Đoàn kết tạo nên sức mạnh
Cách đây 70 năm, Chi bộ Đảng với tên gọi Hồ Tùng Mậu - tiền thân của Đảng bộ xã Duy Thành được thành lập, từ đó soi đường dẫn lối cho cán bộ và nhân dân địa phương vượt qua gian khó, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong đấu tranh giành độc lập cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng và phát triển.
Khởi sắc diện mạo nông thôn xã Duy Thành. Ảnh: HOÀI NHI |
Tiếp nối truyền thống
Xác định công tác xây dựng Đảng đóng vai trò then chốt và là nhân tố quyết định thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, 70 năm qua, Đảng bộ xã Duy Thành luôn ra sức xây dựng, củng cố tổ chức. Từ chi bộ đầu tiên với 3 đảng viên, đến nay toàn Đảng bộ xã có 8 chi bộ trực thuộc với 193 đảng viên. Trong giai đoạn phát triển mới, nhờ làm tốt công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, xây dựng khối đoàn kết thống nhất nên các mặt xây dựng Đảng ở địa phương chuyển biến rõ nét. Những năm gần đây, việc xây dựng chương trình hành động của đảng bộ, chính quyền địa phương đảm bảo sát đúng tình hình thực tế, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”, Đảng bộ xã Duy Thành đã triển khai nghiêm túc việc tự phê bình và phê bình nhằm nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên.
Ông Trương Công Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Duy Thành cho biết, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là cái gốc của mọi công việc và mỗi cán bộ, đảng viên phải gần dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”, thời gian qua địa phương luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực công tác, luôn hướng về cơ sở nhằm kịp thời nắm bắt nguyện vọng của người dân. Ông Thanh nói: “Điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng ở Duy Thành là mạnh dạn bố trí, đề bạt cán bộ trẻ, cán bộ nữ có đủ phẩm chất, năng lực thực hiện nhiệm vụ và thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Trong 5 năm gần đây, Duy Thành tuyển dụng thêm 5 cán bộ đủ trình độ chuyên môn, phẩm chất đạo đức vào làm việc. Đồng thời cử 29 đồng chí đi học đại học, cao đẳng chuyên môn, cao cấp và trung cấp chính trị nhằm từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Hàng năm, Đảng bộ xã có hơn 84% số đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ, 75% số chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, không có chi bộ yếu kém. Đặc biệt, Đảng bộ xã 4 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, riêng năm 2016 đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu”.
Vững bước đi lên
Ông Lê Trung Thưởng - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Thành cho hay, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều khâu nên thời gian qua kinh tế nông nghiệp của xã tạo được bước đột phá mạnh mẽ. Mỗi vụ, nông dân trên địa bàn sản xuất 330ha lúa, trong đó có gần 60% diện tích hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Nhờ chính quyền địa phương chuyển giao rộng rãi tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực hỗ trợ nông dân đưa những loại giống mới có chất lượng cao vào canh tác đại trà nên 5 năm qua vụ nào năng suất lúa bình quân cũng đạt 62 tạ/ha, tăng hơn 6 tạ/ha so với năm 2011 trở về trước. Cần nói thêm, Duy Thành hiện có 58ha đất màu, nhờ linh hoạt bố trí luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực và một số loại rau quả nên hàng năm nhà nông thu về 85 - 95 triệu đồng/ha. Ngoài ra, toàn xã có 18,5ha mặt nước nuôi tôm nước lợ, mỗi năm cho mức lãi ròng 400 - 500 triệu đồng/ha. Cùng với phát triển kinh tế nông nghiệp, hiện nay toàn xã có 10 cơ sở sản xuất hoạt động trên các lĩnh vực cưa xẻ gỗ, may gia công giày da, chế biến hải sản và một số làng nghề truyền thống như làm bánh kẹo, đan đát, trồng hoa, cào hến… giải quyết việc làm thường xuyên cho 300 lao động với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Kinh tế phát triển kéo theo đời sống của người dân được nâng lên, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3%, giảm 26,65% so với cách đây 5 năm; năm 2016 thu nhập bình quân đầu người đạt 30,8 triệu đồng, tăng 19,8 triệu đồng so với năm 2011.
