Mới và hay
Giai thoại âm nhạc kể rằng: Có một nhạc sĩ trẻ đem tác phẩm của mình đến nhờ Franz Schubert (nhạc sĩ người Áo, 1797-1828) thẩm định. Ông xem xong rồi nói: “Nhạc của bạn có nhiều cái hay và nhiều cái mới!”. Anh nhạc sĩ trẻ mừng rơn: “Ngài bảo sao ạ?” - “Gượm đã, tôi chưa nói xong. Tuy nhiên, cái hay thì không mới, còn cái mới thì không hay”(!).
Bức tranh “Chân dung bác sĩ Gachet” của Van Gogh. Ảnh: Internet |
Trong văn học nghệ thuật (VHNT) nói chung, do hai tiêu chí chọn lọc đồng thời “MỚI và HAY” mà trong suốt chiều dài của lịch sử mỹ học, chỉ có một số ít xu hướng, trào lưu, trường phái sáng tác “trụ” lại được lâu dài. Đối với tác giả cũng vậy. Chỉ có những tài năng “xuyên thế kỷ” thì may ra mới để lại những tác phẩm làm nền tảng cho các thế hệ sau kế thừa và phát triển. Còn phần lớn đều là những cái chỉ HAY trong tương quan thời đại của chúng. Khi thời đại qua đi, hoặc chúng sẽ bị lãng quên khi không còn đủ “năng lượng” để tác động vào đời sống tâm lý đương đại, hoặc cùng lắm người ta chỉ thưởng thức chúng với tâm trạng của người… chơi đồ cổ.
Có nhà thơ xứ ta một thời cũng thuộc hàng “cây đa cây đề” ở một vùng, đã từng in hơn một chục tập thơ, từng đi “trình diễn thơ” khắp các diễn đàn. Cho đến một ngày anh chợt nhận ra thơ mình… không biết để làm gì. Anh xót xa than cùng một bạn thơ trẻ: “Hoài công viết vạn câu thừa” – “Thơ hả? Tư tưởng mới đó, đọc tiếp đi anh!” – “Nhưng câu thơ thiếu bao giờ ánh lên?”. Nhà thơ trẻ buông tay, xụi lơ: “Ôi trời! Lại cũ rồi, tiếc quá!” – “Vậy thế này được chăng? Nhưng câu thơ thiếu tôi chưa biết tìm” – “Thế thì nghe chẳng hay”.
Vậy đó, không dễ gì sáng tạo nên một thứ vừa mới vừa hay. Có tác phẩm vừa được biểu diễn xong, khán giả vỗ tay khen HAY nồng nhiệt và đứng dậy ngả mũ ra chào vì ngỡ gặp được thiên tài của… nhiều thế kỷ trước. Có tác phẩm chỉ… MỚI được một lần duy nhất khi nó được giới thiệu rồi… già nhanh. Nghiệt ngã thay! Người thưởng ngoạn thường đòi hỏi quá nhiều nhưng cũng rất chóng quay lưng, có vẻ như là những kẻ bội bạc. Thế nhưng, lỗi đâu thuộc về họ!
Tuy nhiên, lại có những tác phẩm MỚI nhưng mãi về sau người ta mới cho rằng HAY. Nhạc sĩ thiên tài người Đức Johann Sebastian Bach (1685 - 1750), là người đã khai sinh ra “Hệ thống âm thanh điều hòa” gồm 12 cung cách đều nhau như ngày nay. Và để minh họa cho hệ thống này, ông đã sáng tác 48 tác phẩm bao gồm hai thể loại “Dạo khúc” (Prélude) và “Phức điệu” (Fugue). Nhưng thời đó chưa có ai trong giới âm nhạc thấy được giá trị học thuật và nghệ thuật trong tác phẩm của ông. Mãi gần một thế kỷ sau, người ta mới bắt đầu tìm hiểu rồi tôn vinh ông như là “ông tổ” của nền âm nhạc châu Âu. NSND Đặng Thái Sơn, nhạc sĩ biểu diễn piano lỗi lạc của Việt Nam cũng từng phát biểu: “Nếu trong 1.000 năm âm nhạc của nhân loại hãy chọn lấy một người, thì tôi xin chọn Johann Sebastian Bach”. Cũng vậy với các bức tranh của Van Gogh (Danh họa người Hà Lan, 1853 - 1890). Trong 10 năm cuối đời chính thức theo nghề họa, ông đã sáng tác hơn 2.000 tác phẩm nhưng chỉ bán được một bức. Rồi ông đã tự sát trong cảnh bệnh tật, nghèo túng và cô đơn. Đúng 100 năm sau, bức “Chân dung bác sĩ Gachet” (Portrait du Dr. Gachet) của ông đã được bán với giá 82,5 triệu USD vào năm 1990. Những năm sau đó, các bức tranh khác như “Hoa diên vỹ”, “Hoa hướng dương”, “Chân dung tự họa”… cũng đều có giá cao ngất ngưởng.
Trong khoảng vài ba chục năm gần đây, VHNT thế giới tiếp tục xuất hiện nhiều xu hướng, trào lưu sáng tác mới nhưng có lẽ vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm. Nhờ sự hỗ trợ của các phương tiện thông tin, những cái MỚI này đã nhanh chóng được du nhập vào tất cả châu lục. Ở Việt Nam, công chúng cũng có một số người tìm hiểu, thưởng thức, nhưng hình như vẫn còn e dè. Bởi nói thực lòng là khó hiểu thì bị chê là kém cỏi, còn khen HAY lại sợ bị “hố” như kiểu… “xem thơ Quỳnh”. Văn học có “Thơ tân hình thức”, “Truyện ngắn hậu hiện đại”; Âm nhạc có “Rap/ Hiphop”; Hội họa có “Body Painting”; sân khấu có “Múa, Kịch đương đại”…; thậm chí có những loại hình chưa biết xếp vào đâu bèn gọi chung là “Nghệ thuật đương đại” như “Nghệ thuật trình diễn”, “Nghệ thuật sắp đặt”, “Vidéo art”. Gần đây xem tivi có thấy giới thiệu mấy tác phẩm thuộc loại hình “Vidéo art”, trong đó có cảnh vidéo do chính hai đồng tác giả sang tận Hàn Quốc trực tiếp làm diễn viên. Họ cởi trần, nằm sấp quay đầu ngược nhau trên một cây cầu, có thêm hai diễn viên phụ là một nhạc công đứng gẩy đàn mandoline và một thầy thuốc đông y đang ngồi chồm hổm dùng kim châm cứu trên khắp người họ. Bà xã tôi hỏi: - “ Phim gì thế?” - “Không phải phim. Vidéo art đó!” - “Có HAY không?” - “Ờ thì, có khi… sau này sẽ HAY”.
Ờ thì… biết đâu đấy, mười năm, năm mươi năm hoặc trăm năm nữa, những loại hình nghệ thuật MỚI đó sẽ trở thành đỉnh cao của VHNT thế giới. Nhưng lúc này, với thói quen, nhu cầu và thị hiếu của con người đương đại, số đông vẫn chưa thấy HAY. Suy cho cùng, VHNT cũng giống như các lĩnh vực sáng tạo khác như thời trang, phương tiện, cái MỚI thuộc về thời gian vật lý, nhưng cái HAY, ĐẸP, TỐT lại thuộc về tâm lý thời đại, nghĩa là phụ thuộc vào mức độ lĩnh hội và tiếp nhận của cả cộng đồng.
PHAN VĂN MINH