Hội thi lễ tân du lịch Quảng Nam: Cơ hội hoàn thiện kỹ năng nghề

VĨNH LỘC 17/01/2017 09:15

Vừa qua, lần đầu tiên một cuộc thi về nghề lễ tân trong ngành du lịch được Hiệp hội Du lịch Quảng Nam đứng ra tổ chức, nhằm không chỉ tôn vinh nghề mà còn là cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại chất lượng đội ngũ lễ tân hiện nay tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh.

Bổ ích

Với những yêu cầu bắt buộc như biết tiếng Anh, xử lý tình huống nhanh nhạy, nắm đuợc các quy định về hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch; có kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch địa phương cũng như các dịch vụ phục vụ du khách…, cuộc thi về nghề lễ tân đã thật sự mang đến những điều bổ ích và thú vị không chỉ cho các thí sinh mà cả những nhà quản lý du lịch. Trong đó, thú vị nhất chính là phần thi xử lý tình huống giả định tại quầy lễ tân với du khách khi đa số thí sinh đều thể hiện khá lưu loát phần giao tiếp bằng tiếng Anh và những kiến thức liên quan đến nghiệp vụ của mình. Theo thí sinh Nguyễn Ngọc Phi đến từ khách sạn Silk Marina (Hội An), cuộc thi rất bổ ích vì đã giúp mình “va chạm” các tình huống giả định, từ đó biết được những điểm yếu, hạn chế của mình để bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề. “Tôi thấy cuộc thi rất ý nghĩa, qua đây đã giúp tôi định hướng được công việc của mình, đặc biệt đã mang đến cho tôi sự tự tin, yêu nghề và tự hào với nghề để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình” - Phi chia sẻ.   

Nhân viên lễ tân được ví như đại sứ du lịch trong việc giới thiệu, quảng bá các điểm đến địa phương. Ảnh: VĨNH LỘC
Nhân viên lễ tân được ví như đại sứ du lịch trong việc giới thiệu, quảng bá các điểm đến địa phương. Ảnh: VĨNH LỘC

Dù số lượng đăng ký không nhiều như kỳ vọng ban đầu khi chỉ có 19 thí sinh đến từ 15 đơn vị lưu trú (chủ yếu trên địa bàn Hội An) tham gia nhưng không phải vì thế mà chất lượng cuộc thi thấp. Hầu hết cơ sở lưu trú đều cử ra những nhân viên tốt nhất của mình tham dự, thậm chí một số đơn vị còn cử từ hai đến ba nhân viên tranh tài. Ông Võ Văn Vân - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, Trưởng ban Tổ chức hội thi cho rằng, trong  những nghề dịch vụ du lịch, lễ tân là một trong những nghề chiếm vị trí quan trọng vì nhân viên lễ tân luôn là người đầu tiên cũng như cuối cùng đại diện cho cơ sở lưu trú đón khách, tiếp xúc và tiễn khách. Đồng thời đóng vai trò như những đại sứ văn hóa trong việc tuyên truyền, quảng bá nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam, Quảng Nam đến du khách, qua đó giúp du khách hiểu hơn về các giá trị văn hóa lịch sử, tự nhiên, các sản phẩm du lịch địa phương… “Hội thi lễ tân không chỉ là sự kiện nhằm tôn vinh nghề lễ tân mà còn là hoạt động thiết thực tạo cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tuyên truyền đạo đức nghề nghiệp và góp phần chuẩn hóa nghiệp vụ đội ngũ lễ tân trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Đồng thời là dịp để ngành du lịch Quảng Nam đánh giá chất lượng nguồn nhân lực du lịch của tỉnh nói chung và đội ngũ lễ tân nói riêng, nhằm xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách” - ông Vân nói.

Hướng đến sự chuyên nghiệp

Không phủ nhận đa số thí sinh dự thi lần này có trình độ chuyên môn tốt nhưng vẫn còn đâu đó một vài thí sinh gặp những hạn chế về trình độ ngoại ngữ, khả năng ứng xử, nhất là các kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội. Những câu hỏi như thí sinh hãy giới thiệu cho khách biết các di tích Chăm ở Quảng Nam ngoài Trà Kiệu, Mỹ Sơn hay thông tin về làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước); giới thiệu một làng dân tộc Cơ Tu ở Quảng Nam… đã khiến không ít thí sinh lúng túng, dù đã được ban tổ chức gửi đáp án ôn luyện từ trước. Tuy nhiên, theo ông Phan Xuân Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Emic Hospitality (Hội An), Trưởng ban Giám khảo, điều ban giám khảo quan tâm nhất khi chấm chọn thí sinh ngoài chuyên môn chính là lòng yêu nghề và sự chuyên nghiệp nên những kiến thức xã hội tuy cần thiết nhưng do đặc thù công việc của lễ tân nên có thể thông cảm, châm chước được. “Ban đầu chỉ nghĩ cuộc thi này như một hoạt động để đánh động về chất lượng lễ tân trong ngành du lịch nhưng không ngờ qua hội thi, chất lượng thí sinh khá tốt, nhất là mọi người đều có tâm huyết trong nghề, và đây chính là sự mong muốn của ban tổ chức. Chỉ có một hạn chế là sự tham gia của các doanh nghiệp còn thấp do thời điểm thi chưa phù hợp. Vì là mùa cao điểm của du lịch Quảng Nam nên số lượng thí sinh đăng ký không nhiều” - ông Thanh nhìn nhận.

Đánh giá hiệu quả cuộc thi, bà Nguyễn Thanh Bình - Vụ phó Vụ khách sạn (Bộ VH-TT&DL), thành viên ban giám khảo cho rằng, một nhân viên lễ tân giỏi đòi hỏi phải tổng hợp được nhiều khả năng, kỹ năng như xử lý tình huống, có thái độ thân thiện, hỗ trợ khách, thông thạo ngoại ngữ…. nên nhìn chung qua cuộc thi có thể nhận thấy hầu hết thí sinh đều thể hiện được trình độ chuyên môn nghiệp vụ và lòng yêu nghề. Thực tế, thời gian qua việc tổ chức hội thi lễ tân đã được nhiều địa phương trong nước tổ chức như Hà Nội, Phú Thọ, Nghệ An, Huế, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, thậm chí cũng đã có cuộc thi lễ tân toàn quốc nhằm tôn vinh nghề này. “Dù có những yêu cầu cần được hoàn thiện như khả năng ngoại ngữ, các văn bản quy định pháp luật… nhưng nhìn chung các lễ tân ở Quảng Nam đều có kỹ năng nghề, có sự thân thiện với khách. Tôi đánh giá cao việc Quảng Nam tổ chức hội thi lễ tân lần này. Các địa phương cần thiết phải tổ chức nhiều cuộc thi như thế để tạo một phong trào thi đua để tất cả thí sinh, những người làm việc trong nghề lễ tân có dịp trau dồi kinh nghiệm để các bạn trưởng thành hơn trong nghề nghiệp của mình” - bà Bình nhắn nhủ

VĨNH LỘC

VĨNH LỘC