Loay hoay với thời tiết cực đoan

TRẦN HỮU 22/12/2016 09:33

Hiện tượng lũ lụt xuất hiện muộn gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp ở các địa phương. Ứng phó với thời tiết cực đoan như thế nào cho hiệu quả vẫn luôn là vấn đề nan giải.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ tại xã Đại Hồng (Đại Lộc). Ảnh: THÀNH CÔNG
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ tại xã Đại Hồng (Đại Lộc). Ảnh: THÀNH CÔNG

Khác biệt và bất thường

Còn nhớ thời điểm năm ngoái, lũ trái mùa vào cuối tháng 3 gây ra thiệt hại không nhỏ cho nông dân vùng hạ lưu sông Vu Gia - Thu Bồn. Những cánh đồng dưa, hoa màu các địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn đã trôi sông đổ biển. Lũ lụt xuất hiện vào đầu mùa khô ở các địa phương phía bắc của tỉnh là hiện tượng hy hữu trong vòng 20 năm gần đây. Còn năm nay lũ “trái nết” xảy ra muộn. Khắp các đồng ruộng ngập màu nước lũ.

Theo các chuyên gia thủy văn, thời tiết cực đoan luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiệt hại bởi khó đoán định “triệu chứng lâm sàng”. Ở Quảng Nam, lũ lụt thường xuất hiện vào tháng 9, 10, 11; còn hạn hán vào các tháng 4, 5, 6, 7. Nhưng năm nay, đã ngược lại với quy luật thời tiết thông thường. Đặc biệt, trong tháng 12 lượng mưa rất lớn. Mực nước lúc 1giờ ngày 14.12 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 8,07m, ở mức báo động 2; sông Thu Bồn tại Giao Thủy là 6,78m, trên báo động 1 0,58m, tại Câu Lâu lên mức 2,27m, trên báo động 1 0,27m. Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng 2 tháng gần đây nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, cá biệt một số khu vực mưa hơn 2.500mm như Trà My (Bắc Trà My). Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa lớn của năm 2016 cao hơn so với trung bình nhiều năm hơn 40%. Khí hậu năm nay có điểm khác biệt là sự gia tăng hoạt động của các trung tâm nhiễu động - rãnh thấp xích đạo trên vùng biển nam Biển Đông Việt Nam.

Nhiều khu dân cư ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ ngập lũ. Ảnh: T.H
Nhiều khu dân cư ở phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ ngập lũ. Ảnh: T.H

Hiện tượng lũ muộn xuất hiện ảnh hưởng đến gieo trồng vụ đông xuân. Nhiều nông dân vùng lũ huyện Đại Lộc cho biết, lâu nay người dân chỉ có thói quen sản xuất dựa theo kinh nghiệm dân gian là chính, canh tác theo thời vụ khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận, liên tiếp lũ chồng lũ, với điểm khác biệt so với mọi năm là diễn ra trên diện rộng và thời gian dài khiến nông dân trở tay không kịp nên thiệt hại về trồng trọt là rất lớn. Trong khi đó, mùa khô hạn năm nay kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, đã gây thiệt hại cho hàng nghìn héc ta lúa và người dân chật vật tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt. Hiện tượng El Nino dài nhất trong lịch sử (kéo dài từ cuối năm 2014 đến 2016) khiến các địa phương trong tỉnh đối mặt với tình trạng khô hạn nghiêm trọng nhất trong 10 năm qua. So với trung bình nhiều năm, lượng mưa trên địa bàn tỉnh mùa khô thiếu hụt khoảng 30 - 50%. Một số hồ chứa thủy điện chỉ đạt 25 - 40% dung tích thiết kế, thấp hơn cùng kỳ năm 2015. Nhiều hồ nhỏ cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước.

Đối phó như thế nào?

GS-TS.Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, lũ xuất hiện chậm ở các tỉnh Nam Trung Bộ vừa qua là cái giá phải trả do làm quá nhiều thủy điện bậc thang trên sông. Theo GS-TS. Hồng, lượng mưa ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định... lên tới 400mm. Lượng mưa này không lớn hơn bao nhiêu so với mọi năm nhưng hiện nay điều kiện thiên nhiên có nhiều biến đổi, lũ chuyển muộn. Lẽ ra tháng 11 đã kết thúc mùa mưa nhưng năm nay tận giữa tháng 12 mà mưa vẫn còn lớn, mưa lại rơi vào cuối mùa lũ. Vì thế, việc tích nước trong hồ chứa bị lệch. Nhà máy thủy điện sợ lũ không về nên phải tích đầy nước, đảm bảo cho mùa khô. Điều này cho thấy công tác dự báo chưa được tốt, các hồ chứa không nắm được thông tin lũ về muộn để điều tiết kịp thời. Nước về nhiều thì các nhà máy phải xả để cứu đập. Thêm nữa, hạ du trở thành túi đựng nước khổng lồ do cả hồ thủy lợi và hồ thủy điện xả chứ không riêng gì thủy điện. Tuy vậy, do nhiều sông suối nhỏ nằm trên hệ thống thủy điện bậc thang, khoảng cách các nhà máy lại rất gần nhau, về mặt kỹ thuật là sai. Giải pháp tốt nhất là cơ quan khí tượng thủy văn phải dự báo một cách chính xác để các nhà máy thủy điện có biện pháp tích - xả lũ phù hợp.

Có phải lũ lụt xảy ra ở các tỉnh Nam Trung Bộ là hệ lụy của phá rừng?  Trả lời câu hỏi này, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT khẳng định, có nguyên nhân cả thiên tai lẫn nhân tai. Nhưng, từ hậu quả nặng nề của lũ muộn, đến lúc phải có những điều chỉnh trong kế hoạch bảo vệ rừng. Vai trò lớn nhất của rừng là hạn chế tác động xấu của thời tiết bất thường như lũ lụt, sạt lở… Thời gian qua, diện tích rừng ở khu vực miền Trung đã được khôi phục và tăng lên về độ che phủ nhưng chủ yếu là rừng mới khoanh vùng, tái sinh, rừng trồng lấy gỗ nên ít có vai trò về bảo vệ môi trường phòng hộ như rừng nguyên sinh. Nhiệm vụ sắp đến là trồng rừng tăng cường chức năng phòng tránh thiên tai. Bộ NN&PTNT đang tái cơ cấu sản xuất trồng trọt theo hướng chiến lược lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu tính đến yếu tố mất đất, nhiễm mặn, thời tiết cực đoan và các đe dọa bất lợi của ngành sản xuất lúa nước trong tương lai. Còn tại Quảng Nam, đề án thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2013 - 2015 và định hướng đến năm 2030, nông nghiệp được xem là lĩnh vực trọng tâm trong chương trình hành động phát triển kinh tế. Trong đó, tỉnh tập trung cải thiện sinh kế cho người dân sống ở các vùng có nguy cơ ảnh hưởng nhiều do thiên tai; chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng phù hợp với từng vùng và đạt hiệu quả kinh tế cao; nghiên cứu các sinh kế thay thế phù hợp với từng vùng. Đối với những vùng đất thường xuyên bị ngập lụt đã chuyển dịch trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản với các loại tôm, cua, cá có thời gian sinh trưởng ngắn ngày. Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh vừa qua cũng đã thống nhất thông qua điều chỉnh diện tích rừng đặc dụng lên 139.895ha (tăng 6.349ha so với nghị quyết đã ban hành trước đó).

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU