêm khởi sắc.
Chiều muộn. Trưởng thôn Alăng Phân đưa kế hoạch chương trình giao lưu văn nghệ giữa Bút Tưa và thôn Sơn mà lòng hồ hởi. Lần đầu tiên được tổ chức, ông Phân thông tin vậy, rồi đến từng hộ động viên đồng bào chăm chỉ tập luyện chờ đến ngày biểu diễn. Trời chập choạng tối, phía sân nhà trưởng thôn Alăng Phân đã âm vang câu hát hòa cùng điệu múa uyển chuyển của phụ nữ Cơ Tu…
Bước chân lũ trẻ đến trường đánh thức chúng tôi. Phía ngôi moong, bếp lửa đã cháy hừng hực. Một ngày mới bình yên ở Bút Tưa, bắt đầu…
ALĂNG NGƯỚC