Chuyện dưới chân Hòn Tàu

NGÔ PHÚ THIỆN 16/12/2016 08:47

Một làng nhỏ dưới chân núi Hòn Tàu của huyện Quế Sơn, gần đây mới được hé lộ một “bi tráng sử” của thời chiến tranh, mà có lẽ còn ít người biết đến. Đó là sự cống hiến và hy sinh tất cả cho sự nghiệp cách mạng của gia đình ông Ngô Châu và bà Nguyễn Thị Tạ, ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp.

Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Viết Hữu ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, Quế Sơn. Ảnh: PHÚ THIỆN
Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Viết Hữu ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, Quế Sơn. Ảnh: PHÚ THIỆN

Theo lời ông Mai Xuân Hương - nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Quế Sơn: Ngay từ những ngày đầu chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “Tố cộng, diệt cộng”, ở xã Quế Hiệp, gia đình ông Ngô Châu đã gánh chịu nhiều tai ương. Cũng vì sự bạo tàn của Mỹ ngụy mà cả gia đình nông dân nghèo này đều tích cực tham gia kháng chiến. Chỉ trong vòng hơn 12 năm (1960 - 1973) gia đình này cả cha mẹ và các con lần lượt qua đời, trong đó có 4 người là liệt sĩ; một người con được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và người mẹ là liệt sĩ - Bà mẹ Việt Nam anh hùng…

1. Câu chuyện bi thương mà rất đỗi hào hùng của gia đình mẹ Tạ giờ đây mới được nhiều người nhớ và kể lại. Đầu tiên là chuyện về người chủ gia đình - ông Ngô Châu. Ngay từ lúc chính quyền ngụy thực hiện Luật 10/59, ông Ngô Châu đã bị bọn bảo an bắt vào tù tra tấn vì có tham gia cách mạng trong thời kháng chiến chống Pháp. Sau gần một năm ở tù, bị đánh đập dã man, nên ra tù được thời gian ngắn ông lâm bệnh, qua đời. Lúc bấy giờ người vợ góa Nguyễn Thị Tạ phải một mình tay xách nách mang, đưa 8 đứa con nheo nhóc trốn vào núi Hòn Tàu để tránh bom đạn. Nhưng rồi, địch càn lên bắn phá, ruộng đồi khô cháy, bà mẹ góa bụa không giữ nỗi đàn con trọn vẹn. Vì thiếu đói, bệnh tật 4 người con đầu đành đoạn bỏ mẹ, ra đi. May mắn về sau, được bà con làng xóm giúp đỡ mẹ Tạ giữ lại được 3 người con trai và cô gái út. Khi làng Nghi Sơn được cách mạng về giải phóng (năm 1965), mẹ Tạ đưa 4 người con trở về làng rau cháo nuôi nhau.

Từ năm 1976 đến 1985, gia đình mẹ Nguyễn Thị Tạ đã lần lượt được Nhà nước công nhận, cấp: 4 Bằng công nhận liệt sĩ, 1 Bằng Tổ quốc ghi công, 1 Huân chương Độc lập; 4 Huân chương Kháng chiến (các loại), truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho liệt sĩ Nguyễn Thị Tạ. Đặc biệt, liệt sĩ Ngô Viết Hữu là người được tôn vinh và truy tặng nhiều danh hiệu nhất trong gia đình. Trước khi hy sinh, mới 24 tuổi đời, Ngô Viết Hữu đã được tặng thưởng: 3 Huân chương Chiến công Giải phóng (hạng Nhì); 1 Huân chương Chiến công Giải phóng (hạng Ba); 3 lần được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp quân khu; 11 lần được vinh danh Dũng sĩ. Sau khi hy sinh, liệt sĩ Ngô Viết Hữu được Nhà nước truy tặng 2 Huân chương Kháng chiến (hạng Nhất và Nhì), truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 3.6.1976).

Bằng tình thương dành cho mẹ và sẵn lòng căm thù giặc, chưa tròn 17 tuổi, anh Ngô Viết Tiến - con trai lớn nhất trong số 4 người con còn sống sót - đã giấu mẹ để tham gia vào du kích thôn. Sau một năm công tác, anh đủ tuổi được cấp trên chuyển lên Đội du kích xã, làm Tiểu đội trưởng. Qua hai năm chiến đấu ở địa phương, anh Tiến tỏ rõ bản lĩnh gan dạ, mưu trí nên được chuyển lên làm Đại đội phó, đơn vị 105 của Huyện đội Quế Sơn. Thế nhưng, trong lúc chỉ huy đơn vị đánh chặn quân ngụy đi càn ở Phú Diên, anh Ngô Viết Tiến đã anh dũng hy sinh, vào ngày 2.7.1970.

