Về thôi, người anh em!
Giữa tháng 12, mưa giăng tứ phía, hành trình đi và về vẫn mải miết như không muốn làm chậm phút giây nào để đưa các anh về đất mẹ sau gần 40 năm yên giấc nơi xứ người.
Đưa quách chứa hài cốt liệt sĩ lên xe để di chuyển về Quảng Nam. Ảnh: XUÂN THỌ |
Và, suốt cuộc hành trình ấy, họ - những người đi tìm hài cốt đồng đội, những thân nhân của liệt sĩ - không ít lần bỏ mặc nước mắt lăn dài trên gò má lam lũ…
Từ ký ức khói lửa…
Chúng tôi xuất phát từ Thăng Bình - nơi có nhiều hài sốt liệt sĩ sẽ đưa về trong chuyến này - khi tia sáng mặt trời của ngày đông còn chưa tỏ mặt người. Mưa như trút, dai dẳng bám theo chúng tôi đến tận tỉnh Tây Ninh. Trên xe, ai cũng như ngồi trên đống lửa, liên tục gọi về nhà hỏi nước lụt dâng tới đâu. Với những người trong Ban liên lạc Trung đoàn 96 Quảng Nam, thì thêm một nỗi lo, tất nhiên là liên quan đến việc đưa hài cốt của đồng đội về quê. Rồi từ nỗi lo ấy, ký ức một thời khói lửa chạy về. Trên khóe mắt, hình như ươn ướt. Trong những năm 1977 - 1980, có đến hàng ngàn thanh niên Quảng Đà khăn gói đến chiến trường Tây Nam, rồi sang Campuchia để giúp nước bạn thoát nạn diệt chủng do Pôn Pốt - Iêng Xa-ri. Bấy giờ, Việt Nam chỉ vừa mới hoàn toàn giải phóng, đất nước còn ngổn ngang. Vậy, mà vẫn đi giúp bạn. Họ đã bước về nơi khói lửa, vì ở đó có người anh em đang lâm nạn. Việt Nam, Lào và Campuchia - 3 nước Đông Dương, dẫu gì cũng đã sát cánh bên nhau chống thực dân, đế quốc. Đã cùng khóc chung một nỗi đau đất nước bị giày xéo, đã từng cười chung một niềm vui chiến thắng, thì làm sao có thể ngoảnh mặt trước họa diệt vong đó của Campuchia. Họ gọi đó là nhiệm vụ quốc tế!
Với Đại tá Nguyễn Quang Ngọc - nguyên Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân sự huyện Tây Giang, cái năm tháng sát cánh cùng đồng đội ở chiến trường này, hình như vẫn còn như mới. Năm 1978, chàng lính của Trung đoàn 96, Sư 309 đến chiến trường Campuchia, và 5 năm sau, ông mới rời chiến trường này. Trong suốt quãng thời gian đó, ông đã chứng kiến rất nhiều đồng đội hy sinh. Đầy máu và nước mắt. “Ở chiến trường, cái chết luôn chực chờ. Có những anh em, vừa nằm chung giấc ngủ đó, một chặp sau thì hy sinh; thậm chí, có người hy sinh trong khi miệng vẫn còn đang ngậm miếng bánh tét cắn dở” - Đại tá Ngọc nhớ lại. Trong khi đó, cựu chiến binh Phạm Đăng Tiến tâm sự rằng, chuyến đi này ông sẽ gặp lại người đồng đội “đặc biệt” của mình, liệt sĩ Võ Đức Sinh (quê Duy Xuyên). Đặc biệt là vì, trong trận đánh lớn 1979, cả đơn vị của ông Tiến, chỉ có một người hy sinh, là Võ Đức Sinh. Và, ngày liệt sĩ Sinh về lại đất mẹ Quảng Nam sau chuyến đi này, cũng khá đặc biệt, là phải dùng đến ca nô để đưa hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang huyện Duy Xuyên, do đoạn đường từ quốc lộ 1 lên đã bị ngập sâu trong đợt lũ lớn - đợt lũ thứ 2 của tháng 12.2016.
Với người lính, chuyện hy sinh trên chiến trường là điều khó tránh khỏi, và chừng như họ đã chuẩn bị tâm lý “đón nhận” nó như một sự tất yếu trước khi đi vào nơi đầy khói lửa này. Nhưng nỗi đau lớn nhất của người ở lại - những đồng đội còn sống, là thấy thi thể của đồng đội mình nằm đấy, mà không cách nào để giành lại từ tay kẻ thù. Làm nghĩa vụ quốc tế, người lính còn thêm một nhiệm vụ khác, là bằng bất cứ giá nào, cũng phải mang được xác đồng đội về sau mỗi trận quyết chiến. “Địch biết điều đó, nên giăng bẫy, mà cụ thể là cài bom mìn rất nhiều xung quanh thi thể đồng đội của chúng tôi đã hy sinh. Nếu không khéo, thì không những không lấy được thi thể của đồng đội, mà mình cũng bỏ mạng. Nếu anh từng thấy điều đó, thì sẽ hiểu vì sao ký ức đau thương này không phai nhạt trong chúng tôi” - Đại tá Ngọc tâm sự.
