Chung tay giúp dân dọn dẹp sau lũ

18/12/2016 18:09

(QNO) - Hôm nay 18.12, lũ rút dần. Cơn lũ đi qua để lại ngổn ngang bèo rác, cây cối ngã đổ, ruộng vườn xơ xác và nhiều nơi bùn non ngập gối... Người dân ở các vùng trũng thấp bị ngâm trong nước nhiều ngày bắt đầu dọn lũ. Chia sẻ với khó khăn của người dân vùng lũ, các đoàn thể, những tấm lòng hảo tâm cùng chung tay giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt, ổn định sinh hoạt và sản xuất.

* Sáng 18.12, đoàn công tác của Hội Chữ thập đỏ tỉnh (CTĐ) do ông Phạm Bằng – Phó Chủ tịch Hội dẫn đầu đã đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ cho 3 gia đình nạn nhân bị tử vong trong mưa lũ tại thị xã Điện Bàn là: Đỗ Hoàng Vũ (SN 1991, trú tại khối phố Ngọc Tứ, phường Điện An), Nguyễn Đình Toàn (SN 1992, trú tại thôn Hạ Nông Đông, xã Điện Phước) và ông Trần Văn Lại (SN 1954, thôn Đông Hòa, xã Điện Thọ).

Ông Phạm Bằng (ngoài cùng bên phải) trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân Nguyễn Đình Toàn (SN 1992, trú tại thôn Hạ Nông Đông, xã Điện Phước). Ảnh: V.A
Ông Phạm Bằng (ngoài cùng bên phải) trao tiền hỗ trợ cho gia đình nạn nhân Nguyễn Đình Toàn (SN 1992, trú tại thôn Hạ Nông Đông, xã Điện Phước). Ảnh: V.A

Thay mặt đoàn, ông Phạm Bằng – Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh đã gửi lời chia buồn sâu sắc và động viên thân nhân các gia đình có người bị nạn sớm vượt qua nỗi đau, mất mát. Để chia sẻ với các gia đình nạn nhân, Hội CTĐ tỉnh đã hỗ trợ mỗi gia đình có người chết một triệu đồng; Hội CTĐ TP.Đà Nẵng và Hội CTĐ thị xã Điện Bàn cũng hỗ trợ mỗi gia đình 500 ngàn đồng.

Dịp này, ông Phan Công Ry – Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa ứng phó thảm họa CTĐ cũng đã trao số tiền gần 5 triệu đồng từ sự đóng góp của các cá nhân, tổ chức đến gia đình nạn nhân Đỗ Hoàng Vũ. Được biết, qua thông tin về hoàn cảnh của nạn nhân Đỗ Hoàng Vũ từ báo chí và mạng xã hội, nhiều cá nhân, tổ chức đã cảm thông và mong muốn được chia sẻ với gia đình của nạn nhân.

Bí thư Tỉnh đoàn Đinh Nguyên Vũ thăm hỏi và chia buồn với người thân gia đình nạn nhân Đinh Hoàng Vũ. Ảnh: V.A
Bí thư Tỉnh đoàn Đinh Nguyên Vũ thăm hỏi và chia buồn với người thân gia đình nạn nhân Đỗ Hoàng Vũ (SN 1991, trú tại khối phố Ngọc Tứ, phường Điện An). Ảnh: V.A

* Cùng ngày, Bí thư Tỉnh đoàn Đinh Nguyên Vũ đã đến thăm hỏi, chia buồn và trao số tiền 5 triệu đồng từ sự đóng góp của cán bộ, đoàn viên và các nhà hảo tâm cho gia đình nạn nhân Đỗ Hoàng Vũ. (VINH ANH - MỸ LINH)

Đội thanh niên xung kích xã Đắk Pre đã cùng bà con nhân dân khai thông tuyến đường tại Thôn 58 bị ách tắc do sạt lở đất. Ảnh: L.Đ
Đội thanh niên xung kích xã Đắk Pre đã cùng bà con nhân dân khai thông tuyến đường bị ách tắc do sạt lở đất. Ảnh: L.Đ

* Tại Nam Giang, Đội thanh niên xung kích thị trấn Thạnh Mỹ và Chi đoàn cơ quan Quân sự huyện đã khẩn trương di dời đồ đạc giúp các hộ dân sinh sống trong khu vực đang có dấu hiệu bị sạt lở trên tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Thạnh Mỹ. Trước đó, Đội thanh niên xung kích xã Đắk Pre đã cùng bà con nhân dân khai thông tuyến đường tại Thôn 58 bị ách tắc do sạt lở đất, Đội thanh niên xung kích xã Đắk Tôi túc trực tại các điểm ngập sâu trên các tuyến đường hỗ trợ đưa học sinh và người dân đi qua an toàn....

