Đối thoại chính sách pháp luật với người dân

THÚY SƯƠNG 26/12/2016 10:21

Một trong những cách tuyên truyền pháp luật được triển khai có hiệu quả ở Tam Kỳ trong những năm qua là tổ chức đối thoại về chính sách pháp luật với người dân trên địa bàn thành phố.

Một buổi đối thoại về chính sách pháp luật do thành phố Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: THÚY SƯƠNG
Một buổi đối thoại về chính sách pháp luật do thành phố Tam Kỳ tổ chức. Ảnh: THÚY SƯƠNG

THAY vì tổ chức các hội nghị trợ giúp những đối tượng được quy định trong Luật Trợ giúp pháp lý, Phòng Tư pháp TP.Tam Kỳ đã tổ chức các buổi đối thoại với người dân, không hạn chế đối tượng, bất kỳ ai có nhu cầu, vướng mắc về pháp luật cần được trao đổi, giải đáp đều có thể tham dự. Từ năm 2014 đến nay, Tam Kỳ đã tổ chức gần 90 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân ở 13 xã, phường và các thôn, khối phố trên địa bàn thành phố. Nhiều ý kiến tại các buổi đối thoại tập trung vào những vấn đề về chính sách pháp luật đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, người có công, hộ tịch, hộ khẩu… Các buổi đối thoại do thành phố tổ chức có đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên môn của thành phố và xã, phường để có thể trả lời ngay câu hỏi, vướng mắc pháp luật của người dân. Đến dự các cuộc đối thoại, người dân đã được chia sẻ, giải thích cặn kẽ những vướng mắc trong chính sách pháp luật nên hoạt động này được đông đảo người dân tham gia.

Điển hình như trường hợp ông Trương Kỉnh, 95 tuổi, trú tại khối phố Đông An, phường Hòa Thuận. Năm 1947, ông Kỉnh tham gia bộ đội, năm 1964 ông bị địch bắn bị thương; năm 1965 trên đường công tác, ông bị địch phục kích và bắt giam. Sau đó, ông bị địch tra tấn bắn vào gót bàn chân trái. Vì không có hồ sơ gốc nên qua nhiều năm ông không được xác lập hồ sơ giải quyết chế độ thương binh dù có vết thương thực thể. Nhân buổi đối thoại chính sách pháp luật với nhân dân, lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH thành phố đã hướng dẫn cụ thể, giúp ông Kỉnh hưởng chế độ thương binh theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22.10.2013 về hướng dẫn xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ. Đó chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân được giải đáp thắc mắc, hướng dẫn chính sách trong các buổi đổi thoại pháp luật. Hình thức này là cách phát huy hiệu quả của hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động.

Một cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý cho hay, trong các buổi đối thoại, do đối tượng tham gia đông, câu hỏi đặt ra nhiều, thuộc mọi lĩnh vực và yêu cầu phải trả lời ngay, nên đòi hỏi người tham gia đối thoại để giải đáp cho bà con phải có sự chuẩn bị tốt, nắm vững quy định của pháp luật để trả lời. Ông Bùi Ngọc Ảnh - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ - Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố cho biết: “Đối thoại chính sách pháp luật với nhân dân là một cách làm hiệu quả, thành phố nhận được nhiều tín hiệu vui từ phía nhân dân qua việc tổ chức thực hiện hình thức tuyên truyền pháp luật này. Trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng mô hình hiệu quả nói trên”.

Từ kết quả các cuộc đối thoại trực tiếp cho thấy, đây thực sự là cầu nối để nhân dân được tiếp cận và trực tiếp bày tỏ với người đứng đầu các ngành chức năng có liên quan về những tâm tư nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất chính đáng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đây cũng chính là giải pháp tuyên truyền, vận động hiệu quả, thiết thực, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào các cấp chính quyền ở địa phương.

THÚY SƯƠNG

THÚY SƯƠNG