Lo lắng ô nhiễm môi trường
Các “điểm đen” môi trường quen thuộc tiếp tục trở thành nỗi lo triền miên của người dân nhiều năm nay.
Vào mùa mưa, nhưng nước ở dòng sông Quế Phương khu vực giáp ranh giữa xã Tam Lãnh (Phú Ninh) và xã Tiên Lập (Tiên Phước) đỏ ngầu. Dọc hai bờ sông, những đống đất, xỉ quặng đổ tràn lan còn bốc mùi hóa chất. Theo người dân, đây là hậu quả của vàng tặc để lại. Sau khi lấy được vàng, nhiều người lén lút đổ vô tội vạ xái quặng. Bà Nguyễn Thị Hồng Cẩm - Chủ tịch UBND xã Tiên Lập thừa nhận: “Dòng sông Quế Phương bây giờ đã không còn trong xanh như xưa do tình trạng đào đãi vàng trái phép”.
Tại các đợt tiếp xúc với các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, cử tri 2 huyện Phú Ninh, Tiên Phước đều phản ánh tình trạng ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất của dòng sông Tiên và Quế Phương vẫn chưa được xử lý triệt để. Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu đã dừng hoạt động gần 2 năm nay nên nơi đây các đối tượng tranh thủ vơ vớt tài nguyên, vô tư xả thải xuống sông. Ông Bùi Văn Ba - Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên - môi trường) cho biết, để ngăn ngừa nạn khai thác trái phép, UBND tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đóng cửa mỏ theo quy định và có văn bản kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường tạm bàn giao mỏ cho địa phương quản lý. Tuy nhiên đến thời điểm này tỉnh vẫn chưa nhận văn bản trả lời. Việc khai thác trái phép ở Bồng Miêu tái diễn nhiều năm nay.
Còn tại khu vực ven sông Trường Giang, các xã vùng đông Thăng Bình, TP.Tam Kỳ tiếp tục phản đối về việc nuôi tôm lót bạt trên cát gây ô nhiễm môi trường. Theo người dân thôn Hạ Thanh (xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ), nhiều năm nay, nghề nuôi tôm nước lợ luôn bị thất bại do dịch bệnh. Dù đã tuân thủ nghiêm ngặt lịch nuôi đúng thời vụ theo khuyến cáo của cơ quan chức năng nhưng vẫn không ngăn ngừa được dịch bệnh trên tôm. Nguyên do là nguồn nước sông bị ô nhiễm từ các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo quy hoạch tạm thời vùng nuôi của UBND tỉnh, TP.Tam Kỳ không có diện tích nuôi tôm lót bạt trên cát mà chỉ cho phép huyện Núi Thành và Thăng Bình thực hiện hơn 304ha giai đoạn 2014 - 2018. Kèm theo đó yêu cầu các hộ nuôi tuân thủ nhiều giải pháp bảo vệ môi trường như chống hiện tượng cát bay, chống mặn hóa tầng nước ngọt ngầm, giảm thiểu ô nhiễm các chất độc hại ra môi trường chung quanh. Trong đó, các hộ dân phải có phương án xử lý môi trường theo quy định. Thế nhưng, theo Sở Tài nguyên - môi trường, đến nay chỉ có 43 cơ sở nuôi với diện tích 22,7ha ở huyện Núi Thành được thẩm định phương án xử lý môi trường. Không có một hộ nuôi nào ở huyện Thăng Bình đầu tư hệ thống xử lý môi trường đảm bảo quy định. Trong khi đó, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi tôm tập trung xã Tam Tiến do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư 2 năm nay án binh bất động do người dân phản đối. Theo chính quyền xã Tam Tiến, dự án này có vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, nếu triển khai sẽ có hệ thống xử lý nước thải, kiểm soát được ô nhiễm môi trường...
TRẦN NGUYỄN