Đội thanh niên xung kích xã Đắk Tôi túc trực tại các điểm ngập sâu trên các tuyến đường hỗ trợ đưa học sinh và người dân đi qua an toàn. Ảnh: L.Đ
Đội thanh niên xung kích xã Đắk Tôi có mặt tại các điểm ngập sâu hỗ trợ đưa học sinh và người dân qua lại an toàn. Ảnh: L.Đ

* Tại Đông Giang Bắc Trà My, Đội thanh niên xung kích xã A Ting (Đông Giang) phối hợp với Chi đoàn Dân quân cơ động xã túc trực tại điểm nước tràn nguy hiểm ngầm Dốc Rùa trên tuyến đường QL14G nối TP.Đà Nẵng và huyện Đông Giang để khuyến cáo người dân không đi qua khu vực này tránh bị lũ trôi.

Đội thanh niên xung kích xã Trà Tân và Trà Sơn (Bắc Trà My) phối hợp chốt chặn tại ngầm sông Trường và ngầm sông Oa trên tuyến Quốc lộ 40B từ thị trấn Trà My đi các xã vùng cao của huyện  Bắc Trà My, khuyến cáo người dân không qua lại khi mực nước dâng cao và chảy xiết. Ngoài ra các đội thanh niên xung kích tại hai huyện cũng đang khẩn trương cùng bà con nhân dân dọn dẹp các đoạn sạt lở khai thông các tuyến đường.

ĐVTN xã Bình Đào (Thăng Bình) vớt hơn 30 khối bèo bám vào chân cầu, khơi thông dòng chảy. Ảnh: L.Đ
ĐVTN xã Bình Đào (Thăng Bình) vớt hơn 30 khối bèo bám vào chân cầu, khơi thông dòng chảy. Ảnh: L.Đ

* Tại Thăng Bình, Đội Thanh niên xung kích xã Bình Đào đã dọn dẹp bèo, rau bị vướng vào các chân cầu cản trở dòng chảy gây ngập lụt. Trước đó các đội thanh niên xung kích trên địa bàn huyện cũng đã giúp đỡ bà con di chuyển đồ đạc, gia súc, gia cầm ra khỏi vùng ngập nặng.

Đội thanh niên xung kích xã Quế Phước (Nông Sơn) dọn dẹp bùn đất, khai thông các tuyến đường liên xã. Ảnh: L.Đ
Đội thanh niên xung kích xã Quế Phước (Nông Sơn) dọn dẹp bùn đất, khai thông các tuyến đường liên xã. Ảnh: L.Đ

* Tại Nông Sơn, TP.Hội An, HIệp Đức, Phước Sơn, lực lượng thanh niên xung kích ngay sau khi lũ rút đã có mặt kịp thời,  khẩn trương phối hợp vận chuyển hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm đến các vùng ngập nặng; cùng dọn dẹp bùn đất, khai thông các tuyến đường liên xã.(MỸ LINH - THÀNH ĐẠT)

ĐVTN Hiệp Đức giúp dân di chuyển qua lại ở những điểm bị ngập sâu Ảnh: L.Đ
ĐVTN xã Thăng Phước (Hiệp Đức) giúp người dân qua lại ở những điểm bị ngập sâu trong xã. Ảnh: L.Đ

* Ngày 18.12, nước lũ tại Hội An đã rút, chỉ còn tuyến đường Bạch Đằng còn ngập nước. Lũ rút, để lại cho phố cổ và các khu vực chung quanh hàng trăm tấn rác và bùn non. Chính quyền thành phố đã huy động hàng trăm công nhân Công ty Công trình công cộng TP.Hội An cùng nhiều phương tiện chuyên dụng như máy bơm, xe phun nước, xe múc… và người dân cùng dọn rác và bùn non tại các tuyến đường chính trong phố cùng các khu vực đông khách du lịch thường xuyến đến thăm viếng như Quảng trường Sông Hoài, khu vực vườn tượng An Hội...  

Nhân viên thu gom rác các tuyến phố chính. Ảnh: MINH HẢI
Nhân viên công ty môi trường thu gom rác các tuyến phố chính. Ảnh: MINH HẢI

Để đảm bảo việc học cho học sinh trong ngày mai 19.12, ngay trong sáng nay, các trường trên địa bàn cũng tập trung lau rửa bàn ghế, dọn sân trường để các cháu có chỗ học sau nhiều ngày nghỉ do lũ.

