Tăk Pỏ không buồn
Dẫu chưa phải là một cái tên chính thức trong bản đồ hành chính, Tăk Pỏ vẫn mặc nhiên tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người như “thị trấn” duy nhất của Nam Trà My. Kể từ khi tái lập, “thị trấn trong tâm tưởng” ấy giờ đã ít nhiều có màu sắc của phố thị, rũ bỏ bớt những buồn lặng quá khứ sau mười ba năm dài…
Tăk Pỏ (xã Trà Mai) ở thời điểm hiện tại.Ảnh: N.C |
Từ UBND xã Trà Tập nhìn về bên kia sông Tranh, từng đoàn xe tải nối đuôi nhau qua cây cầu hướng về phía Tăk Pỏ. Một ngày nắng hiếm hoi của mùa đông, “thị trấn” hiện lên sau màn sương, thật khác với những lần chúng tôi đặt chân đến mảnh đất này trước đó. Dãy hàng quán bắt đầu nhộn nhịp theo con đường lớn chạy dài dọc sông Tranh, như một cánh cửa thoát khỏi những chật hẹp của quy hoạch cho Tăk Pỏ, từ bây giờ.
Đem siêu thị… lên rừng
Những năm về trước, ở lại Tăk Pỏ (thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My) luôn là một lựa chọn “bất đắc dĩ” của chúng tôi trong những hành trình về với vùng núi cao Nam Trà My công tác. Ngày ấy, Tăk Pỏ buồn hiu hắt với một nhà nghỉ bình dân, vỏn vẹn chiếc giường và một cái bàn con trong căn phòng trống. Đêm. Phải tìm mỏi chân mới thấy một quán ăn phục vụ sau khoảng 8 giờ tối, dành cho phần lớn là khách nhậu. Cái lạnh vùng cao giữ chân cư dân “thị trấn” ở trong nhà, thi thoảng mới nghe được tiếng động cơ xe vụt qua. Dăm ba quán xá tập trung ở gần ngã ba, ngay đầu con dốc dẫn xuống trung tâm hành chính huyện. Núi rừng xung quanh như một cái hộp khổng lồ nhốt chặt Tăk Pỏ vào ngã ba duy nhất này, nơi người dân tìm thấy mọi nhu cầu mua sắm.
Vậy nên, lời giới thiệu của anh bạn đồng nghiệp về một siêu thị mini ở Tăk Pỏ khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi trở lại vùng đất này. Ngay cả chính cư dân trong vùng cũng không thể hình dung một siêu thị hẳn hoi lại mọc lên ngay giữa lòng “thị trấn”, với tên gọi rất… Tây: Mini Mart Nam Trà My, với đủ loại hàng hóa, từ thực phẩm, quần áo, văn phòng phẩm… Hơn một năm tồn tại, khách hàng lui tới không chỉ là người dân ở Tăk Pỏ, mà còn có cả những người ở các nóc của Trà Linh, Trà Cang. Chúng tôi gặp một nhóm người Xê Đăng ở Măng Lùng đứng ở trước cổng siêu thị, đang chất hàng hóa vào gùi để trở về. “Họ mua nhiều lắm, mỗi người cả triệu đồng. Cứ mỗi lần xuống Tăk Pỏ là lại sắm sửa chật gùi để về nóc, từ quần áo đến mì tôm, mắm muối. Có đoàn cả chục người rủ nhau đi siêu thị. Từ khi khai trương, khách ngày càng đông, không chỉ vì tiện lợi mà giá cả được niêm yết rõ ràng, lại đầy đủ mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống” - chị Võ Thị Phương Oanh, chủ nhân của siêu thị Nam Trà My - kể.
Siêu thị mini Nam Trà My, được đưa vào hoạt động ở Tăk Pỏ từ hơn một năm trước. Ảnh: N.C |
Câu chuyện đem siêu thị… lên rừng của người phụ nữ trẻ này, kể ra cũng là một quyết định khá liều lĩnh. Những ngày đầu, cư dân thị trấn vẫn khá dè dặt, vì sợ giá cả ở siêu thị cao hơn so với bên ngoài và chưa quen với cách thức thanh toán tự động. Nhưng dần dà, sự tiện lợi cũng như chất lượng cạnh tranh của hàng hóa trong siêu thị đã thay đổi thói quen mua bán truyền thống. Bây giờ, từ gói mì tôm đến các mặt hàng gia dụng, bà con cũng tìm đến siêu thị để mua. Chất lượng hàng hóa ở đây được đảm bảo, chưa kể việc mua sắm cũng tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian cho bà con. Ngay cả đợt mưa lũ kéo dài vừa qua, huyện Nam Trà My bị cô lập gần một tuần song siêu thị vẫn đủ hàng thực phẩm cung ứng mà không tăng giá bán. Cận kề dịp tết, nhu cầu mua sắm lớn hơn, lượng hàng hóa ở siêu thị bắt đầu tăng cao so với ngày thường. “Tôi đang tính toán đến việc mở rộng quy mô siêu thị khi nhu cầu của bà con ngày một nhiều. Đồng thời nguồn hàng cũng được bổ sung phong phú, chất lượng với giá thành cạnh tranh. Không chỉ nhập hàng từ các nhà phân phối ở Tam Kỳ, siêu thị cũng liên kết với một số đại lý lớn để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ nhu cầu của người dân vùng cao” - chị Oanh tâm sự.
