Đánh giá trình độ công nghệ các nhóm ngành công nghiệp chủ lực: Tạo đà phát triển công nghiệp

HOÀNG LIÊN 09/01/2017 09:21

(QNO) - Việc khảo sát, đánh giá trình độ công nghệ một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, đề xuất giải pháp quản lý, hoàn thiện thể chế về khoa học và công nghệ (KH&CN), đề xuất chính sách đổi mới công nghệ, tạo đà cho công nghiệp phát triển là nhiệm vụ cấp thiết.

Công trình nghiên cứu "Đánh giá trình độ công nghệ một số nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Quảng Nam, đề xuất giải pháp quản lý và chính sách đổi mới công nghệ của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn 2030" hướng tới đánh giá về hiện trạng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất ở 6 nhóm ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Đó là các nhóm ngành: chế biến lâm sản; công nghiệp gia công cơ khí; dệt may và da giày; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất, chế biến thực phẩm, thủy sản; ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô. Việc đánh giá, khảo sát chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 81%), nhóm doanh nghiệp lớn của tỉnh chỉ chiếm 19%. Trong số 80 doanh nghiệp đại diện được khảo sát thì có 50% đối tượng là công ty TNHH, 21% là công ty CP, còn lại là các doanh nghiệp khác. Việc khảo sát, đánh giá dựa trên 4 yếu tố chính là technology (trình độ kỹ thuật), human (con người, nhân công, quản trị), information (thông tin), oganization (tổ chức), vốn là những yếu tố cấu thành của một doanh nghiệp.

Nhóm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có hệ số đóng góp công nghệ thấp nhất. Ảnh: Hoàng Liên
Nhóm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có hệ số đóng góp công nghệ thấp nhất. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Theo TS. Trần Hậu Ngọc - chủ nhiệm công trình, từ việc đánh giá, khảo sát hiện trạng của các nhóm doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu sẽ đề xuất giải pháp quản lý công nghệ hiệu quả trên địa bàn; đề xuất chính sách đổi mới công nghệ phù hợp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn 2030. Qua đánh giá hệ số đóng góp của công nghệ (TCC) phân theo ngành, lĩnh vực thì nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô có hệ số đóng góp công nghệ lớn nhất; kế đó là công nghiệp gia công cơ khí; công nghiệp dệt may và da giày; công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp sản xuất thực phẩm, thủy sản; nhóm công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng có chỉ số đóng góp công nghệ thấp nhất. Trong số doanh nghiệp khảo sát, có 82% doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất bán tự động hoặc máy vạn năng chuyên dùng, số còn lại là tự động chương trình cố định… Về quy mô lao động (300 lao động trở lên), nhóm doanh nghiệp dệt may và da giày có quy mô lao động lớn nhất (chiếm tỷ lệ 50%), nhóm công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô đứng thứ nhì (chiếm 37%), còn lại là nhóm doanh nghiệp chế biến lâm sản và các nhóm doanh nghiệp khác.

Bên cạnh khảo sát, đánh giá, nhóm nghiên cứu còn xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu dạng website dùng cho quản lý và tính toán, đánh giá hiện trạng trình độ công nghệ của các doanh nghiệp, ngành kinh tế tại địa chỉ: http://quangnam.stec.gov.vn. Được biết, sau khi đề tài kết thúc, phần mềm này sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho việc quản lý, cập nhật công nghệ mới của tỉnh, do Sở KH&CN quản lý. 

Việc đánh giá trình độ công nghệ tạo đà cho công nghiệp phát triển. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Việc đánh giá trình độ công nghệ tạo đà cho công nghiệp phát triển. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN cho biết, dưới góc độ quản lý nhà nước về công nghệ, những cơ sở dữ liệu ban đầu, những thông số về năng lực công nghệ, đổi mới công nghệ và phần mềm quản lý sẽ giúp ngành KH&CN có cơ sở xem xét, đánh giá, thẩm định, lựa chọn những dự án nào là quan trọng nhất, phù hợp với đặc thù địa phương. Đồng thời nâng cao trình độ sử dụng công nghệ, tránh tình trạng nhập khẩu, chuyển giao công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường, kém năng lực cạnh tranh... Theo đó, tất cả các dự án đều phải được xem xét, đánh giá cụ thể. Ví như, về mặt kinh tế, công nghệ đó có thể làm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế địa phương hay không. Về việc làm, công nghệ mới có thể tạo ra những việc làm mới và hoặc giúp cải thiện tình hình về việc làm hiện tại hay không. Về mặt xã hội, công nghệ đó có thể giúp giải quyết những vấn đề về môi trường, cải thiện cơ sở hạ tầng không; công nghệ đó có giúp cải thiện cuộc sống người dân hay không. Về đánh giá tác động và rủi ro, công nghệ mới có tác động gì tới kinh tế - xã hội, phải làm gì để thu lợi từ công nghệ mới, về rủi ro (có tác động tiêu cực hay không, nguy hại tới sức khỏe, sự an toàn?)…

"Sau khi đề tài kết thúc, phần mềm này sẽ do Sở KH&CN quản lý, cập nhật thông tin, trình độ công nghệ thường xuyên từ nguồn kinh phí nhà nước mỗi năm. Theo đề xuất từ các địa phương với trung ương, thời gian tới, có lẽ tất cả các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều phải thông qua đầu mối quản lý, đánh giá, thẩm định công nghệ là Sở KH&CN. Theo đó, Sở KH&CN sẽ thành lập hội đồng KH&CN, sau khi có ý kiến thống nhất về công nghệ của dự án, Sở KH&CN sẽ trình UBND tỉnh công nhận và các ban quản lý mới có thể cấp chứng nhận đầu tư đối với các dự án này" - ông Phạm Viết Tích cho biết.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN