Những cơn mơ về phố
Lần đầu “gặp” phố với bao nhiêu cảm xúc kỳ lạ cùng cái lung linh kỳ ảo của phố xá trong ánh mắt trẻ con “cái gì cũng lạ” một thời thỉnh thoảng tái hiện trong trí nhớ của tôi.
Hội An những năm 1997 - 1999. ảnh: Lê Vấn |
Bây giờ, đi cái rẹt là tới Hội An liền, dạo chơi, ngắm nghía đã đời, nửa đêm gà gáy về cũng không sao, chứ độ mấy chục năm trước, khi súng đạn còn nổ ầm ầm thì từ một làng quê nào đó đi về Hội An quả là một kỳ công. Cho nên hồi trước ông bà cứ gọi là “xuống Phố”, không phải hay sao! Ký ức về lần đầu đến Hội An lưu lại rất ít dấu vết trong tôi, không nhớ là đã đi bằng “xe đò” hay bằng ghe chèo tay nữa. Hồi ấy từ quê tôi đi Hội An bằng hai con đường: lên đường cái đón xe đò ra Vĩnh Điện rồi xuống Hội An; hoặc đi bằng ghe nhà, cứ xuống bến sông gần nhà bơi một lèo xuống Bàn Thạch, ra Cẩm Kim rồi ghé bến Bạch Đằng là tới chợ Phố rồi. Chỉ nhớ rằng tôi và đứa em gái thứ ba đã được mẹ đưa đi chụp ảnh, hình như là tiệm Lệ Ảnh thì phải. Trong cái bối cảnh đầy hoa lá, cây cảnh, phía sau là phông màn làm hậu cảnh, một tôi quần xăn ống cao ống thấp, mặt ngượng ngùng ngơ ngác dòm vào ống kính, nửa thích nửa sợ; em gái không kém phần nhà quê hơn thằng anh bao nhiêu trong bộ bà ba cổ áo tai bèo, tay bấu chặt gấu áo mẹ, miệng méo xệch; mẹ cũng vậy nhưng thêm mái tóc được kẹp hơi cao đúng mốt “kẹp đầu phồng chồng chê(?)” dành cho các phụ nữ vốn rất thịnh hành hồi ấy. Để có được tấm ảnh chụp ba người “rất kỵ” ấy (theo quan niệm cũ, kỵ chụp ảnh số người lẻ), ông thợ chụp ảnh dùng kiểu máy cơ cổ điển mỗi phát mỗi phim đã phải toát mồ hôi chỉnh sửa cả buổi mới tạm ổn. Giờ thì tấm ảnh quý giá ấy đã tan theo tro bụi sau một vụ cháy năm 1985. Mỗi lần nhớ lại thêm một lần tiếc đến đứt ruột. Lạ cái là ngoài vụ chụp hình như đứng trước máy chém ấy tôi lại chẳng nhớ được thêm chút gì về một Hội An – Faifoo - Phố đầy những ánh đèn màu chớp nháy liên tục vô cùng hoa lệ trong mắt trẻ thơ của tôi một thời. Hồi ấy tôi 6 - 7 tuổi gì đó.
Năm 1967, chiến tranh đến hồi ác liệt, cái vùng quê “xôi đậu” của tôi không chịu đựng nổi với bom, ca-nông và những trận càn ngày thêm dày đặc, cái vùng “trắng” càng ngày càng lan rộng. Người ta phải đối diện với trăm kiểu chết mỗi ngày. Và rồi phải dạt về Hội An mong tìm chút bình yên. Trong mớ ký ức bộn bề những bom đạn ấy tôi chỉ nhớ đã theo mẹ chạy bộ về chợ Bà Rén cùng những người hàng xóm, bởi nhà cửa đã tan hoang, xóm đã biến thành “vùng trắng” không thể ở được nữa. Sau này nghe kể lại mới thấy khiếp bởi đã phải vượt qua bao nhiêu bom đạn trên đầu và đầy rẫy mìn dưới chân mà vẫn không ai bị gì. Còn từ Bà Rén về đến Hội An thì không thể nhớ. Có lẽ đã đi bằng xe đò thì phải chứ chưn cẳng nhỏ xíu như tôi làm sao mà băng bộ những ngần ấy quãng đường. Nhưng thời điểm ấy xe đò đi từ Nam Phước về Hội An vẫn là ẩn số.
