Thận trọng khi dùng nước "lá mách"
Gần đây, nhiều người hay rỉ tai nhau rằng, uống nước nấu từ các loại lá thuốc có tác dụng chữa được “bá bệnh”. Mặc dù các loại cây lá đang được nhiều người tôn xưng là “thần dược” đều có vị thuốc, có dược tính tốt, nhưng theo các thầy thuốc, không vì thế mà lạm dụng sẽ “lợi bất cập hại”…
Tin vào “lá mách”
Hầu hết loại nước uống thảo dược được nhiều người tin dùng đều xuất phát từ sự mách bảo, truyền miệng kiểu rỉ tai nên theo một dược sĩ là hội viên Hội Đông y tỉnh, có thể gọi chúng bằng một cái tên chung là “lá mách”. Hiện tại, các loại “lá thuốc” được dùng để nấu nước uống hàng ngày phổ biến nhất là mật gấu, khổ qua rừng, vối, tam thất, lá lao... tùy theo “niềm tin” và mục đích sử dụng của mỗi người. Trong đó, đại trà và có “phong trào” nhất hiện nay là lá mật gấu và vối. Không chỉ ở phạm vi gia đình, nước uống được nấu từ 2 loại lá này còn xuất hiện và được tin dùng ở nhiều cơ quan, công sở, xuất phát từ những thông tin truyền miệng về công dụng tuyệt vời, có khả năng chữa bệnh của chúng. Tại các vùng quê Đại Lộc, Quế Sơn, Điện Bàn, Thăng Bình…, cây mật gấu được săn lùng, được nhiều người tìm mua với giá 20 nghìn đồng/kg tươi; có nơi mua luôn cả thân cây với giá 5 - 10 nghìn đồng/kg. Những người đi gom mua loại lá này cho biết, họ mua để bán lại cho những nhà thuốc đông y... Theo “phong trào” và tin vào những lời đồn rỉ tai, ông Huỳnh Lệ (58 tuổi, ở Đại An, Đại Lộc) trồng khá nhiều mật gấu trong vườn nhà, vừa để bán vừa để dùng. Gần 6 tháng sử dụng, ông Lệ cho biết không thấy có gì bất thường, nhưng tác dụng giải rượu hay giảm ho thì thấy rõ.
Thảo dược bày bán ở chợ được nhiều người mua. ẢNH: CHÂU NỮ |
Tương tự, gần đây cây vối cũng được trồng và dùng ngày càng phổ biến, với niềm tin được nhiều người rỉ tai rằng đây là loại lá có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa, thải độc tố, chống đầy bụng, chữa viêm đại tràng… Tại xã Tam Phú, phường An Phú (Tam Kỳ) trước đây nhiều người đã trồng vối nhưng ít dùng. Từ khi có “phong trào” uống nước thảo dược, lá vối bán khá chạy với giá 5 - 7 nghìn nghìn đồng/bó và đang từng ngày trở nên khan hiếm dù giờ đây nó được chăm bón kỹ càng hơn. Có người tìm đến nhà vườn mua cây vối con có giá 50 - 60 nghìn đồng/cây về trồng. Một số cơ quan, công sở dùng nước lá vối thay cho nước trà hoặc dùng nước lá vối kết hợp nước chè tươi. Anh Lương Hoàng (38 tuổi, ở Tam Thành, Phú Ninh) cho biết, gia đình anh trước đây chỉ uống nước chè tươi, nay thì chuyển sang dùng nước lá vối và anh cảm thấy loại nước uống này có tác dụng kích thích tiêu hóa.
Không nên dùng tùy tiện
Một số công trình nghiên cứu ghi nhận, cây mật gấu có một số công dụng như kiểm soát đường huyết, chữa rối loạn tiêu hóa, hạ sốt, điều trị cảm lạnh, chống ung thư, giúp nhuận trường, chống sốt rét, chữa đau họng, ho, trừ đờm, chống buồn nôn, tẩy độc cơ thể… Tuy cây mật gấu có nhiều công dụng như vậy nhưng không nên nấu nước sử dụng hằng ngày như một loại nước uống thay thế mà chỉ nên sử dụng như một liệu pháp dự phòng hoặc hỗ trợ điều trị nếu được bác sĩ điều trị đồng ý. Riêng phụ nữ mang thai không nên dùng cây mật gấu. (Dược sĩ Lê Kim Phụng - Khoa Y học cổ truyền Trường Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh) |
Theo bác sĩ Lê Thân - Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, các loại lá kể trên đều có vị thuốc. Tuy nhiên, mỗi loại có công dụng trị bệnh khác nhau, cách dùng, liều dùng cũng khác nhau và dùng hợp hay không còn tùy thuộc vào cơ địa, bệnh trạng của mỗi người. Chưa kể, dù là cây thuốc chữa bệnh nhưng cũng có khả năng xảy ra tác dụng phụ nếu dùng trong thời gian dài hoặc kết hợp không chính xác với nhiều loại thảo dược khác nhau. Việc nhiều người dùng nước nấu từ các loại lá cây thay nước uống thường xuyên hàng ngày, xem như đó là một liệu pháp chữa bệnh, có thể nói là không nên. Phải thận trọng, không thể tùy tiện làm theo tin đồn được, vì đã là thuốc thì phải dùng theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Cũng theo bác sĩ Lê Thân, trong Đông y chỉ có rất ít vị có thể dùng độc vị để chữa một số chứng bệnh nhất định, còn lại để chữa bệnh phải phối hợp nhiều vị thuốc khác nhau mới có tác dụng. Nhưng việc phối hợp cũng phải đúng, nếu không sẽ có tác dụng ngược. Chẳng hạn như nhân trần trước đây vẫn hay được phối vị với cam thảo, nay thì đã được chứng minh là không tốt, nhất là với người tăng huyết áp. Các loại vối, nhân trần, mật nhân, cây mật gấu, kể cả chè cũng không phải dùng được cho tất cả mọi người. Chẳng hạn, phụ nữ có thai mắc bệnh gan có thể dùng được nhân trần, còn không mắc bệnh gan thì không dùng; mật nhân thì tuyệt đối không dùng. “Mỗi loại chỉ có tác dụng chữa một số chứng bệnh nhất định. Không có vị thuốc nào là chữa được bách bệnh cả; cây mật nhân còn có tên là cây bá bệnh (chứ không phải chữa bá bệnh). Các loại đó thường có tính làm mát (tính hàn) nên thích hợp nhất với người “nóng trong người”, còn người đã “lạnh trong người” dùng có thể lợi bất cập hại, có khi… “bổ ngửa”. Phần lớn các loại đó không dùng thường xuyên, số lượng nhiều; nên dùng ngắt quãng với số lượng vừa phải trong 1 lần, trong 1 ngày. Tốt nhất là được người có chuyên môn kiểm tra xem cơ thể có dùng được hay không và dùng như thế nào…” - bác sĩ Lê Thân khuyến cáo.
CHÂU NỮ