Giao thông gặp khó vì lũ cuốn trôi cầu
Trận lũ lên nhanh kèm theo nước sông chảy xiết, cuốn trôi và làm hư hại cả cây cầu phao bắc qua hai bờ sông Vu Gia, thuộc địa bàn thôn Phú Lộc, xã Đại An, Đại Lộc. Đây là sản phẩm mà ông Lê Tất Dũng (SN 1965) đã cất công xây dựng từ mấy năm trước.
Cây cầu phao đã gãy đôi chìm sông, trôi gần hết thùng phuy, thiệt hại cả trăm triệu đồng. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Năm 2012, “cây cầu mơ ước” được ông Dũng dày công làm trong vài tháng ròng, là công trình mà “kỹ sư chân đất” này tạo ra với tất cả số tiền dành dụm làm nhà mà ông tích cóp suốt 20 năm. Nhiều người tỏ ra cảm kích trước tấm lòng của ông, song cũng không ít người lo ngại vì ông nông dân “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này biết tìm đâu ra số tiền 300 triệu đồng để sửa sang, làm lại căn nhà vốn đã xuống cấp trầm trọng. Mặc kệ, ông Dũng vui với những việc mình đã làm. Cầu xong, người dân Đại An, Đại Cường đi làm đồng có thể chạy xe máy qua lại dễ dàng; nông sản thay vì trước kia phải chở bằng ghe đò về làng thì nay có thể chở bằng xe máy. Nhìn cảnh bà con qua lại tấp nập và cảnh học sinh đi học qua lại trên cây cầu mới, niềm vui trong lòng ông Dũng nhân đôi. Bởi bản thân ông đã nhiều lần chứng kiến cảnh người dân đối diện với “tử thần” trên những chiếc ghe nan mùa nước lớn hay từng có những vụ đuối nước thương tâm đến từ người đi làm đồng hay học sinh qua lại khúc sông này.
Song, niềm vui của ông Dũng chỉ kéo dài được vài năm. Trận lũ về chớp nhoáng trong đêm đã cuốn phăng cây cầu. Sức tàn phá của lũ khiến chiếc cầu có chiều dài 87m, mặt cầu rộng 2m, tải trọng 750kg, được làm từ 146 cái thùng phuy, 1,8 tấn sắt làm sườn cầu, 4m3 gỗ ván lát mặt cầu, 300m dây cáp, 2 trụ bê tông 20m3... bị bẽ gãy làm đôi, các thùng phuy trôi mất, còn sắt thì gãy chìm dưới sông. “Nước lớn nhanh quá, tôi không kịp trở tay. Chứng kiến cây cầu của bà con nông dân mình bị trôi mà tôi rụng rời tay chân” - ông Dũng xót xa. Được biết, để khắc phục, ông Dũng phải thuê tời trục toàn bộ dầm sắt từ sông lên, những đoạn sắt bị gãy buộc phải mua sắt mới thay thế, hàn lại, có thể sẽ phải mất cả chục ngày mới xong việc. Song, khó khăn nhất là lấy đâu ra tiền mua sắt, thùng phuy để làm lại cầu? “Nhìn bà con bị tàn phá, hư hại hết hoa màu sau lũ, cầu thì bị hư hại mọi người đều xót xa. Tôi muốn làm nhanh lại cầu để bà con qua lại dọn dẹp, cải tạo đồng áng, song lúc này không còn lấy một đồng trong túi. Tôi đã làm đơn cầu cứu cơ quan chức năng rồi” - ông Dũng tâm sự.
Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An xác nhận, trận lũ vừa qua đã làm hư hỏng cây cầu phao Phú Lộc với thiệt hại cả 100 triệu đồng. Lũ còn làm chìm một chiếc ca nô của anh Lê Tất Dũng. Hiện chính quyền địa phương làm báo cáo gửi đến các cấp để xin hỗ trợ, giúp đỡ bà con nông dân sau trận lũ vừa qua. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đang vận động các mạnh thường quân để có kinh phí sửa lại cầu phao cho người dân đi.
TRIÊU NHAN