Giữa Hoàng Sa nghe hải đồ ca dao
Thật khó tin, khi chiếc tàu vỏ thép QNa-91327TS hiện đại nhưng vẫn căng cánh buồm giữa khơi xa, còn lão ngư dân Nguyễn Đông ngồi trên boong thép vá lưới lại hò ơ những câu hò vè mà thời trước ngư dân sử dụng thay cho định vị, la bàn. Tiếng hò đó vang vọng trên con tàu dập dềnh giữa sóng nước Hoàng Sa.
Tàu vỏ thép hiện đại, nhưng lão ngư dân Nguyễn Đông vẫn cho căng buồm để nới rộng lưới quây cá. Ảnh: L.V.C |
“Ớ, trình xong gặp mũi Gành Son, cõi vô Bàn Thủ khỏi cồn… ơ!”. Tôi được nghe đoạn hò này vào một buổi hoàng hôn trên sóng nước Hoàng Sa vào những ngày cuối tháng 10. Người ngâm nga câu hò là lão ngư dân Nguyễn Đông, 67 tuổi, quê ở thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành. Lão thường ngâm nga câu hò vào lúc chiều xế bóng, hoàng hôn phủ ráng đỏ khắp boong tàu và biển bình lặng như một bức tranh mùa thu. Cũng có thể, trong bối cảnh của thời khắc chuyển ngày, ký ức cũ như cuốn phim lại hiện về trong trí nhớ lão ngư đã trọn đời bám biển, nhớ như in từng địa danh, cồn cát, gành đá.
Những địa danh “Gành Son, Bàn Thủ” được nhắc đến trong câu hò đều có ở tuyến đường từ cửa Kỳ Hà ra biển. Theo ông Đông, ngư dân hồi trước đi biển nhờ câu hò này nhắc nhở để nắm bắt khi nào thì tới cửa, ra vô thế nào, tránh né ra sao, chỗ nào nên tránh vì gặp nguy hiểm. Còn nếu ban đêm thì có thêm những câu hò xem sao trên bầu trời để nhắm hướng trở về bến. Ngư dân đi biển mà cầm lái đều phải thuộc làu.
Tàu cá vỏ thép QNa-91327TS của ngư dân Nguyễn Văn Tiến ra khơi đánh bắt bằng nghề lưới vây rút. Ông Nguyễn Đông - cha của thuyền trưởng Tiến là ngư dân lớn tuổi nhất trên tàu. Ông bảo rằng, ngâm nga câu hò để nhớ lại quá khứ, nhớ về cái thời ông cha đi trên những chiếc thuyền thô sơ, ghe mê, ghe sen, lên tới tàu gỗ. Thời đi thuyền buồm, khổ cực, ngay trong bữa ăn cũng không rời chiếc ganh gác ngang trên con thuyền. Người ngồi ganh để giữ cho thuyền thăng bằng, bát cơm trong bữa ăn thường có cả nước mặn, nhưng vẫn nở nụ cười tươi trên khuôn mặt đen sạm gió biển.
Cha của ông Đông vốn là ngư dân lão luyện trên biển cả. Lúc nhỏ, ông Đông thường thấy cha trở về trên chiếc thuyền buồm cũ kỹ và ông nở nụ cười trên khuôn mặt đen nhẻm, vẫy tay chào đón người thân trong đất liền. Con thuyền mê nan thô sơ ra biển đánh cá chuồn gần bờ, các ngư dân xem trời, xem nước để đoán gió chạy vào. Thuyền buồm lái như thế nào, đi lách gió ra sao? Cha ông kể lại cách thức đó bằng những câu hò vang vọng trên bãi biển Kỳ Hà: “Ơ… trong săn gió chạy một buồm lòng, êm gió dựng mũi, ưng bong thêm vào, ơ nhắm chừng”. Cha của ông giải thích, đó là con thuyền có chiếc buồm lòng rất to, nhưng nếu muốn thuyền chạy nhanh thì thêm một buồm mũi, buồm sau đuôi. Nếu muốn thuyền buồm tăng tốc để trở về nhà, kẻo vợ con mong, kịp chợ bán cá thì gắn thêm một chiếc bong để hứng gió, cho con thuyền trôi vùn vụt.