Cho đến chiều ngày 18.12, các khách sạn, nhà hàng tại Hội An bị ngập lũ mất ngày qua đã hoạt động đón khách trở lại, các dịch vụ du lịch tại Hội An đã hoạt động trở lại bình thường. (MINH QUÂN)

Nhân viên thu gom rác các tuyến phố chính. Ảnh: MINH HẢI
Dọn bùn non trong khu phố cổ. Ảnh: MINH HẢI

* Sáng nay 18.12, Ban chỉ huy quân sự thị xã Điện Bàn đã tiếp nhận 1,5 tấn lương khô từ Bộ Quốc phòng để cấp phát cho đồng bào vùng lũ.

Ngay sau khi tiếp nhận lương khô, Cơ quan quân sự thị xã đã chuyển cho Ủy ban MTTQVN thị xã tổ chức cấp phát đến nhân dân tại các địa phương ngập lụt trên địa bàn. Trong đợt này, Bộ Quốc phòng hỗ trợ lương khô cho các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn, thị xã  Điện Bàn và thành phố Hội An. (THU HẰNG)

* Ngày 18.12, đại diện Báo Tuổi Trẻ (TP.HCM) đã đến vùng rốn lũ huyện Đại Lộc, TP.Hội An và thị xã Điện Bàn trao 300 suất quà (bao gồm gạo, mì tôm, nước đóng chai) nhằm chia sẻ những khó khăn của người dân ở đây sau đợt mưa lũ gây thiệt hại nặng nề vừa qua.

Đại diện Báo Tuổi Trẻ trao quà tại xã Đại Cường, Đại Lộc.
Đại diện Báo Tuổi Trẻ trao quà tại xã Đại Cường, Đại Lộc.

Bà Nguyễn Thị Gọn (50 tuổi, thôn Quảng Đại, xã Đại Cường) cho biết vừa rồi nước lũ ngập nhà bà khoảng 1,5m, hơn 10 sào gồm chuối, đậu, ớt bị ngập lũ và hư hỏng gần như hoàn toàn. “Gia đình hiện giờ khó khăn chồng chất. Nay nhận được những phần quà hỗ trợ bạn đọc báo Tuổi Trẻ gia đình vui lắm” - bà Gọn chia sẻ.

* Sáng 18.12, các bạn trẻ Hội Từ thiện Từ Tâm TP.Tam Kỳ cũng đã trao tận tay 70 suất quà gồm mì tôm, nước mắm, bánh mì cho bà con nhân dân thôn Tân Phú, xã Tam Phú và khối phố Hương Trà Đông, phường Hòa Hương - hai địa bàn vẫn còn ngập trong nước. Bạn Trần Vũ Minh Trang (đại diện Ban quản trị hội) cho biết chỉ qua hai ngày kêu gọi trên facebook, hội đã nhận được rất nhiều tấm lòng ủng hộ. Chủ quán trà sữa Bà Beo tài trợ chính với mì tôm và nước mắm, chị gái có nick name Dung Tran (tiệm bánh mì Sông Thu) ủng hộ 50 bịch bánh mì sandwich và nhiều nhà hảo tâm xin giấu tên.

* Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Giang (28 tuổi, hiện ở tổ 6, khối phố 2, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cũng thông qua facebook của mình đã kêu gọi được gần 50 triệu để trao quà cho bà con trong vài ngày tới.(THIÊN NGÂN)

* Chiều 17.12 đoàn từ thiện Hội đồng hương Duy Xuyên tại Hà Nội đã có mặt tại thôn Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên) để trao những phần quà cứu trợ đầu tiên đến với bà con.

 Những phần quà đầu tiên đã đến với người dân thôn Đông Bình. Ảnh: HẢI NAM
Những phần quà đầu tiên đã đến với người dân thôn Đông Bình. Ảnh: HẢI NAM

Đoàn công tác xã hội do đồng chí Lê Trung Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện dẫn đầu đã đến thăm hỏi, động viên tinh thần bà con vùng rốn lũ và trao nh

ững phần quà đầu tiên nhằm giúp người dân sớm vượt qua khó khăn, ổn định đời sống.
Người dân Đông Bình bắt đầu dọn lũ ngay khi nước rút Ảnh: HẢI NAM
Người dân Đông Bình bắt đầu dọn lũ ngay khi nước rút Ảnh: HẢI NAM

Được biết, đây là những suất quà do những người con Duy Xuyên hiện đang sinh sống tại Hà Nội quyên góp, trao tận tay cho người dân. Chị Dung đại diện đoàn cho biết: dù được sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng với tấm lòng của một người con đối với quê cha đất mẹ, khi nghe tin bà con quê mình đang phải gồng mình gánh lũ. Chị và các anh chị em trong hội vô cùng lo lắng, vội vã bay thẳng từ Hà Nội vào đây lúc 3 giờ sáng để thăm hỏi, động viên bà con. Những món quà mà Hội đồng hương Duy Xuyên tại Hà Nội đã sưởi ấm thêm tinh thần người dân kịp thời, để họ sớm khôi phục lại sản xuất, gây dựng lại cuộc sống sau lũ.

