Bức tranh kinh tế châu Á năm 2017

QUỐC HƯNG 17/12/2016 15:21

(QNO) - Bất chấp khó khăn kinh tế toàn cầu, kinh tế khu vực châu Á vẫn tăng trưởng ổn định vào năm tới.

Báo cáo của Ngân hàng châu Á (ADB) về tăng trưởng kinh tế năm 2016 và triển vọng cho năm sau được công bố vào ngày 13.12 vừa qua. Theo đó, kinh tế châu lục vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 5,6-5,7% trong hai năm liên tiếp 2016-2017, thậm chí kéo dài sang năm 2018. Đây là tỷ lệ tăng trưởng khá lạc quan trong khi kinh tế toàn cầu chỉ đạt tăng trưởng khoảng 3% năm nay và cho cả năm tới. Phó Trưởng ban Kinh tế Juzhong Zhuang của ADB nhận định: "Kinh tế toàn cầu đối mặt với tính không xác định. Trong điều kiện như vậy, các nền kinh tế châu Á vẫn duy trì mức tăng mạnh mẽ. Cuộc cải cách mang tính kết cấu đang diễn ra tại khu vực sẽ nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường đầu tư, kích cầu trong nước, điều này có lợi cho duy trì xu hướng phát triển kinh tế sau này".

Tăng năng suất lao động, một trong những mục tiêu tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á (ảnh: todayonline)
Tăng năng suất lao động, một trong những mục tiêu tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á (ảnh: todayonline)

Dù châu Á cũng chứng kiến sự chậm lại đôi chút của nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực là Ấn Độ, tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Á nói chung vẫn bật lên 6,9% vào năm 2017 so với 6,6% của năm nay. Còn Đông Á giảm nhẹ từ 5,8% năm 2016 xuống 5,6% năm 2017. Một trong những nguyên do là nền kinh tế lớn thứ nhất khu vực châu Á và thứ hai thế giới - Trung Quốc được dự báo chỉ đạt mức tăng trưởng 6,4% năm tới so với 6,6% năm trước đó. Các chuyên gia kinh tế đánh giá nợ tăng và rủi ro thị trường bất động sản có thể khiến Trung Quốc phải điều chỉnh mạnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2017. Cụ thể, mức nợ của Trung Quốc (từ cả nhà nước và khu vực tư nhân) đã tăng vọt lên đến 250% GDP từ mức 150% GDP của 10 năm trước đây. Bloomberg cho biết một trong những thách thức khác mà hai nền kinh tế lớn của khu vực cần quan tâm. Đó là Trung Quốc sẽ phải tập trung giải quyết các thách thức liên quan tới nguy cơ về môi trường, trong khi Ấn Độ ưu tiên đầu tư vào giáo dục.

Khu vực Thái Bình Dương tăng trưởng tốt, đạt 3,3% năm tới so với 2,7% của năm nay. Đăc biệt, khối Đông Nam Á vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ở mức 4,6-5% năm 2017 so với 4,5% năm 2016, khi nhu cầu của các nền kinh tế phát triển tăng đột biến và giá cả hàng hóa xuất khẩu tăng cao hơn. Tại hội thảo châu Á năm 2017 diễn ra hôm thứ Tư (14.12) tại New York (Mỹ), các chuyên gia kinh tế đánh giá Việt Nam, Philippines và Maylaysia tăng trưởng mạnh hơn so với nhiều quốc gia thành viên trong khối nhờ vào gia tăng tiêu thu nội địa, đầu tư trong lĩnh công và tư. Tuy nhiên, Malaysia và Indonesia rất dễ bị tổn thương trước nguy cơ bị tấn công của các tay súng phong trào Hồi giáo tự xưng (IS).

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nhà hoạch định chính sách khu vực cần theo dõi nguy cơ xảy ra đảo ngược dòng vốn do những thay đổi về chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển, đặc biệt là Mỹ. Bên cạnh đó là rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu đối với khu vực châu Á, tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Theo Quỹ tiền tệ quốc tế, châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá sẽ tiếp tục dẫn đầu thế giới về tăng trưởng kinh tế, nhưng cần có chính sách phát triển cân bằng và bền vững hơn, các nước mới nổi hàng đầu tại khu vực cần đẩy mạnh cải cách nhằm thúc đẩy đầu tư vào hạ tầng và nâng cao năng suất lao động.

QUỐC HƯNG

QUỐC HƯNG