Khó khăn cho truyền thanh cơ sở

THÀNH CHÂU 20/12/2016 13:12

Những bất cập về chế độ cán bộ kiêm nhiệm, kinh phí duy tu, sửa chữa hệ thống loa… ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đài truyền thanh cơ sở ở Thăng Bình.

Các cụm loa thường xuyên bị hư hỏng, trong khi kinh phí sửa chữa cao. Ảnh: T.C
Các cụm loa thường xuyên bị hư hỏng, trong khi kinh phí sửa chữa cao. Ảnh: T.C

Theo Quyết định số 31/2014/QĐ-UBND, về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh, đối với truyền thanh cấp xã, mỗi đài có 1- 3 người làm công tác truyền thanh, trong đó 1 người phụ trách, là người hoạt động không chuyên trách cấp xã; số người còn lại tùy thuộc vào thực tế địa phương, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn kỹ thuật hoặc nội dung do UBND xã áp dụng chế độ hợp đồng lao động. Nguồn kinh phí chi trả chế độ hợp đồng này được cân đối từ nguồn tự chủ. Đây chính là điểm hạn chế khiến cho nhiều địa phương lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Theo anh Nguyễn Duy Khánh, cán bộ phụ trách Đài thị trấn Hà Lam, Thăng Bình vì là cán bộ không chuyên trách, nên bản thân phải nhận thêm nhiều nhiệm vụ mới có thể trang trải cuộc sống, thậm chí là những việc trái với ngành. Vì vậy, sẽ không có thời gian để đầu tư thực hiện một chương trình phát thanh. “Ngoài ra, hầu như những người làm công tác truyền thanh ở cơ sở như tôi chưa hề qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nên rất khó quản lý và tổ chức tốt hoạt động của đài” - anh Khánh nói.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đăng Nhật - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam cho biết, đài truyền thanh cơ sở do UBND cấp xã quản lý về nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, nhưng nhìn chung mô hình tổ chức của hệ thống này chưa thống nhất, nên quá trình hoạt động gặp nhiều khó khăn. Nhân lực phụ trách hoạt động truyền thanh cơ sở đều là cán bộ kiêm nhiệm, họ chưa được đào tạo cơ bản các kiến thức về biên tập, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin, nghiệp vụ phát ngôn viên hoặc tuyên truyền cũng như ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền… Vì vậy còn nhiều hạn chế trong việc xây dựng chương trình, nội dung phát thanh. Hơn nữa, do yêu cầu, nhiệm vụ, các cán bộ kiêm nhiệm này lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn tới thực trạng thiếu ổn định và nhiều người không mặn mà với công tác chuyên môn.

Ngoài ra, do đặc thù của thiết bị truyền thanh là phải lắp đặt ngoài trời, dể bị tác động xấu của môi trường tự nhiên làm hư hỏng, đặc biệt nhạy cảm với dông sét nên nhiều địa phương gặp khó trong vấn đề duy tu, sửa chữa. Trong vòng 3 năm trở lại đây, huyện Thăng Bình đã phân bổ 700 triệu đồng cho các địa phương để thực hiện phát triển sự nghiệp truyền thanh cơ sở. Từ nguồn kinh phí này, các đơn vị đã tập trung đầu tư vào việc mua sắm và sửa chữa trang thiết bị truyền thanh; nhiều địa phương còn chủ động tính toán và cân đối ngân sách, để tiếp tục đầu tư cho hệ thống loa, máy phát… nhưng vẫn chưa hoàn thiện hệ thống loa truyền thanh cơ sở. Anh Hoàng Thành Trung, cán bộ phụ trách Đài truyền thanh xã Bình Minh cho biết: “Phần lớn hệ thống loa của Bình Minh có dấu hiệu xuống cấp nhanh hơn các địa phương khác, vì chịu sự tác động không nhỏ của gió và nước biển, trong khi nguồn ngân sách của xã lại có hạn, nên không thể đầu tư kịp thời. Nếu không có sự phân bổ kịp thời từ huyện, không biết đến bao giờ tiếng loa phát thanh mới được phủ sóng toàn xã”. “Chưa kể hệ thống máy phát sóng một số đài cơ sở được trang bị từ năm 2002 hoạt động, đến nay đã có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng. Trong khi kinh phí sửa chữa tốn kém, sự độc quyền, khan hiếm về linh kiện, vật tư làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tuyên truyền của đài cơ sở”- ông Ngô Tấn Công - Tổ trưởng kỹ thuật Đài TT- TH Thăng Bình cho biết thêm.

THÀNH CHÂU

THÀNH CHÂU