Thời gian qua, Duy Thành cũng đã huy động tối đa nguồn lực để xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Đưa chúng tôi đi trên tuyến đường ĐH5 rộng thoáng, ông Lê Trung Xuân - Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, để thi công hoàn thành công trình này, ngoài 6 tỷ đồng do Nhà nước đầu tư, còn có sự đóng góp không nhỏ của nhiều gia đình sống dọc hai bên đường. Ông Xuân nói: “Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi thành lập hơn 30 tổ tuyên truyền đến từng khu dân cư và nhà dân vận động nên ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc thi công hạ tầng nông thôn. Đến thời điểm này, Duy Thành đã bê tông hóa hơn 31km giao thông nông thôn (đạt 94%) với tổng kinh phí 21,5 tỷ đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 45%, còn lại do nhân dân đóng góp. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua, người dân trên địa bàn xã đã hiến tổng cộng 2.300m2 đất ở và dỡ bỏ gần 100 tường rào cổng ngõ kiên cố để tạo thuận lợi cho việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông”. Cùng với đó, cơ sở vật chất trường lớp cũng được địa phương quan tâm xây dựng khang trang, nhờ đó chất lượng giáo dục không ngừng nâng lên. Trạm Y tế xã đáp ứng tốt nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu với 1.788 hộ được công nhận gia đình văn hóa (chiếm 95%)… “Có được thành quả như hôm nay là nhờ Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn đoàn kết thống nhất, năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Và, điều quan trọng là biết lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân” - ông Xuân khẳng định.
Đi vào lịch sử quê hương Nắng hanh hao sau những đợt mưa dầm, chúng tôi đến thăm ngôi nhà nhỏ của ông Lê Nhiếp ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành (Duy Xuyên). Ông Nhiếp đã mất từ lâu, ngôi nhà do người con dâu coi sóc. Ít ai biết rằng, 70 năm trước, vào ngày 4.1.1947, chính trong ngôi nhà này các đồng chí Nguyễn Chiến - Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên, Trương Cảnh - Huyện ủy viên đã tổ chức lễ kết nạp Đảng cho 3 đồng chí là nòng cốt của phong trào cách mạng ở địa phương và quyết định thành lập Chi bộ Đảng lấy tên Hồ Tùng Mậu, do đồng chí Lê Nhiếp làm Bí thư chi bộ. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều tên đất, tên người mãi mãi đi vào lịch sử của quê hương Duy Thành như biểu tượng của tinh thần chiến đấu ngoan cường, quả cảm, của tình đoàn kết quân dân. Toàn xã có hơn 553 liệt sĩ, 370 thương bệnh binh, 128 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 185 dũng sĩ diệt Mỹ. Nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Chiến sĩ giải phóng… Đặc biệt, Đảng bộ và nhân dân Duy Thành vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 18.11.2000. Ngày 29.11.2011, xã Duy Thành phát động xây dựng nông thôn mới. Thời điểm đó, địa phương chỉ đạt 5 tiêu chí và đến nay đã hoàn thành 15 tiêu chí. Trong 5 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn huy động, địa phương đã đầu tư hơn 86 tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó ngân sách từ các cấp xấp xỉ 65 tỷ đồng, doanh nghiệp và hợp tác xã 7,6 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình và dự án khác gần 11 tỷ đồng, nhân dân đóng góp hơn 2,6 tỷ đồng. Từ nay đến cuối năm 2017, Duy Thành phấn đấu hoàn thành 4 tiêu chí còn lại (gồm: chợ nông thôn, bưu điện, cơ sở vật chất văn hóa, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên) để về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình đặt ra. |
HOÀI NHI