8 luật, bộ luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2017

CHÂU NỮ (Tổng hợp) 23/12/2016 09:43

Ngày 1.1.2017, có 8 luật, bộ luật gồm: Luật Dược 2016, Luật Báo chí 2016, Luật Trẻ em 2016,  Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015, Luật Phí và lệ phí 2015,  Bộ luật Dân sự 2015, Luật Kế toán 2015, Luật Ngân sách nhà nước 2015 chính thức có hiệu  lực. Báo Quảng Nam xin giới thiệu một số nội dung mới của 6 luật, bộ luật này.

Quy định về bội chi ngân sách địa phương

Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) 2015 đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng so với Luật NSNN 2002 như: phạm vi NSNN, mức dư nợ vay của ngân sách cấp tỉnh, dự phòng NSNN, quỹ dự trữ tài chính, phân cấp quản lý NSNN… Trong đó, lần đầu tiên Luật NSNN quy định bội chi ngân sách địa phương và chỉ có ngân sách địa phương cấp tỉnh mới được phép bội chi. Bội chi ngân sách địa phương chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công 5 năm đã được HĐND cấp tỉnh quyết định; quy định về mức dư nợ vay của ngân sách địa phương. Ngoài ra, luật cũng quy định cộng đồng giám sát ngân sách. Theo đó, Mặt trận các cấp sẽ chủ trì tổ chức việc giám sát NSNN của cộng đồng. Nội dung giám sát NSNN gồm: việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng NSNN; tình hình thực hiện dự toán NSNN hàng năm; việc thực hiện công khai NSNN theo quy định.

Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư

Luật Trẻ em 2016 thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Luật Trẻ em tiếp tục khẳng định trẻ em là những người dưới 16 tuổi (luật hiện hành quy định trẻ em là công dân dưới 16 tuổi); trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em. Chính phủ thiết lập tổng đài điện thoại quốc gia thường trực để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, luật quy định cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục và bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng dưới mọi hình thức; cha, mẹ, giáo viên và người chăm sóc trẻ em có trách nhiệm giáo dục kiến thức, hướng dẫn kỹ năng để trẻ em biết tự bảo vệ mình khi tham gia môi trường mạng.

Nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo khi tác nghiệp

Luật Báo chí 2016 có 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định mới so với  Luật Báo chí 1999; trong đó có 9 điểm mới như: quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học; bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí; trách nhiệm cung cấp thông tin và quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; bổ sung, luật hóa những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí; các hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; bổ sung một số quy định mới về cải chính, quy định cụ thể vị trí cải chính đối với từng loại hình báo chí. Về quyền của nhà báo, luật quy định, khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Nới lỏng quy định kinh doanh dược

Luật Dược 2016 bổ sung quy định về đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc; thu hồi thuốc. Theo đó, có 2 hình thức thu hồi thuốc là thu hồi tự nguyện và bắt buộc; quy định 3 mức độ vi phạm của thuốc; quy định phạm vi và thời gian yêu cầu thu hồi thuốc; thẩm quyền và thủ tục thu hồi thuốc. Luật Dược 2006 nới lỏng quy định kinh doanh dược. Cụ thể, các cơ sở hoạt động dược được hoạt động mà không cần giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược bao gồm: cơ sở có hoạt động dược nhưng không vì mục đích thương mại; cơ sở kinh doanh có tổ chức kệ thuốc; cơ sở nuôi trồng, thu hái dược liệu; cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có hoạt động cung ứng thuốc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Nhiều trường hợp được miễn, giảm phí, lệ phí

Luật Phí và lệ phí 2015 có một số nội dung thay đổi so với Pháp lệnh phí và lệ phí 2001. Một số khoản phí trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Pháp lệnh Phí và lệ phí được chuyển sang cơ chế giá với 213 khoản phí, 103 khoản lệ phí và 17 dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do Nhà nước định giá. Các trường hợp thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí theo luật bao gồm: trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định pháp luật và một số trường hợp đặc biệt khác... Theo luật, Chính phủ quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí thuộc thẩm quyền. Bộ Tài chính và HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể đối tượng được miễn, giảm đối với từng loại phí, lệ phí được phân cấp trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo luật này.

- Cho phép chuyển đổi giới tính. Bộ luật Dân sự 2015 quy định việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính. Cá nhân đã thực hiện việc xác định lại giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được xác định lại theo quy định của bộ luật này và luật khác có liên quan.

- Cũng theo Bộ luật Dân sự 2015, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Riêng các trường hợp cho vay dân sự, nếu các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất, khi có tranh chấp, lãi suất sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại thời điểm trả nợ.

- Một điểm mới đáng chú ý của Bộ luật Dân sự 2015 là quy định về thỏa thuận của những người thừa kế. Theo đó, sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc: cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; cách thức phân chia di sản. Thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự 2015 còn bổ sung nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán; thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi; quy định riêng về quyền được khai thác công dụng và hưởng hoa lợi, lợi tức đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác trong một thời hạn nhất định.

CHÂU NỮ (Tổng hợp)

CHÂU NỮ (Tổng hợp)