Định danh Tăk Pỏ
Một lãnh đạo tỉnh từng nhận xét rằng không có trung tâm hành chính cấp huyện nào chật chội, bức bối như Tăk Pỏ. Mà thật. Ngay cả chính quyền địa phương cũng một thời phải loay hoay với bài toán quy hoạch, khi không thể tìm ra không gian cho “thị trấn”. Những trụ sở, trường học, đến bây giờ vẫn nằm chênh vênh theo sườn dốc. Đỉnh đồi, nơi từng được san ủi mở rộng mặt bằng cũng đối mặt với chuyện sạt lở. Thành thử, hơn mười năm, cư dân Tăk Pỏ phải sống chen chúc, chật hẹp. Năm 2012, hàng trăm cán bộ giáo viên ở Nam Trà My từng một phen phải lao đao khi địa phương triển khai chi trả tiền lương qua tài khoản ngân hàng, mà cả huyện không có nổi một cột ATM rút tiền. Phải mất cả ngày đường, chuyến xe khách hiếm hoi mới đưa được người dân xuống phố. Hàng hóa không chỉ khan hiếm, mà chất lượng cũng không đảm bảo. “Thị trấn” ngày đó buồn lặng dưới chân dãy Ngọc Linh, khắc khổ như gương mặt của những phụ nữ Xê Đăng chiều chiều vẫn gùi củi ra đổi cho các tiệm ăn.
Vậy mà giờ đây trở lại, một nhịp sống khác như đang hiện diện ở nơi này, khi không chỉ có chợ trung tâm, quán xá nhộn nhịp mà ngay cả cột ATM và thêm một cây xăng nữa cũng đã được dựng ở Tăk Pỏ. Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu - nói với chúng tôi rằng, Tăk Pỏ đang từng ngày thoát khỏi “chiếc hộp” chật hẹp của quy hoạch ngày trước. “Quy mô dân số, điều kiện hạ tầng và một số dịch vụ khác đang được mở rộng, hứa hẹn đưa Tăk Pỏ chính thức trở thành thị trấn vào năm 2019. Hiện tại, chúng tôi đã hình thành quy hoạch mới với tổng diện tích xấp xỉ 70ha về phía bên kia sông Tranh, thuộc địa phận xã Trà Tập. Quỹ đất đó sẽ là tiền đề để phát triển thị trấn, xứng tầm với trung tâm hành chính cấp huyện, là một trong những cửa ngõ lên vùng Tây Nguyên” - ông Bửu hồ hởi. Chiến lược phát triển của Nam Trà My hướng tới mục tiêu trở thành “thủ phủ” cây dược liệu cũng đang mở ra một vận hội mới cho Tăk Pỏ. Hệ thống các nhà nghỉ, nhà lưu trú đang ngày một dày lên như một minh chứng của vận hội ấy. Năm 2017, địa phương sẽ tổ chức lễ hội sâm núi Ngọc Linh - lễ hội đầu tiên dành riêng quảng bá cây sâm Ngọc Linh và các cây dược liệu tầm quốc gia. Từ một cái tên “không chính thức” trên bản đồ hành chính, Tăk Pỏ đang bước những bước tiến đến một tương lai khác cho chính mình, đi qua gian khó ngày cũ.
Trưa. Chúng tôi ngồi lại ở ngay ngã ba đầu con dốc dẫn xuống trụ sở UBND huyện. Phía chợ trung tâm, bên cạnh những rộn ràng bán mua là chuyến xe đang hối hả chất hàng chờ đến giờ xuất phát. Từ Tăk Pỏ, mỗi ngày khách có thể đón xe xuôi về Tam Kỳ, Đà Nẵng, hay ngược lên Tu Mơ Rông (Kon Tum). Những chuyến xe không còn về xuôi như rời đi khỏi những lặng vắng xa xưa của Tăk Pỏ, mà đều đặn trở về, góp thêm một chút đổi thay. Để Tăk Pỏ thôi không còn buồn…
Ghi chép của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC