Cần cú hích cho homestay Cù Lao Chàm

NGUYỄN QUANG VIỆT 29/12/2016 09:01

Mô hình homestay ở Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP.Hội An) vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng du lịch, vì thế cần tạo cú hích để phát triển trong thời gian tới.

Dịch vụ homestay ở Cù Lao Chàm còn nhỏ lẻ. Ảnh: N.Q.V
Dịch vụ homestay ở Cù Lao Chàm còn nhỏ lẻ. Ảnh: N.Q.V

Chưa chuyên nghiệp

Cù Lao Chàm là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Các địa danh, di tích, cảnh quan trên đảo và vùng phụ cận đã quyến rũ, tạo điểm đến yêu thích cho du khách trong và ngoài nước. Homestay hay mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng ra đời đáp ứng nhu cầu lưu trú và tham quan, khám phá của khách. Kỳ vọng của chính quyền TP.Hội An, xã đảo Tân Hiệp và người dân địa phương đối với mô hình này là rất lớn, tạo thu nhập ổn định, phát triển kinh tế - xã hội. Hiện Cù Lao Chàm có hơn 100 phòng đón khách theo mô hình homestay với sự tham gia hoạt động của khoảng 50 hộ dân thuộc 3 thôn Bãi Ông, Bãi Hương và Bãi Làng, nhưng theo đánh giá chủ yếu phát triển về lượng, còn về chất thì có nhiều khiếm khuyết, bất cập cần bổ sung, hoàn thiện.

Không khó để nhận thấy, homestay ở xã đảo vẫn còn tồn tại với hình thức phân tán, nhỏ lẻ, tự phát. Đến xã đảo, nếu cần tá túc trong ngày hay ở lại qua đêm, khách chỉ cần tới nơi cung cấp dịch vụ là được chủ mô hình đồng ý ngay mà không cần phải ràng buộc gì. Tình trạng “thiếu chuyên nghiệp” này bắt nguồn từ tâm lý “dễ dãi” của người dân trên đảo. “Ở xã đảo này, hết phương tiện vào đất liền từ trưa nếu là tàu chợ. Với ca nô đi theo tour đoàn thì gần chiều cũng vắng bóng. Vả lại du khách đến đây tham quan, tìm hiểu, vui chơi thế thôi nên không việc gì phải cảnh giác hay có quy định rạch ròi về trách nhiệm. Họ vui thì lần sau sẽ đến dịch vụ của mình ở lại” - một hộ dân thực hiện homestay ở thôn Bãi Hương nói. Chính vì quan niệm dịch vụ “nhẹ nhàng” như vậy nên đã hơn 5 năm trôi qua, các hộ tham gia mô hình vẫn còn lúng túng về chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều khi các chủ hộ homestay không thật sự tìm hiểu về đặc điểm, tính cách, nhu cầu, kỳ vọng, quyền lợi và trách nhiệm của du khách. Đặc biệt, dù TP.Hội An đã nhiều lần tổ chức các lớp tập huấn, trang bị cho người dân về ngoại ngữ, kỹ năng tìm hiểu để tiện trao đổi với du khách nhưng các chủ hộ homestay vẫn chưa mặn mà, hào hứng tham gia.

Phần lớn du khách đến Cù Lao Chàm tự tìm hiểu và chọn cho mình chỗ lưu trú theo nhu cầu chứ chưa có kết nối bài bản từ chính tour tổ chức tham quan giới thiệu. Không có sự thỏa thuận hay hợp đồng với công ty lữ hành nhằm đảm bảo phục vụ du khách tốt nhất nên homestay ở đây vẫn còn trong tình trạng được chăng hay chớ. Thêm nữa, giữa các hộ kinh doanh mô hình cũng đã có những cạnh tranh không lành mạnh, ít nhiều làm ảnh hưởng chung đến “diện mạo” du lịch của xã đảo nói riêng, TP.Hội An nói chung.

Quy hoạch để phát triển

Ông Trần Tấn Dũng - Bí thư Đảng ủy xã đảo Tân Hiệp cho rằng, nhận thấy mô hình homestay hoạt động chưa chuyên nghiệp nên xã đã vận động người dân tích cực trau dồi trình độ ngoại ngữ, các kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đó là biện pháp hữu hiệu để chủ mô hình homestay nắm bắt được nhu cầu của du khách, qua đó điều chỉnh cách phục vụ, cung cấp sản phẩm du lịch homestay vừa phong phú, đa dạng vừa có nét đặc trưng của vùng miền. “Chúng tôi cũng đã tổ chức một số đoàn tham quan, đưa các chủ hộ kinh doanh homestay đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở một số nơi nhằm áp dụng hiệu quả hơn trên thực tế trong thời gian đến. Địa phương cũng đã tham mưu, đề xuất với thành phố có quy hoạch chi tiết cho homestay Cù Lao Chàm phát triển” - ông Dũng nói. Theo đó, địa phương đề xuất thành phố mở rộng không gian lưu trú trên xã đảo và đầu tư cơ sở hạ tầng, giúp người dân thuận tiện hơn trong hoạt động homestay. Ông Dũng cho rằng, điều băn khoăn nhất là địa phương khó huy động nguồn lực lớn để hỗ trợ người dân nên rất cần cấp trên khuyến khích, hỗ trợ cụ thể, giúp người dân tiếp nhận và vận dụng, nâng cao mô hình cả về lượng lẫn về chất.

Theo ThS. Nguyễn Hữu Thành (Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng), để phát triển homestay Cù Lao Chàm, cần sự liên kết chặt chẽ giữa “3 nhà” là chủ hộ kinh doanh homestay, Nhà nước và doanh nghiệp du lịch. Trong đó, Nhà nước giữ vai trò trung gian kết nối. Ngành du lịch địa phương cần thường xuyên tổ chức gặp gỡ, đối thoại giữa các bên để tăng cường liên kết, hỗ trợ cũng như đồng thuận chia sẻ trong cung ứng dịch vụ. Đó là cách quan trọng để tạo sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú. Còn theo ông Nguyễn Văn Dũng (Giảng viên Trường Cao đẳng công nghệ Đà Nẵng), để tạo sản phẩm du lịch homestay phong phú, đa dạng, một mặt ngành du lịch TP.Hội An cần nghiên cứu, đưa thêm các sản phẩm mới vào hoạt động kinh doanh cho các chủ hộ homestay. Mặt khác, kích thích chất sáng tạo để các chủ thể tham gia homestay có ý tưởng kinh doanh mới.

Mục tiêu phát triển dịch vụ homestay ở Cù Lao Chàm không chỉ phục vụ nhu cầu lưu trú mà còn giúp du khách trải nghiệm các sản phẩm văn hóa, tâm linh, phong tục tập quán, ngành nghề truyền thống, biển đảo. Để mô hình phát triển, rất cần những cú hích cụ thể, phù hợp. Xã đảo Tân Hiệp cần xây dựng các cụm cộng đồng homestay có bản sắc riêng, tự nâng cao chất lượng phục vụ, liên kết chặt chẽ với nhau, cùng phối hợp giới thiệu hình ảnh Cù Lao Chàm, tạo động lực phát triển các cụm homestay ngày càng hoàn thiện về lượng và chất.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT