Nổi lên thể thao phong trào

ANH SẮC 24/12/2016 08:05

Năm 2016 sắp khép lại. Trong một năm mà thể thao thành tích cao khá lặng lẽ do không có những giải đấu lớn, thì thể thao phong trào lại nổi lên như một điểm sáng với nhiều hoạt động sôi nổi và kết quả lạc quan.

Hình ảnh khán giả chật kín khán đài sân vận động Hội An tại giải bóng đá vô địch tỉnh. Ảnh: A.SẮC
Hình ảnh khán giả chật kín khán đài sân vận động Hội An tại giải bóng đá vô địch tỉnh. Ảnh: A.SẮC

Trước hết, đó là lần đầu tiên tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc năm 2016, thể thao học đường đất Quảng đã làm “lác mắt” các địa phương bạn bằng thành tích “vô tiền khoáng hậu” khi “ẵm” 8 huy chương vàng bơi lội, 6 huy chương vàng cầu lông. Từ trước đến nay, chưa bao giờ học trò Quảng Nam giành vàng tại sân chơi 4 năm diễn ra 1 lần này. Thế nên, kết quả có được trong năm 2016 cho thấy có một sự thăng tiến mạnh mẽ, thậm chí có thể coi là một sự bứt phá ngoạn mục của thể thao học trò.

Song, nhìn lại sẽ thấy không phải ngẫu nhiên mà học trò Quảng Nam gặt hái được thành tích đặc biệt xuất sắc này. Nhiều năm trước đó, thể thao học đường là câu chuyện buồn “biết rồi, nói mãi” khi thiếu sự quan tâm từ ngay cả bản thân ngành GD-ĐT. Để có 8 huy chương vàng bơi lội, trong những năm qua, phong trào bơi lội đã nhận được sự đầu tư khá lớn. Ví như, chính quyền thị xã Điện Bàn ưu ái đầu tư 8,5 tỷ đồng xây dựng 3 hồ bơi. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi phục vụ nhu cầu của người dân (hiện cả tỉnh có 32 hồ bơi, bể bơi, trong đó tập trung nhiều nhất tại các địa phương Tam Kỳ, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An). Kể từ Đại hội TD-TT tỉnh Quảng Nam lần thứ VI năm 2008, môn bơi lội đã được đưa vào chương trình thi đấu. Về phần mình, ngành GD-ĐT cũng đã chính thức ghi tên bơi lội vào nội dung chương trình Hội khỏe Phù Đổng toàn tỉnh. Môn cầu lông cũng vậy. Có được thành quả vừa qua là sự đầu tư dài hơi của ngành GD-ĐT trong việc phát triển phong trào cũng như sự hỗ trợ tích cực của ngành thể thao, Liên đoàn Cầu lông Quảng Nam.

Năm qua còn có tin vui khác, đó là lần đầu tiên Sở VH-TT&DL tổ chức hội nghị chuyên đề quần vợt, bơi, cầu lông và bóng bàn. Sở dĩ gọi là “tin vui” bởi nhiều năm rồi, ngành thể thao dường như “bỏ quên” chuyện chăm bẳm phát triển phong trào mà để nó tự “bơi”. Vì vậy, động thái của ngành TD-TT tỉnh lần này cho thấy, đã có sự thay đổi trong nếp nghĩ của các nhà quản lý với một cách tiếp cận mới đối với thể thao phong trào. Thực tế, ngoài bơi lội và cầu lông, vừa qua đã có được những niềm vui, dù rất nhỏ, thông qua thể thao học đường. Trong khi đó, 2 môn thể thao là quần vợt và bóng bàn mới chỉ dừng lại ở phong trào quần chúng, người dân vui chơi là chính. Nhìn một cách lạc quan, đây sẽ là cú hích quan trọng, mở ra hướng phát triển mới cho thể thao phong trào, tạo tiền đề cho thể thao thành tích cao trong thời gian đến.

Nhưng trong niềm vui cũng còn những nỗi buồn. Lần đầu tiên diễn ra tại Nhà thi đấu TD-TT huyện Núi Thành với lượng khán giả ngồi chật kín khán đài, tuy nhiên giải Võ thuật cổ truyền tỉnh Quảng Nam năm 2016 trông khá buồn tẻ khi chỉ có 66 vận động viên của 10 huyện, thị xã, thành phố tham gia. Hai năm một lần, việc tổ chức giải nhằm tạo điều kiện cho các vận động viên trên địa bàn tỉnh có dịp cọ xát, học tập kinh nghiệm. Hơn nữa, xứ Quảng được coi là một trong những cái nôi của tinh hoa võ thuật cổ truyền Việt Nam, song giải đấu vô địch cấp tỉnh lại không hấp dẫn được các địa phương, là câu chuyện thật đáng buồn. Hay như giải bóng đá vô địch tỉnh cũng vậy. Gần như hàng năm địa phương nào cũng đều tổ chức giải bóng đá sôi nổi nhưng giải tỉnh chỉ thu hút 8 đội bóng huyện, thị xã, thành phố. Ngẫm lại mới thấy, phát triển phong trào đã khó, tổ chức sân chơi cũng không phải dễ. Đó là cái khó và cũng là trăn trở của những người làm thể thao phong trào. Năm 2017, mong những câu chuyện không vui không còn diễn ra để chỉ còn niềm vui mang đến thật nhiều cho người hâm mộ và ngành thể thao tỉnh nhà.

ANH SẮC

ANH SẮC