Khoa học công nghệ tạo đột phá trong nông nghiệp
Tại hội nghị trực tuyến về tổng kết ngành KH&CN toàn quốc mới đây, lần đầu tiên, vai trò của KH&CN trong việc tạo động lực, tạo bước đột phá lớn trong sản xuất nông nghiệp được khẳng định rõ. Và triển vọng của nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đang từng bước được mở ra.
Xu hướng tất yếu
Có thể thấy, đây là lần đầu tiên, vai trò và sự tác động lớn của KH&CN đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được làm sáng tỏ, được đánh giá một cách đầy đủ.
Nhiều vùng trọng điểm về nông nghiệp, tạo sự đa dạng, đa sắc thái cho bức tranh kinh tế nông nghiệp. Ví như, vùng miền núi phía Bắc đã tập trung nghiên cứu, phát triển các cây con giống mới, khai thác, phát triển các nguồn gen đặc sản của địa phương. Ở vùng Nam Trung Bộ tập trung vào nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các kỹ thuật tiến bộ trong phát triển nghề nuôi hải sản, hướng vào phát triển các sản phẩm có thế mạnh của vùng. Vùng Tây Nguyên tập trung ứng dụng KH&CN, đặc biệt là công nghệ cao, để phát triển các cây trồng chủ lực là: cà phê, hồ tiêu, cao su và chè…
Sản phẩm quế Trà My đặc hữu của xứ Quảng chủ yếu vẫn còn bán thô. Ảnh: H.LIÊN |
Xu thế và cơ hội của nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu đang được mở ra. Sự thành công của Vingroup, TH True Milk hay FLC và cả các tập đoàn nước ngoài tham gia hợp tác theo hình thức đối tác công tư (PPP) như: Néstle, Syngenta... là minh chứng. Năm 2017 trở đi, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, cần tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp hữu cơ, vốn là thế mạnh và cũng là xu thế của Việt Nam. Ngành nông nghiệp thời gian tới cần phải tập trung xây dựng và phát triển 10 sản phẩm chủ lực của quốc gia, trong đó chú trọng khâu ươm tạo giống chuẩn. Nên xây dựng sản phẩm quốc gia và xây dựng nhóm sản phẩm đặc hữu của các địa phương, xây dựng mỗi làng mỗi sản phẩm đặc hữu…
Hai địa phương Đồng Tháp, Bến Tre… là tỉnh có đột phá về nền nông nghiệp công nghệ cao. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hồng, Đồng Tháp đã có sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, đã chế tạo thành công dầu ăn từ mỡ cá tra; đã sản xuất chế phẩm sinh học nấm xanh trừ rầy nâu, lai tạo giống để sản xuất hoa, cây cảnh chất lượng cao… Đó đều là thành quả từ nghiên cứu khoa học của tỉnh. Hiện 27 sản phẩm đặc trưng của địa phương này được bảo hộ, trong đó có 2 sản phẩm là xoài Cao Lãnh và sen Tháp Mười đã được bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài. Hay với Bến Tre, thủ phủ của cây dừa với sản lượng 587,9 triệu trái mỗi năm.
Khởi động với Quảng Nam
Liên hệ với Quảng Nam, nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng chỉ trong giai đoạn manh nha. Một vài nơi xuất hiện trang trại chăn nuôi heo công nghệ cao có sự liên kết với Tập đoàn Thái Việt Agroup, Tập đoàn C.P; một số mô hình sản xuất rau hữu cơ đã manh nha tại xã Cẩm Thanh (Hội An), lúa hữu cơ, rau VietGap, dưa hấu VietGap, mô hình trồng măng tây xanh (Điện Dương)… Song, tính bền vững của các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn thấp do nhiều yếu tố: nguồn lực, thị trường, thói quen sản xuất, giá cả, thiên tai… Quảng Nam còn thiếu những doanh nghiệp làm “đầu tàu” trong chuỗi liên kết, phát triển sản xuất nông nghiệp. Chủ trương xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao, chủ yếu là các chủng loại rau, hoa tại Tam Kỳ cũng chỉ mới nằm trên giấy. Trong khi đó, tiềm năng và cơ hội của Quảng Nam không hề nhỏ khi nơi đây là thủ phủ của cây quế Trà My, cây sâm Ngọc Linh và các loài dược liệu. Dù đã có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển, hình thành vùng nguyên liệu bản địa, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng sâm và cây dược liệu. Song, giấc mơ đổi đời từ cây sâm, cây dược liệu và cây quế tại những vùng núi cao, nơi có tỷ lệ hộ nghèo lớn nhất tỉnh vẫn còn xa.
Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN, trong năm 2016, việc ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp từng bước được chú trọng. Nhiều đề tài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ đã cho kết quả khả quan. Hầu hết đề tài, dự án tập trung vào việc ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất chế phẩm Trichoderma, phân bón qua lá thủy phân từ trùn quế, xác định liều lượng phân bón hợp lý cho các chân đất lúa chính, nghiên cứu biện pháp kỹ thuật gây trồng cây bản địa trai Nam Bộ trên lưu vực hồ chứa nước Phú Ninh. Ngoài ra, nhiều đề tài/mô hình/dự án đã phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn. Có thể kể đến, mô hình thử nghiệm sản xuất giống và nuôi cá ngựa, cá niên thương phẩm; nghiên cứu các giải pháp cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất cây lòn bon; sản xuất giống sâm Ngọc Linh bằng phương pháp hữu tính…
Theo định hướng giai đoạn tới, việc ứng dụng KH&CN vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ được đẩy mạnh hơn nữa. Trong lĩnh vực trồng trọt, sẽ tập trung cho nhóm đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN về nhân giống hữu tính và áp dụng biện pháp canh tác và quản lý dịch hại hợp lý nhằm nâng cao tỷ lệ và chất lượng cây giống, phát triển cây sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My… Trong chăn nuôi, sẽ tập trung cho nhóm đề tài, dự án ứng dụng công nghệ sinh học trong chế tạo thức ăn gia súc, gia cầm; nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi kết hợp các đối tượng thủy sản trong ao nước lợ vùng triều; nghiên cứu nguồn cá giống vùng cửa sông Thu Bồn và lân cận vùng biển ven bờ; ứng dụng VietGap để xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng; nghiên cứu tạo giống bò 3B…
HOÀNG LIÊN