Về quê sau lụt

SONG ANH 29/12/2016 08:47

Về quê khi trời vừa hửng nắng sau hai cơn lụt. Con đường nhỏ vẫn chưa kịp ráo bùn đất. Dân quê mình vẫn chưa kịp hoàn hồn vì mưa lụt đổ xuống ngay vào tháng ngày cuối năm.

Các mẹ gánh rau, nước đầu nguồn Thu Bồn.
Các mẹ gánh rau, nước đầu nguồn Thu Bồn.

Vậy là đã bắt đầu tháng Chạp. Mùa này của những năm trước, đã rôm rả chuyện hoa màu vụ tết. Khoảnh đất trước nhà đã ươm xanh những luống rau cải, rau ngò. Cả những cây hoa cũng “nóng lòng” trổ vài nụ sớm không chờ tiết xuân. Người ở quê cũng đã tất bật chuyện bán buôn, bánh mứt, áo quần con trẻ… Nhưng tháng Chạp này, từ người làm nông đến người chạy chợ, chỉ nghe những tiếng thở dài sườn sượt đợi trời nắng hửng. Bà mẹ quê chắt chiu từng hạt giống mùa trước, đất vừa bươn ra, giống vừa gieo xuống, thắc thỏm ngày giờ để đợi nhổ khoảnh rau quê ra chợ, đã vội phải buông tay, để dọn lụt. “Oái ăm! Qua cơn tháng Mười còn lụt. Mất hết!”. Dân gốc rạ chỉ nói có vậy, mà nghe xót xa tới tận đâu đâu. Có bà cô làm giá sạch có tiếng của vùng, hơn tháng này nghỉ hẳn. “Bãi sông, nước giờ vẫn ngang hông, cát đâu mà làm con”. Rồi vợ chồng lại bươn bả chăm vườn. Đất bên sông trở mình làm du lịch, chỉ thấy người tới hỏi ất ơ, chứ một đồng kiếm được cũng từ làm rau, làm giá mà ra.

Quê ở núi, nhưng lại là vùng trũng thấp. Chỉ cần vài ngày mưa thiệt bự, đã bị cô lập. Người sống hoài ở đó, riết rồi quen. Thấy một cơn bão đài báo sắp tới, là biết phải chuẩn bị ít gói mì tôm, vài lạng cá khô. Thấy sau đỉnh núi Chúa chớp lóe liên tục, là vội vã điện thoại cháu con, cuối tuần này đừng về nghe con, mưa lớn dông sét dữ lắm. Vậy rồi, sau mưa lụt, cũng đùm đề xách này túi kia, gửi xe vài ba chặng, để con ở phố “ăn ngon”. Hai tiếng “ăn ngon” chỉ để dành cho cháu con. Hai tiếng “ăn ngon” của người già ở quê, coi vậy, mà chứa bao nhiêu là ân tình. “Đồ ở quê mình, có xấu xí chút, cũng an toàn con nghe…”. Vậy là túm tụm mớ rau vườn, miếng thịt heo chia nhau mỗi nhà một ít, mấy chục trứng gà chắt chiu cũng chỉ để gửi cháu con ở phố. Có bữa về quê không báo, lên nhà thấy hai người lớn ngồi ăn với nhau, chỉ có chén mắm với đĩa đậu khuôn, hỏi chớ ba má ăn chay à? Người già hơn nói người trẻ hơn một chút, ăn vậy cho dễ tiêu, mà mình nước mắt không đâu ướt nhòe.

Mình đọc đâu không nhớ, viết vào sổ tay cái đoạn như vầy: “Có một dòng sông một bờ là cha mẹ và quê hương, bờ kia là con cái và cuộc sống riêng tư. Có kẻ nào trưởng thành mà chẳng vậy, ngụp lặn, mải mốt bơi qua lại giữa hai bờ. Cho đến lúc cha mẹ mất, một bờ sụp đổ, quên lãng. Cho đến lúc con cái trưởng thành, một bờ đã dựng vách cao, không cần ta tới nữa. Giật mình, ngay giữa dòng, thấy mình già và không còn đích để bơi. Chỉ còn hai lựa chọn: nằm ngửa, bơi nhẹ xuôi dòng; hoặc tới chỗ nước nông, bấm chân xuống bùn, im lặng chờ rong rêu bám...”.  Mình chừ trưởng thành mưu thân lập nghiệp xa quê, chăm cho một gia đình nhỏ, cũng hiểu phần nào cái ý niệm “miếng ngon” mà người già ở quê chia sớt. Mình rồi sau này, cũng sẽ cụm nụm chắt chiu như ba má bây giờ, và chắc rồi, cái buồn của hai người già ở trên ngọn đồi, còn con cái thì xa xôi, thèm tiếng một đứa trẻ nít bi bô, mình cũng sẽ tới đoạn đó. Chỉ mới nghĩ vậy thôi, mà vừa trở ra phố, đã muốn quay xe ngược về quê.

Quê mình sau lụt, xơ xác hoang tàn. Mà chắc vùng nào cũng vậy. Tới cây bông sậy mọc đầy triền núi, năm ngoái nở trắng xóa, mình dừng lại chụp tấm ảnh khoe bè bạn về xứ sở thần tiên trên đỉnh núi của mình, bữa nay còn không buồn vươn ra hẻm đá. Dân mình nói lụt vậy cây cối nào chịu thấu. Chịu không thấu nên người trẻ ra đi. Làm thợ hồ, công nhân, khuân vác, bán buôn… ở thành phố. Để quê lại cho người già. Để những cơn lụt chướng cho người bám đất tảo tần gồng gánh vét nốt mớ bùn non đọng lại. Bạn bè mình cũng ra đi. Ai cũng ngóng về thành phố, ngay từ những ngày lội bùn đi học, những ngày vét than vụn để bán mua sách, những ngày dắt trâu lên núi để tranh thủ chặt củi gùi về… Dù ra phố ở, cũng cực khổ chẳng khác chi làm nông ở nhà. Nhưng phải ra đi, để biết khi quay về, mình còn đó một quê hương.

Về quê sau lụt, để tiễn một người ra đi trong cơn lụt. Đi ở đâu thì cũng như nhau, nhưng đi như ông bạn ấy, có lẽ vừa lòng. Vì ra đi còn nhận những ấm cúng từ xóm làng, từ người cật ruột. Rốt cuộc thì, người lang thang ẩn dật mọi nơi mọi chốn, tung hoành bốn phương tám bề, rồi tới ngày cuối, cũng muốn về lại bên mẹ cha, nghe sóng sông vỗ vào bờ, nghe người ở quê ra vô thăm hỏi...

Ra sau vườn nhà, cúi xuống nhìn một mầm cây bé dại đang tách bùn vươn lên…

Rồi sớm mai này, tôi lại phải rời quê…

SONG ANH

SONG ANH