 Những hình ảnh ấm lòng bà con vùng lũ, mọi người không ngại nước ngập đã đến tận nơi hỏi thăm và động viên người dân. Ảnh: HẢI NAM
Những hình ảnh ấm lòng bà con vùng lũ, mọi người không ngại nước ngập đã đến tận nơi hỏi thăm và động viên người dân. Ảnh: HẢI NAM

Theo ông Nguyễn Sáu - Chủ tịch UBND xã Duy Vinh, trong đợt lũ vừa qua, hơn 80% trong tổng số 2.642 hộ trên địa bàn xã ngập trong mưa lũ, hơn 25 hec ta hoa màu mất trắng, 35 hec ta đầm tôm chìm trong biển nước. Thiệt hại ước tính khoảng 7 tỷ đồng. Một số hộ nuôi tôm do thả tôm giống trước lũ về nay trắng tay, ông Trần Én (thôn Vĩnh Nam, Duy Vinh, Duy Xuyên) một nông dân nuôi tôm trên địa bàn xã, bị thiệt hại nặng nề nhất cho biết: nước dâng cao quá nhanh không trở tay kịp, toàn bộ diện tích đầm tôm ngập sâu trong nước không thể cứu vớt. Sau lũ, lượng tôm nuôi trong hồ đã hơn một tháng, nhưng lũ về đột ngột thế này gia đình chúng tôi đã mất trắng, thiệt hại ước tính khoảng 500 triệu đồng. (HẢI NAM)

Hốt dọn đất đá, cây cối sạt xuống lòng đưòng. Ảnh: CÔNG TÚ
Hốt dọn đất đá, cây cối sạt xuống lòng đưòng. Ảnh: CÔNG TÚ

Kinh phí dự kiến khắc phục thông xe bước một hơn 11,5 tỷ đồng

Theo Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh, thống kê của ngành chức năng và đơn vị quản lý đường cho thấy, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho các tuyến quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT). 

Đối với QL do Trung ương ủy thác cho Quảng Nam quản lý (14B, 14D, 14E, 40B và 24C), hai tuyến QL14B và QL14D sạt lở có khối lượng khoảng 10.870m3, hiện được hốt dọn và thông xe bình thường. Trên tuyến QL40B, nhiều vị trí đất đá, cây cối đổ xuống lòng đường có khối lượng 45.600m3 gây ách tắc nghẽn giao thông, nhất là đoạn qua huyện Bắc Trà My. Đơn vị quản lý đường là Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam triển khai hốt dọn mấy ngày liền. Đến chiều tối qua, công tác khắc phục sự cố đã tạm ổn khi bảo đảm được giao thông để thông xe bước một. Kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu - cán bộ thuộc đơn vị quản lý đường thông tin, nước tràn qua ngầm Sông Trường và ngầm Nước Oa vào chiều nay đã rút, người và phương tiện lưu thông bình thường.

Ách tắc giao thông nặng và kéo dài nhất trong đợt mưa lũ này phải kể đến QL14E, làm chia cắt đi lại của người dân giữa hai huyện Hiệp Đức và Phước Sơn tại địa bàn xã Phước Hòa (Phước Sơn). Theo thống kê, vị trí km84+450 có khối lượng đất đá taluy dương sạt lở lên đến 55.000m3, km85+300 có khối lượng ước tính 35.000m3. Sau thời gian nỗ lực khắc phục, ngày hôm nay đã thông xe bước một tại lý trình km85+300. Xong nhiệm vụ ở vị trí trên, Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam tiếp tục chỉ đạo đưa 3 phương tiện chuyên dụng đi xuống km84+450 để hỗ trợ cùng 4 phương tiện thường trực suốt 3 ngày qua triển khai hốt dọn, vận chuyển đất đá đổ địa điểm khác. Đại diện đơn vị quản lý đường cho hay, ngày 19.12 mới có thể thông xe bước một qua km84+450. 

Ông Lê Văn Sinh cho biết, kinh phí dự kiến khắc phục thiệt hại, bảo đảm giao thông bước một các tuyến QL vào khoảng 9 tỷ đồng. Còn với các tuyến ĐT, kinh phí dự kiến khoảng 2,5 tỷ đồng. “Chúng tôi đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì QL, ĐT, đường thủy nội địa tiếp tục theo dõi tình hình mưa lũ. Đoạn nào chưa thông xe bước một hoặc đã thông xe thì vẫn thực hiện hốt đất sụt các vị trí gây tắc đường, rào chắn các vị trí sạt lở taluy âm. Cạnh đó, đơn vị đó phải phối hợp với các lực lượng chức năng để cảnh báo phân luồng giao thông” - ông Lê Văn Sinh nói.(CÔNG TÚ)