Đưa nghị quyết của HĐND vào cuộc sống: Khởi đầu từ khâu dự thảo

NGUYỄN HOÀNG MINH 27/12/2016 10:00

Để các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành đi vào cuộc sống với những cơ chế, chính sách phù hợp thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực… đòi hỏi ở rất nhiều vấn đề. Trong đó, đầu tiên phải nói đến khâu soạn dự thảo, đây cũng là khâu còn bộc lộ điểm yếu hiện nay…

Tại Kỳ họp thứ 3 (từ ngày 6 đến 8.12.2016), HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua 27 nghị quyết liên quan đến quy hoạch, cơ chế quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ảnh: NG.ĐOAN
Tại Kỳ họp thứ 3 (từ ngày 6 đến 8.12.2016), HĐND tỉnh khóa IX đã thông qua 27 nghị quyết liên quan đến quy hoạch, cơ chế quản lý, điều hành trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Ảnh: NG.ĐOAN

Chưa phân biệt rõ văn bản

Nhiệm kỳ 2011 - 2016, HĐND tỉnh đã ban hành 204 nghị quyết, trong đó gần 70% nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Việc ban hành nghị quyết QPPL về cơ bản bảo đảm nội dung, thể thức, trình tự thủ tục theo luật định; phần lớn nghị quyết được triển khai thực hiện nghiêm túc và mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống xã hội. Tuy vậy, vẫn còn một số nghị quyết có những nội dung chưa bảo đảm điều kiện thi hành, chủ yếu là nguồn lực để thực hiện. Việc thẩm định của cơ quan chuyên môn đối với dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh có lúc chưa thấu đáo, thậm chí có trường hợp không xác định rõ nội hàm của văn bản QPPL. Kỹ thuật xây dựng văn bản QPPL của cơ quan soạn thảo còn bất cập, cấu trúc văn bản, văn phong thể hiện không phù hợp…

Xét về nguyên nhân những tồn tại trên, trước hết do quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 có nhiều khái niệm chưa rõ, hiểu theo cách nào cũng được. Từ đó dẫn đến tồn tại quan niệm cho rằng văn bản QPPL hay không phải là QPPL cũng như nhau; kéo theo việc các cơ quan đề nghị vào chương trình xây dựng nghị quyết dưới dạng văn bản QPPL mà không cần biết văn bản đó có được ban hành theo trình tự thủ tục luật định hay không. Đây là nguyên nhân căn bản, cốt lõi nhất. Mặt khác, không ít trường hợp vận dụng hình thức văn bản được ban hành của Quốc hội vào việc xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND tỉnh.

Theo quy định, việc thẩm định dự thảo nghị quyết QPPL là khâu bắt buộc, nhưng không ít trường hợp còn hình thức, đối phó. Đối với cơ quan soạn thảo, việc trình hồ sơ thẩm định không bảo đảm về thành phần hồ sơ, thời gian theo quy định. Đối với cơ quan thực hiện thẩm định, do số lượng văn bản cần thẩm định nhiều, áp lực về mặt thời gian; mặt khác, trình độ chuyên môn của cán bộ chưa bao quát hết các lĩnh vực, ngành cần thẩm định nên không bảo đảm theo yêu cầu luật định. Do đó, công tác thẩm tra của các ban HĐND tỉnh phải được đặc biệt quan tâm; cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm từng thành viên của ban được Thường trực HĐND tỉnh phân công chủ trì thẩm tra dự thảo nghị quyết. Mỗi thành viên phải dành thời gian thỏa đáng cho việc nghiên cứu hồ sơ, tài liệu, trao đổi với người có chuyên môn sâu, am hiểu về các vấn đề liên quan đến dự thảo nghị quyết. Các ban còn phải tổ chức hoạt động khảo sát với thời lượng và quy mô phù hợp để xử lý thông tin trước khi tiến hành phiên họp thẩm tra.

Không chấp nhận dự thảo chưa bảo đảm

Những tồn tại, hạn chế trên sẽ được khắc phục nếu thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Tuy vậy, việc thay đổi tư duy, cách làm văn bản QPPL theo Luật Ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND năm 2004 sang tư duy và cách làm theo Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015 đòi hỏi sự quyết tâm cao của các tổ chức, cá nhân liên quan. Trước hết, cần phân loại, xác định ngay từ đầu nghị quyết nào là văn bản QPPL hoặc không phải là văn bản QPPL để triển khai thực hiện một cách hợp lý. Hiện nay, các căn cứ pháp lý để xác định văn bản QPPL đã khá rõ theo các Điều 2, 3, 28 của Luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Việc phân loại, xác định ngay từ đầu sẽ giúp các cơ quan liên quan có kế hoạch chuẩn bị hợp lý, chu đáo, chặt chẽ, đúng pháp luật đối với từng loại văn bản. Trước khi dự thảo, phải đánh giá việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trước đó; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội ở địa phương liên quan đến nội dung dự thảo; thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến đối tượng chịu tác động của chính sách trước khi lập đề nghị xây dựng ban hành nghị quyết (đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới). Thực hiện tốt các yêu cầu này sẽ thỏa mãn điều kiện về sự cần thiết, phù hợp, khả thi trong ban hành cơ chế, chính sách.

Tuy nhiên, lâu nay cơ quan chủ trì soạn thảo chưa quan tâm nhiều đến nội dung trên, trước khi đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Đã có nhiều chính sách, cơ chế đặc thù có tác động lớn đến đời sống xã hội và nhiều đối tượng thụ hưởng được UBND tỉnh đề xuất vào chương trình kỳ họp HĐND tỉnh, song vẫn không tránh khỏi tồn tại, hạn chế đã nêu. Từ đó đòi hỏi Thường trực HĐND tỉnh phải quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện đúng quy định của luật, kiên quyết không chấp nhận các đề nghị xây dựng nghị quyết QPPL chưa thực hiện việc sơ kết, tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách trước đó. Thực hiện tốt việc này không chỉ bảo đảm việc xây dựng và ban hành nghị quyết QPPL đúng theo quy định của luật mà còn bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của nghị quyết. Ngoài ra, việc xây dựng dự thảo nghị quyết cần có sự tham vấn của các chuyên gia am hiểu về kỹ thuật lập quy, về ngành, lĩnh vực và đối tượng chịu tác động của chính sách, góp phần nâng cao chất lượng nội dung nghị quyết của HĐND tỉnh.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là việc soạn thảo văn bản của UBND tỉnh áp dụng nghị quyết có chứa QPPL của HĐND tỉnh phải được tiến hành song song với soạn thảo nghị quyết của HĐND tỉnh. Điều này giúp cho việc triển khai, đưa nghị quyết của HĐND tỉnh đi vào cuộc sống nhanh hơn, khắc phục độ trễ văn bản áp dụng của UBND tỉnh.

NGUYỄN HOÀNG MINH

NGUYỄN HOÀNG MINH