Chuyển hướng chăn nuôi bò

NGUYỄN QUANG VIỆT 04/01/2017 12:37

Chăn nuôi bò lai ở các địa phương của huyện Thăng Bình đã giúp nhiều hộ nông dân làm ăn khá giả. Nhờ thế, việc phát triển đàn bò lai trên địa bàn có nhiều thuận lợi…

Con bò hơn 700kg của gia đình ông Lê Văn Ân. Ảnh: N.Q.V
Con bò hơn 700kg của gia đình ông Lê Văn Ân. Ảnh: N.Q.V

Nuôi bò, thu nhập khá

Đến thôn Quý Hương (xã Bình Quý, Thăng Bình) hầu như ai cũng để mắt đến những khoảnh vườn trồng đầy cỏ. Nhà nhà trồng cỏ, người người trồng cỏ. Nhiều hộ đã chuyển đất vườn canh tác hoa màu, rau quả sang trồng cỏ. Có hộ còn chuyển diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng cỏ. Cỏ đã trở thành nguồn thức ăn để nuôi bò của hàng trăm hộ dân nơi đây. Dẫn chúng tôi đi thăm cơ ngơi của mình, ông Lê Văn Cận hồ hởi kể, ngoài ngôi nhà nhỏ đang ở, cả gia tài đều nằm ở 3 dãy chuồng trại nuôi bò bố trí san sát nhau, chiếm gần 1ha. Ông Cận nuôi 30 con bò sinh sản. Cứ đều đặn, sau khi bò đẻ và nuôi được 7 tháng là gia đình xuất bán 30 con bê với giá dao động 15 - 20 triệu đồng/con. “Xoay vòng như vậy, tôi có nguồn thu nhập lớn và ổn định. Tôi dự tính sẽ cơi nới chuồng trại, vừa nuôi bò sinh sản vừa nuôi bò thịt. Diện tích đất của gia đình khoảng 2ha nhưng mới chỉ tận dụng một nửa diện tích để trồng cỏ. Đến nay, gia đình tôi đã tích lũy đủ vốn nên việc phát triển đàn bò không khó” - ông Cận nói.

Cách nhà ông Cận không xa, gia đình ông Lê Văn Ân lại chuyên nuôi bò thịt. Tổng đàn bò của gia đình ông Ân là 20 con. Chỉ con bò được nuôi 12 tháng tuổi, ông Ân cho biết, trọng lượng của nó đạt hơn 500kg, có giá trị không dưới 40 triệu đồng. Theo ông Ân, nuôi bò thịt rất thuận lợi, chỉ cần trồng cỏ, mua thêm rơm về chuẩn bị sẵn dùng cho bò ăn là chúng phát triển rất nhanh. Bò nuôi trong vòng một năm là có thể bán. Số tiền chênh lệch từ lúc mua bò về nuôi cho đến khi xuất bán là rất lớn, bình quân thu lợi hơn 20 triệu đồng/con. Ông Ân cho hay, gia đình có bao nhiêu đất đều trồng cỏ nuôi bò. “Trước đây trồng lúa chỉ đủ ăn. Từ khi nuôi bò, kinh tế gia đình tôi đã chuyển biến rõ rệt, có của ăn của để. Nuôi bò thịt đã đem lại đời sống khấm khá cho gia đình tôi và nhiều hộ khác tại địa phương” - ông Ân nói.

Không chỉ riêng ở xã Bình Quý trồng cỏ nuôi bò mà các xã vùng tây của huyện Thăng Bình cũng phát triển mô hình này. Tại thôn Vinh Đông, xã Bình Trị, hộ ông Nguyễn Văn Sơn đã làm giàu nhờ nuôi bò nhốt chuồng. Mỗi năm gia đình này xuất bán hơn 20 con bò thịt, thu lợi hơn 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Đình Trung, cán bộ phụ trách chăn nuôi bò của Trạm Khuyến nông Thăng Bình khẳng định, nuôi bò đã thay đổi đời sống của nhiều hộ trên địa bàn huyện. Sau một năm chăn nuôi, người nuôi bò thu lợi không dưới 15 triệu đồng/con. Gia đình nào đầu tư lớn, thu nhập càng cao. “Nuôi bò nhàn nhã mà lại cho thu nhập cao hơn nuôi heo, gà hay trồng lúa, hoa màu. Thức ăn cho bò là cỏ và rơm, rất ít tốn kém. Để phòng ngừa dịch bệnh, cứ 6 tháng chúng tôi lại đến tận nhà tiêm phòng cho bò, giúp các hộ chăn nuôi ổn định” - ông Trung nói.

Giúp dân cải tạo bò giống

Từ chăn nuôi nhỏ lẻ theo hình thức hộ, đến nay trên địa bàn huyện Thăng Bình đã phát triển chăn nuôi bò theo hướng sản xuất hàng hóa. Các gia trại, trang trại dần hình thành và bước đầu phát triển đã cho thấy quy mô ngày càng lớn. Nhiều nông hộ đầu tư nuôi từ 20 con bò trở lên. Ông Lê Văn Để, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Thăng Bình cho rằng, nhận thức của người chăn nuôi đã được nâng lên, họ đã chú ý đầu tư, nhất là phát triển bò lai. Nhờ đó mà hiệu quả thu được từ chăn nuôi càng cao. Tỷ lệ bò lai đã không ngừng tăng lên, từ 37%/ tổng đàn ở năm 2011 tăng lên 53%/tổng đàn năm 2015 và đạt 60%/tổng đàn vào cuối năm 2016. Ngành chức năng cũng đã giúp nông hộ phát triển đàn bò giống bằng cách cải tạo đàn bò cái nền và nhập ngoại giống bò siêu thịt từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp... qua đó nâng cao chất lượng đàn bò tại địa phương. “Trước đây người chăn nuôi chỉ chú ý đến những đặc điểm bên ngoài của con bò như màu sắc, xoáy tích khi chọn con giống, nay họ quan tâm nhiều đến chất lượng cụ thể của con giống như trọng lượng sơ sinh, tầm vóc bê con, khả năng tăng trọng nhanh. Nhờ đó, bò thịt đạt trọng lượng hơn 700kg không còn là xa lạ” - ông Để nói.

Hiện huyện Thăng Bình có tổng đàn bò hơn 21 nghìn con. Nhiều năm qua, các ban, ngành của huyện đã huy động nhiều nguồn vốn mua và hỗ trợ giống bò cái lai sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo. Công tác phối giống cho bò từng bước được cải thiện. Đội ngũ dẫn tinh viên được đào tạo và đào tạo lại để nâng cao tay nghề, sử dụng thuần thục trang thiết bị phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo, tận tình giúp đỡ người chăn nuôi bò. Bên cạnh việc phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, phương pháp phối giống bằng nhảy trực tiếp cũng được quan tâm. Huyện coi trọng hỗ trợ bò đực giống F2 (75% máu Zebu) cho nông dân với hình thức Nhà nước hỗ trợ 50% giá trị con giống. Công tác tập huấn kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn như vỗ béo bò, phát triển trồng cỏ chăn nuôi bò nhốt thâm canh, mô hình chăn nuôi bò cái lai sinh sản cũng mang lại kết quả tốt. Chương trình cải tạo đàn bò không những góp phần nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò địa phương mà còn làm nền tảng cho việc thực hiện chương trình chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong thời gian đến.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT