Môi trường học đường an toàn

QUỐC HƯNG 16/01/2017 09:20

Môi trường an toàn cho học đường đang bị đe dọa trước nguy cơ bạo lực trên internet ngày càng gia tăng, mang tính chất nghiêm trọng.

Ngày 17.1, một hội nghị quốc tế về môi trường an toàn học đường toàn cầu diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc do Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) phối hợp với Viện ngăn ngừa bạo lực học đường của Đại học Ewha Womans (Seoul) tổ chức. Với chủ đề: Lăng mạ, bạo lực, học đường: Từ bằng chứng đến hành động, được đưa ra tại hội nghị. Qua đó cho thấy, môi trường an toàn học đường trên thế giới liên quan đến internet đang là chủ đề quan tâm của toàn xã hội. Giáo sư You Kyung Han của Đại học Ewha Womans cho hay: “Mối đe dọa từ bạo lực học đường là thách thức của tất cả quốc gia, đòi hỏi phải có nỗ lực toàn cầu, xã hội, gia đình, đặc biệt trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin”.

Bạo lực học đường tác động đến tinh thần, sức khỏe và kết quả học tập của học sinh. Ảnh: Parents.com
Bạo lực học đường tác động đến tinh thần, sức khỏe và kết quả học tập của học sinh. Ảnh: Parents.com

Theo báo cáo của UNESCO và Đại học Ewha Womans, hàng triệu nam sinh và nữ sinh trên toàn cầu bị đe dọa hằng năm mà nguyên nhân liên quan đến vấn đề bạo lực internet (cyberbullying), hay sự săn đuổi, đe dọa trẻ em bằng công nghệ cao, chủ yếu thông qua internet. Trong đó lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là 11 - 18. Các chuyên gia giáo dục thừa nhận, mạng toàn cầu không chỉ đơn thuần là nơi cung cấp thông tin, mang lại nhiều ứng dụng tiện ích trong đời sống hằng ngày nhưng không phải mọi thông tin mạng đều có lợi. Khi truy cập internet, nhiều học sinh phải chịu sức ép tâm lý, bị lăng mạ, bạo lực từ những người sử dụng mạng có cả bạn học. Thậm chí, từ những mâu thuẫn trên internet đã dẫn đến không ít vụ việc đau lòng như học sinh ẩu đả sau giờ học, gây tổn hại tâm lý, lo sợ, trầm cảm, tự tử… Nguồn gốc sự đe dọa đó không chỉ xuất phát từ bạn đồng trang lứa, mà cả từ phía người lớn.

Nicola Henkins - một phụ huynh người Anh kể lại, không một phụ huynh nào có thể nghĩ rằng con cái của mình nói những lời khiếm nhã hay xúc phạm đến bạn học thông qua công nghệ internet. Nhiều người vì mưu sinh hoặc những lý do khác nhau hoặc rất tin tưởng để chúng sử dụng tất cả trang mạng xã hội, bất cứ giờ nào. Nicola Henkins cho biết, một ngày nọ cô giáo của con mình điện thoại bảo rằng con gái của chị đã có lời lẽ không hay với các bạn học. Lúc đầu Nicola Henkins không tin vào điều đó nhưng sau thời gian theo dõi, chị khẳng định lời của giáo viên thông báo cho mình là đúng và đã gỡ bỏ hết các trang mạng xã hội mà con mình sử dụng để nhắn tin đe dọa bạn bè. Nhiều chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy dành thời gian nhiều hơn nữa cho con, quản lý nhưng phải trò chuyện và xem rõ động cơ nào khiến con em của mình liên quan đến bạo lực internet để tìm hướng ngăn chặn thích hợp.

Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova cho biết, lăng mạ hay bạo lực học đường gây ra tác động xấu cho các em học sinh về mọi mặt từ tâm lý, tình cảm, thể chất và kết quả học tập. Âu đó cũng là trách nhiệm của toàn xã hội. Hội nghị này cũng là dịp để các nhà giáo dục chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những hỗ trợ thiết thực nhằm ngăn chặn bạo lực học đường, đảm bảo rằng tất cả trẻ em đều có quyền được đi học, trong môi trường học đường an toàn nhất.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG