Nỗi lo biển xâm thực ở Hòa An
(QNO) - Đợt mưa lớn vừa qua đã khiến nỗi lo biển xâm thực của người dân thôn Hòa An (xã Tam Hòa, Núi Thành) thêm lớn.
Đưa chúng tôi ra hiện trường, đoạn bờ biển bị xói lở, trưởng thôn Hòa An Huỳnh Tấn Đồng lo lắm: “Hồi trước thì đã có chuyện xâm thực rồi nhưng diễn ra chậm chứ không cấp tập như bây giờ”. Ông Đồng bảo, trước đây bờ biển ở tận phía xa nhưng nạn xâm thực đã khiến những rặng dứa dại, phi lao bị cuốn xuống lòng biển. Tình hình xâm thực càng thêm nghiêm trọng khi đợt mưa kéo dài từ 30.11 đến nay, sóng biển đánh dữ dội hơn khiến tốc độ xói lở càng nhanh.
Tại khu vực bị xâm thực hơn 400m đường bờ biển tại thôn Hòa An đã không còn độ thoải vốn có mà bị xoáy sâu tạo nên bờ vực cao gần 2 mét. Hằng ngày, sóng biển liên tục khiến một lượng đất lớn bị cuốn xuống biển. Hơn 160 hộ dân thôn này sống trong nỗi lo mất đất. “Chừ nhà cách bờ biển có hơn 50 mét, tôi sống không yên được vì không biết bao lâu nữa biển sẽ cuốn nhà mình đi” - ông Lê Văn Thiệt lo lắng.
Cùng chung nỗi lo lắng này là các hộ nuôi tôm. “Tôi từ Bình Định ra đây thuê đất để nuôi tôm nên càng lo hơn, lỡ biển xâm thực phá nát hết đất nuôi tôm thì chắc trắng tay” - ông Phạm Văn Hoàng (huyện Phù Cát, Bình Định) nói.
Khu vực bị biển xâm thực tạo nên vực sâu cao khoảng 2 mét kéo dài hơn 400 mét. ẢNH: ĐOÀN ĐẠO |
Điều đáng quan ngại hơn là địa hình của thôn Hòa An vốn là một thoi đất chạy dài với hai bên tiếp giáp cả sông và biển, khoảng cách giữa 2 bờ áng chừng chỉ 400 mét. “Chỗ bị xâm thực chừ còn cách mặt đường quốc phòng ven biển - tuyến giao thông huyết mạch của thôn chừng 100 mét thôi. Tương lai gần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến con đường này. Nếu mất đường thì dân chúng tôi chỉ có thể đi lại bằng đường sông, còn hàng hóa phục vụ đời sống, việc nuôi tôm sẽ không thể lưu thông được” - ông Huỳnh Tấn Đồng khẳng định. Xa hơn, việc xâm thực sẽ bẻ gãy thoi đất thôn Hòa An làm hai phần tạo nên một ốc đảo biệt lập.
“Nó sẽ tạo nên một cửa lở mới và dần dần “nuốt” hết đất của thôn Hòa An và có khả năng xóa sổ một phần thôn này trong thời gian đến. Vấn đề này cử tri thôn Hòa An kiến nghị nhiều lần và chúng tôi cũng đã kiến nghị lên cấp trên” - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hòa Trương Công Bình cho hay.
Theo ông Bình, hiện tại xã vẫn chưa đủ khả năng về kinh phí để có thể thực hiện kè chống xâm thực mà chỉ có thể vận động nhân dân thôn Hòa An tự tìm phương án khắc phục tạm thời như trồng cây chắn sóng để giảm tốc độ biển xâm thực mà thôi. “Chúng tôi rất cần các ban ngành cấp trên, UBND huyện Núi Thành quan tâm hơn về việc thôn Hòa An bị biển xâm thực. Nếu không quan tâm ngay bây giờ thì sợ sau này khu vực này sẽ tương tự như khu vực Cửa Lở của Tam Hải, khó mà ứng phó được” - ông Trương Công Bình lo lắng.
ĐOÀN ĐẠO