Công an huyện Nam Trà My: Học tiếng Ca Dong để "cắm bản" với dân

THÁI BÌNH 04/01/2017 12:41

Để giúp đồng bào Ca Dong làm ăn sinh sống trên địa bàn hiểu rõ chủ trương đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, Công an huyện Nam Trà My tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ học tiếng Ca Dong nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

“CÓ thể nói ngôn ngữ bất đồng là một rào cản lớn trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nhiều trường hợp, do không hiểu tiếng của đồng bào nên hiệu quả của công tác tuyên truyền, vận động chỉ dừng lại ở một mức độ nhất định, không đạt như mong muốn. Cũng chính vì lẽ đó mà Công an huyện tổ chức lớp học tiếng Ca Dong cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị” - Trung tá Nguyễn Xuân Thìn, Phó trưởng Công an huyện Nam Trà My, cho biết nguyên do mở lớp học đặc biệt này. Được biết, từ tháng 8.2016, Công an huyện và Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp mở lớp đào tạo tiếng Ca Dong dành riêng cho lực lượng công an. Đều đặn vào mỗi tối thứ 3, thứ 5 và thứ 7 trong tuần, hơn 70% quân số của Công an huyện Nam Trà My lại đến lớp để học tiếng Ca Dong. Với họ, học để hiểu ngôn ngữ giao tiếp và cũng để thuận tiện hơn trong công tác quản lý tốt địa bàn. Qua chương trình học này, cán bộ, chiến sĩ đơn vị làm tốt hơn việc tuyên truyền cho bà con hiểu rõ hơn về việc tuân thủ an toàn giao thông, giao nộp vũ khí vật liệu nổ, vận động bà con tham gia bảo vệ an ninh trật tự thôn, bản...

Lớp học tiếng Ca Dong của Công an huyện Nam Trà My. Ảnh: T.B
Lớp học tiếng Ca Dong của Công an huyện Nam Trà My. Ảnh: T.B

Phụ trách giảng dạy cho cán bộ, chiến sĩ đơn vị là giáo viên người Ca Dong, do đó việc truyền đạt kiến thức cũng gần gũi, dễ hiểu. Từ thái độ chuyên cần, cộng với sự truyền đạt của giáo viên là người Ca Dong, nhất là việc áp dụng thực tế sau mỗi buổi học, nên sau hơn 2 tháng, gần như 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia lớp học đều có thể giao tiếp với bà con bằng tiếng Ca Dong. Cô giáo Hồ Thị Loan Thảo - giáo viên dạy tiếng Ca Dong ở Trung tâm Dạy nghề huyện Nam Trà My cho biết: “Từ khi mở lớp cho đến kết thúc khóa học, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện tham gia học rất nhiệt tình, chịu khó nghiên cứu học hỏi. Trong quá trình dạy, tôi rất cố gắng để tìm những từ thích hợp cho các học viên khi đi làm nhiệm vụ dễ giao tiếp với bà con. Những từ nào gần gũi nhất đối với người dân, có thể gặp người dân sẽ trao đổi được, nhất là một số người dân không nói được tiếng phổ thông”.

“Mình nói được tiếng đồng bào, hiểu được phong tục của đồng bào, nắm được tâm tư nguyện vọng của đồng bào, nhất định khi thực hiện công tác vận động quần chúng, bà con sẽ cởi mở hơn và cung cấp nhiều thông tin có giá trị. Đối với bà con, điều quan trọng nhất là họ mến, họ thương, thì họ mới trải lòng…” - Trung úy Phan Văn Tuấn - Đội an ninh Công an huyện Nam Trà My tâm sự. Sau một thời gian đi học “ngoại ngữ”, hệ thống “từ vựng”, khả năng giao tiếp với đồng bào Ca Dong của anh Tuấn và nhiều chiến sĩ khác trong đơn vị được nâng lên. “Có thể nói, việc học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số đã hỗ trợ cho cán bộ chiến sĩ đứng chân ở địa bàn xã thôn trong công việc hàng ngày rất nhiều, gần gũi và thấu hiểu hơn phong tục, đời sống của đồng bào” - Trung úy Phan Văn Tuấn cho biết thêm.

Hiện nay, tỉnh cũng đã có chủ trương khuyến khích cán bộ, công chức học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để phục vụ công tác, công việc chuyên môn và nâng cao chất lượng tuyên truyền, vận động. Bởi muốn làm tốt công tác dân vận, cán bộ không chỉ dừng lại ở “3 cùng” mà phải là “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào thì mới thực sự gần gũi, sâu sát với đời sống của bà con. Theo Trung tá Nguyễn Xuân Thìn, việc cán bộ, chiến sĩ tham gia học tiếng Ca Dong đã góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện công tác vận động quần chúng thực hiện đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước có hiệu quả hơn. Qua đó, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của ngành nhằm  đảm bảo an ninh chính trị phòng ngừa các loại tội phạm trên địa bàn. Vì vậy, việc mở lớp học cho cán bộ, chiến sĩ để trang bị kiến thức, ngôn ngữ giao tiếp, nắm được tâm tư nguyện vọng, bản sắc văn hóa của đồng bào Ca Dong cũng là nhiệm vụ mà đơn vị đề ra.

Với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, bà con Ca Dong ở huyện Nam Trà My nói riêng, việc cán bộ chiến sĩ Công an huyện biết nói tiếng Ca Dong, am hiểu văn hóa của đồng bào Ca Dong là điều họ rất quý mến và tin tưởng. Từ sự quý mến, tin tưởng đó, bà con Ca Dong đã coi những cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Nam Trà My như những người con của dân bản. Đây là thành công ban đầu của việc học tiếng Ca Dong và là nền tảng để xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc đi vào chiều sâu ở huyện vùng cao Nam Trà My.

THÁI BÌNH

THÁI BÌNH