Căng thẳng thương mại Mỹ, EU với Trung Quốc
Mỹ cùng Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc liên tục gửi đơn kiện lẫn nhau lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Sản phẩm thép Trung Quốc vào EU bị tăng thuế nhập khẩu. Ảnh: AFP |
Vào trung tuần tháng 12 này, Nhà Trắng chính thức thông báo nộp đơn kiện cáo buộc chính sách thương mại của Trung Quốc khiến hạn chế khả năng xuất khẩu gạo, bắp và lúa mỳ của nông dân Mỹ sang thị trường đông dân nhất thế giới. Trong đơn, Mỹ yêu cầu Trung Quốc thực hiện giảm thuế cho một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Mỹ như cam kết của Trung Quốc khi tham gia WTO vào năm 2001. Đây cũng là đơn kiện thứ 15 chống Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Barack Obama tại WTO kể từ năm 2009. Trước đó, vào tháng 9, Mỹ gửi đơn lên WTO kiện Chính phủ Trung Quốc thực hiện luật chơi mà Mỹ gọi là “phi công bằng” khi trợ cấp quá nhiều cho các nông sản nêu trên, làm tổn thương các hoạt động xuất khẩu nông sản của Mỹ và nhiều quốc gia khác.
Tháng 7.2016 là lần thứ ba EU kiện Trung Quốc tại WTO vì các loại thuế mà Trung Quốc áp vào nguyên liệu thô nhập khẩu từ châu Âu như chì, coban, crôm, magie, đồng, thiếc được sử dụng trong nhiều lĩnh vực từ hàng không vũ trụ, sản xuất ô tô cho tới năng lượng điện và hóa học. Hai vụ kiện của EU đối với Trung Quốc tại WTO vào những năm 2012, 2014 về những khiếu nại tương tự và EU đều giành phần thắng cả hai. Không chỉ áp thuế nhập khẩu lên thép cán nóng từ mức 13,2% đến 22,6%, thép tấm nặng của Trung Quốc lên 73,7% trong lúc hàng nghìn công nhân ngành công nghiệp thép tại khu vực bị mất việc vì hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc, EU vừa mở lại cuộc điều tra để khẳng định có hay không việc các nhà sản xuất Trung Quốc đang bán thép giá rẻ một cách thiếu công bằng vào thị trường EU.
Cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế quốc gia và khu vực hàng đầu thế giới chưa thực sự đi đến hồi kết. Vào tuần trước, Trung Quốc đệ đơn khiếu kiện lên WTO về việc Mỹ và EU đồng loạt áp dụng luật chống phá giá với Trung Quốc. Đồng thời đề xuất WTO giảm bớt các tính toán của họ về thuế chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng mức thuế áp dụng cho hàng hóa Trung Quốc giờ đây phải được giảm vì nước này là thành viên của WTO 15 năm qua. Thế nhưng, Trung Quốc thất bại trong việc bảo vệ quan điểm Trung Quốc là nền kinh tế thị trường sau khi Mỹ và EU, Nhật Bản vẫn duy trì những quy định khắt khe nhằm ngăn chặn hàng hóa giá rẻ và không trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Thậm chí sau khi đắc cử Tổng thống Mỹ, tỷ phú Donald Trump khẳng định mức thuế 45% sẽ được áp dụng cho mỗi mặt hàng được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích, quy chế nền kinh tế thị trường sẽ là chìa khóa mở rộng thêm cánh cổng cho hàng xuất khẩu Trung Quốc nói riêng cũng như tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu của các thành viên WTO được đối xử công bằng hơn, thu hút đầu tư nước ngoài. Một khi các thành viên của WTO được trao quy chế kinh tế thị trường sẽ khó bị xác định bán phá giá hàng hóa. Vì vậy, Bộ Thương mại Trung Quốc tiếp tục kêu gọi Mỹ tôn trọng cam kết trong việc chống bảo hộ, duy trì môi trường thương mại quốc tế tự do, cởi mở và công bằng. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc-Cao Hổ Thành tuyên bố sẽ làm tất cả như gia tăng áp lực với các đối tác để được công nhận là một nền kinh tế thị trường.
NAM VIỆT