Mẹ tôi đã quay lại lo mấy sào ruộng mãi năm sau mới đi hẳn. Mấy cha con chúng tôi ở tạm nhà một người quen cũ, một căn nhà khiêm tốn nép dưới những bóng dừa trong một cái xóm nhỏ hình như đối diện với chùa Sư nữ bây giờ thì phải. Lại chỉ nhớ sau bao ngày đói no thất thường giữa vùng “xôi đậu”, chúng tôi được chủ nhà “đãi” một bữa cơm đạm bạc nhưng lại hằn lên trong trí nhớ nhỏ nhoi của tôi món cá cơm kho ngọt lưu đến tận bây giờ. Chắc chắn từ bấy đến giờ chưa có món sơn hào hải vị nào ngon hơn những con cá cơm quyến rũ nhường kia! Ở đó đâu được vài ba ngày thì về trại định cư gần bến xe trên đường đi ra chùa Long Tuyền. Một gian nhà nho nhỏ cỡ ba, bốn chục mét vuông đã cưu mang chúng tôi suốt những năm tháng chiến tranh.
Đêm đầu tiên về ở khu định cư tôi đã bị mấy đám múa lân “mê hoặc” và đi theo chúng suốt đêm. Cứ cuốn theo ánh đuốc bập bùng và đám lân múa càng lúc thêm ảo diệu cùng tiếng trống rạo rực, đứa bé nhà quê là tôi thực sự “nát hết thần hồn lẫn thần tính”. Cứ đi và đi miết, như bị ma ám. Theo tiếng trống và ánh lửa bập bùng mà đi! Mãi cho tới khi thấy cảnh vật xung quanh hình như là thuộc vùng nào đó, lạ hoắc, chứ không phải phố và chừng như đã quá nửa đêm tôi mới giật mình tỉnh cơn mê dại. Chẳng biết chỗ mình đứng là đâu nữa. Tôi thất thểu đi ngược lại với phía tiếng trống. Và tất nhiên, vừa đi vừa khóc. Không nhớ đi được bao lâu chỉ thấy chân cẳng rã rời, nhấc lên không nổi, thì bắt gặp ba tôi đang hơ hãi đi tìm. Đêm ấy, tôi được ba “dạy dỗ kỹ” những kỹ năng cần thiết khi về sống ở Phố. Ra là Phố không hề đơn giản như đồng như sông như làng của tôi. Tôi ở đó, từ giữa lớp Hai đang học dở dang hồi chưa nổ ra chiến tranh, rồi bỏ; “băng” vào học lớp Năm trường tư thục Cẩm Hồ, học với thầy - nhà thơ Hoàng Lộc rồi thi vào trường Trung học Quế Sơn khi ấy nằm ở chỗ chợ vải Hội An bây giờ. Giữa chừng năm lớp Bảy thì chuyển sang trung học Trần Quý Cáp. Và cũng bắt đầu nho nhoe chuyện văn chương từ ngôi trường của lớp đàn anh, của những Nguyễn Nho Nhượn, Hoàng Lộc… ngày ấy.
Lần đầu đến Phố - Hội An – Faifoo với một tấm ảnh chụp chung ba mẹ con “tối kỵ”, một bữa cơm ăn với cá cơm kho ngọt ngon nhớ đời, một bữa đòn vì lỡ dại suốt đêm chạy theo đám múa lân và những câu văn đầu đời vụng về dù sao cũng là những ký ức ngọt ngào một thời. Thật khó mà quên!
LÊ TRÂM