Khói lửa rồi cũng bị dập tắt. Nhưng nỗi đau thì lại âm ỉ mãi. Để rồi họ - những người tự nhận mình là những kẻ may mắn - đau đáu với tâm nguyện đưa đồng đội của mình về lại quê nhà, vì không thanh thản với giấc ngủ tạm của đồng đội đang đâu đó. Để rồi từ ý nghĩ ban đầu là chỉ gặp nhau, họ bàn với nhau đi tìm hài cốt đồng đội, giúp gia đình đồng đội đang trong cơn khó khăn. Còn chuyến đi này, là chuyến thứ hai của năm nay.
…Đến những giọt nước mắt
Xe dừng bánh ở Nghĩa trang liệt sĩ Châu Thành - TP.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), những thân nhân liệt sĩ tất tả tìm nơi người thân mình đang nằm. Lúc ấy trời đang mưa nhỏ, nên tôi không biết họ có khóc hay không, chỉ thấy khóe mắt đã ửng đỏ. Tất cả thân nhân trong chuyến đi này, đều có chung một hoàn cảnh là nghèo khó, không thể tự mình đi tìm người thân, nên khi đến đây họ như vỡ òa phút giây đoàn tụ, dù là không trọn vẹn. Riêng với ông Phạm Tiến Bộ (quê Thăng Bình, hiện sống ở Đà Nẵng) thì còn một niềm vui lớn, là biết anh ruột của mình - liệt sĩ Phạm Văn Hương - vẫn còn hài cốt sau khi hy sinh. “Năm 1978, gia đình nhận được giấy báo tử anh Hương hy sinh, giấy cũng báo rằng anh được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đức Cơ (Gia Lai) và không còn thi hài. Vậy mà mới đây, khi nghe các anh trong ban liên lạc báo tìm được nơi anh đang nằm và có hài cốt, gia đình đã không cầm được nước mắt, bởi đó là niềm an ủi lớn lao” - ông Bộ xúc động.
Hai thân nhân òa khóc bên hài cốt liệt sĩ tại Nghĩa trang huyện Thăng Bình. Ảnh: XUÂN THỌ |
Suốt cả buổi chiều và tối hôm ấy, họ lặng lẽ mang áo mưa, cầm dù ra phần mộ của người thân. Sáng sớm hôm sau, mưa to hơn khiến không ít người khóc vì sợ quá trình hốt và di chuyển hài cốt sẽ bị ảnh hưởng. Không biết là trời thương, hay là các anh phù hộ, đến lúc hốt hài cốt thì trời chỉ còn mưa lác đác. Và mãi đến khi cả đoàn lên xe về TP.Hồ Chí Minh, thì trời mới đổ mưa lại. Đêm các anh nằm ở chùa Huê Nghiêm (quận Thủ Đức), từng người thân lặng lẽ đứng bên quách và khóc. Một người đàn bà luống tuổi quê Tiên Phước, đã nói: “Biết ảnh nằm đó (ở Tây Ninh - PV), nhưng nhà nghèo quá, mấy chục năm nay mới đi thăm ảnh được vài ba lần, nên ý nghĩ đưa anh về cứ đau đáu mãi, vì phải tốn vài ba chục triệu lận. Thức với anh đêm nay, qua ngày mai, chúng tôi sẽ gần bên nhau mãi mãi…”.
Lúc khởi hành trời mưa. Lúc về, trời lại còn mưa to hơn. Tôi bước xuống Nghĩa trang liệt sĩ huyện Thăng Bình, người thân của họ dầm trong mưa chờ sẵn. Và, họ lại khóc, bên những chiếc quách chứa hài cốt. Giờ thì tôi có thể hiểu, đó là những giọt nước mắt của niềm an ủi, dù phải nhắc lại, là của cuộc đoàn tụ không trọn vẹn. Trong phút giây đầy cảm động ấy, những người đồng đội - những người vừa vượt cả ngàn cây số để hoàn thành chuyến đi này - cũng không thể kìm được cảm xúc. Đứng trước micro, Đại tá Ngọc phải mất gần cả phút đồng hồ mới nén được nức nở. Phía dưới, những đồng đội năm xưa của ông, và cũng là người cùng sát cánh bên ông chuyến đi này, cũng không thể ngưng được nước mắt.
Xe rời Thăng Bình để đưa liệt sĩ Võ Đức Sinh về Duy Xuyên. Nước lũ chưa rút, đường từ quốc lộ 1 lên Nghĩa trang liệt sĩ huyện Duy Xuyên còn ngập sâu. Ngồi trên xe, ông Tiến - người đồng đội cùng đơn vị năm xưa với liệt sĩ Sinh - đôi mắt đỏ hoe. Để rồi, nước mắt ông hòa lẫn nước mưa, khi mang quách đưa hài cốt đồng đội xuống ca nô để chở về nghĩa trang. Trong khoảnh khắc mưa như trút ấy, tôi nghe thấy lời người cựu binh vỗ về: “Về nhà thôi, người anh em!”.
Ghi chép của XUÂN THỌ