Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng chuyển giao cứu hộ 4 cá thể tê tê cho Vườn Quốc gia Cúc Phương
(QNO) - Ngày 4.1.2017, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã lập thủ tục chuyển giao cho Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương bốn cá thể tê tê Java (Manis javanica) đã trưởng thành. Các cá thể tê tê có tổng trọng lượng 15,4kg đã được Công an phường Tân Chính và Đội kiểm lâm cơ động phối hợp bắt giữ trên các chuyến hàng vận chuyển trái phép từ Tây Nguyên về Đà Nẵng. Hiện Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện sơ cứu tại chỗ trước khi đưa tê tê về Trung tâm cứu hộ. |
Tê tê là loài thú hoang dã có kích cỡ trung bình, săn mồi ban đêm, ăn kiến và mối. Thế giới đã thống kê được có 8 loài tê tê phân bố ở 48 nước châu Á và châu Phi. Trong đó có 4 loài tê tê châu Á phân bố ở 17 nước gồm: tê tê Ấn Độ (Manis crassicaudata), tê tê vàng (Manis pentadactyla), tê tê java (Manis javanica), tê tê Philippine (Manis culionensis) và có 04 loài tê tê Châu Phi phân bố ở 31 nước gồm: tê tê khổng lồ (Manis gigantea), tê tê đất (Manis temmincki), tê tê cây (Manis tricuspis), tê tê tai dài (Manis tetradactyla). Việt Nam có 2 loài là tê tê vàng và tê tê Java.
Tê tê là một trong những chủng loài đầu tiên được liệt kê vào Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES-1973). Ở Việt Nam tê tê được xếp vào danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 và Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ.
Hội nghị quốc tế lần thứ nhất các nước có tê tê phân bố tự nhiên diễn ra tại thành phố Đà Nẵng từ ngày 24 – 26.6.2015 đã thống nhất kế hoạch hành động toàn cầu nhằm giúp bảo tồn, quản lý và thực thi pháp luật để bảo vệ loài tê tê. Pháp luật Việt Nam đã quy định mọi vi phạm về bảo vệ tê tê đều bị xem xét để truy cứu trách nhiệm hình sự. Các mẫu vật tê tê bị buôn bán trái phép gồm cá thể sống, thịt đông lạnh và vảy hiện đang có chiều hướng gia tăng, mặc dù đã có định chế pháp luật quốc tế và pháp luật của các nước. Tình trạng buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm xuyên biên giới hiện nay đã trở thành vấn nạn toàn cầu, trong đó tê tê là loài chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong 10 năm qua, khiến cho tê tê lâm vào tình trạng bị suy giảm nghiêm trọng trong tự nhiên.
Tê tê là loài có thức ăn đặc biệt (kiến, mối) nên khả năng sống sót sau khi bị bẫy, bắt, buôn bán, nuôi, nhốt trái phép thường rất thấp do khó tìm được nguồn cung cấp thức ăn. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng đã nhanh chóng chuyển giao cho Trung tâm cứu hộ để áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi sức khỏe, đảm bảo sự sống để tái thả lại môi trường tự nhiên
M.T - T.D