Lão ngư dân Nguyễn Đông bên giỏ cá nặng đầy trên tàu vỏ thép QNa-91327TS giữa Hoàng Sa. |
“Ớ… chứ hiểm nguy Hòn Lựa, Mũi Rào nhớ ghi chỗ mô rạng đá ta thì… ớ… tránh xa, cho ta trời cửa ông bà, hiện có 4 lạch ra vô từ làng”. Lại một buổi chiều tà trên tàu, ông Đông ngâm nga và kể tiếp về những năm tháng bôn ba trên biển cả. Ông Đông cho biết, thời trước, cửa biển Kỳ Hà có 4 lối ra vào. Ngư dân đi thuyền nhỏ ra vào phải chú ý các Hòn Lựa, Mũi Rào để không bị mắc cạn.
Cha ông Đông thọ tới 85 tuổi mới qua đời. Ông để lại cho con nghiệp gia đình bám biển là những câu hò vè thay cho định vị, hải đồ. Sau ngày đất nước thống nhất, ông Đông nối nghiệp và trở thành thuyền trưởng tàu cá Tam Kỳ 2. Đây là một trong những con tàu đầu tiên làm lưới vây ở huyện Núi Thành. Tàu chạy bằng sức máy, hiện đại hơn chiếc ghe mê chạy buồm của người cha. Ở thời đó, thiết bị nghe nhìn trên tàu vẫn còn lạc hậu. Chiếc radio trên tàu để nghe dự báo thời tiết có lúc nghe được tiếng cô phát thanh viên, có khi lại im tiếng. Giữa biển khơi, có khi ngư dân cập thuyền vào gần nhau để hỏi thăm tình hình thời tiết, ráp nối thông tin đứt đoạn lại để có một bản tin dự báo thời tiết hoàn chỉnh mà mỗi bên nghe được một đoạn.
Năm 1979, ông Đông cùng các ngư dân đưa con tàu dài 19m chạy băng băng ra tới quần đảo Hoàng Sa đánh cá chuồn. Ông không thể quên ký ức về chim bay rợp trên trời, dưới nước cá dày đặc. Nhưng rồi đi xa bờ, các ngư dân phải tiếp tục bổ sung vào bài hò vè để tàu biết lối mà tìm về. Đi xa, các ngư dân không còn dựa vào những mỏm núi, gò đất trong đất liền để định hướng, mà phải dựa vào chiếc la bàn cũ kỹ, phải ngửa mặt xem sao: “Ơ… ra khỏi cửa gác mũi về đông, ngắm sao Rạng Lạch, lướt sông ra chà… Ơ… tài rồi lại phân ba, chạy thêm đoạn nữa thì là…”. Sao Rạng Lạch, sao Cày, sao Bắc Đẩu, đó là những mốc định hướng để con tàu hành trình. Có lúc tàu ra khơi, ngư dân đi lạc lối thì phải quay về bờ rồi nhắm hướng tiếp tục đi ra lần nữa. Có khi đi vào lạc lối, vào đến Đà Nẵng hoặc Quảng Ngãi rồi bám theo ven bờ để trở về cửa biển Kỳ Hà.
Gia đình ông Đông tròn 3 thế hệ bám biển. Cha đi thuyền buồm, ông Đông đi tàu đánh cá vỏ gỗ, đến cuối đời đi trên con tàu vỏ thép vững chãi của người con trai. Tàu vượt sóng ra Hoàng Sa. Trong một đêm đánh lưới, gió đột nhiên đổi hướng, đẩy lưới áp vào tàu và có thể quấn chân vịt. Lúc đó, lão ngư dân già liền gọi con trai sử dụng tấm bạt căng trên cột tàu thành một cánh buồm lớn. Tàu vỏ thép mà lại căng buồm là chuyện lạ. Buồm căng gió đẩy chiếc tàu luôn di chuyển sang mạn phải, làm tấm lưới căng ra như chiếc túi lớn đựng cá. Cá bơi trong lưới nên các ngư dân xúc đổ xuống hầm, giữ cá tươi ngon. Nếu lưới chùn thành đống, cá sẽ chết và biến lưới thành một túi cá nặng như dính đá tảng dưới đáy biển.
Dù đi trên con tàu hiện đại vươn ra khơi xa, trên tàu đã lắp cả 2 la bàn, 2 máy định vị Haiyang Smart 5 của Hàn Quốc, máy Furuno của Nhật Bản. Vậy nhưng lão ngư dân già vẫn không quên câu hò. Vì những câu hò này có bóng dáng lão thời trẻ và các thế hệ cha ông: “Ơ…, mẹ nghe chiều chiều, vác lưới xuống ghe, củi, gạo, muối, nước chè… Ơ…, nhắm chừng mà núi lớn ta vào cho nhanh”.
LÊ VĂN CHƯƠNG