2. Nối gót theo anh, vừa đúng 17 tuổi Ngô Viết Hữu đã xin mẹ tham gia du kích. Khi anh Tiến vừa chuyển lên Huyện đội Quế Sơn, thì anh Ngô Viết Hữu là Trung đội trưởng du kích xã Sơn Trung (xã Quế Hiệp ngày nay). Khí chất anh hùng của Hữu bộc lộ khá sớm và có phần nổi trội hơn anh mình. Vào cuối năm 1965, trong một lần đi bảo vệ thương binh qua cánh đồng trống thôn Lộc Đại, một mình Hữu phải đương đầu với 2 chiếc trực thăng của Mỹ. Anh vừa khéo léo giấu cáng thương giữa đồng vừa tìm cách lừa 2 chiếc trực thăng hướng về phía mình. Khi chiếc tàu gáo sà xuống, định bắt sống anh thì bất ngờ ăn gọn loạt đạn của Hữu và bốc cháy… Chiếc còn lại tìm đường tẩu thoát và anh cùng cáng thương cũng thoát “cửa tử”, về đến trạm an toàn. Sau chiến công đầu này, Ngô Viết Hữu được cấp trên điều động về đơn vị V10 của Huyện đội Quế Sơn. Khoảng trong hai năm ở đơn vị mới, Ngô Viết Hữu đã liên tiếp lập nhiều chiến công xuất sắc và được bầu là Chiến sĩ thi đua cấp quân khu. Mới 20 tuổi, Ngô Viết Hữu đã được cấp trên đặc biệt chú ý và đề bạt giữ chức Đại đội trưởng Đại đội Đặc công (V16) Tỉnh đội Quảng Nam. Từ năm 1968 đến 1972, khắp chiến trường trong tỉnh, từ vùng tây Quế Sơn, đông Thăng Bình đến bắc Tam Kỳ, Tiên Phước, Phước Sơn… nơi đâu kẻ thù cũng “nghe danh, biết tiếng” tay đặc công Bảy Hữu. Anh chỉ huy hàng trăm trận đánh xuất thần và chưa một lần chịu thất bại. Có lẽ chiến thuật “Nở hoa trong lòng địch” của anh sử dụng trong những trận đánh ở Thăng Bình đến bây giờ vẫn còn nhiều người nể phục, như trận tập kích đồn Núi Rướng (xã Bình Phục, năm 1968), các chốt điểm chợ Chiều (Hà Lam, năm 1969), đồn Nghĩa Hòa (xã Bình Nam, năm 1970)…

Đầu năm 1972, Ngô Viết Hữu được cấp trên điều động về Ban chỉ huy Tiểu đoàn, giữ chức Trưởng ban Đặc công Tỉnh đội Quảng Nam. Những tưởng từ đây anh không còn trực tiếp chỉ huy đơn vị chiến đấu, nhưng tình hình chiến sự trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động lớn. Khi hội đàm Paris về chiến tranh Việt Nam được nhóm họp trở lại, Mỹ ngụy tăng cường càn quét để lấn chiếm vùng giải phóng. Chúng củng cố và tăng cường hỏa lực mạnh trên cao điểm Chà Vu (thuộc xã Tam Lộc, Phú Ninh bây giờ) với ý đồ mở rộng vùng chiếm đóng. Để hạ được đồn Chà Vu và phá tan kế hoạch bình định của địch, Ban chỉ huy Tỉnh đội lại cắt cử Ngô Viết Hữu về chỉ huy Đại đội V16 để điều nghiên và tập kích đồn. Chỉ trong nửa đêm về sáng ngày 13.4.1972, đơn vị V16 của Ngô Viết Hữu đã diệt gọn tiểu đoàn quân ngụy trên các chốt điểm của đồn Chà Vu. Nhưng lúc gần sáng, khi đơn vị anh rút quân xuống núi thì bị trọng pháo của địch bắn xối xả. Lúc đó Ngô Viết Hữu đang dìu đồng đội bị thương, bị quả đại bác nổ gần và anh đã hy sinh ngay sau chiến thắng vang dội.

3. Chưa kịp mãn tang anh Tiến thì anh Hữu đã nằm lại chiến trường bắc Tam Kỳ. Mẹ Nguyễn Thị Tạ tưởng chừng không gắng gượng nổi để nuôi cô gái út, vì lúc này người con trai còn lại là Ngô Viết Tường cũng đã tham gia bộ đội địa phương. Nhưng rồi không biết sức mạnh nào đã giúp mẹ trụ vững, không chỉ chăm lo cho con mà còn tích cực tham gia công tác phụ nữ của xã. Hàng ngày mẹ đi vào các xóm làng quyên góp lương thực, thực phẩm cho bộ đội và nguyện cầu cho đứa con trai duy nhất bình an. Nhưng sự nghiệt ngã của chiến tranh đã không thấu hiểu nỗi lòng của bà mẹ nghèo. Trong trận chặn địch đi càn ở xã Phú Thọ (ngày 15.4.1973), Đại đội trưởng D2 Ngô Viết Tường kiên cường chiến đấu và đã hy sinh. Chưa cạn nước mắt khóc người con trai thứ 3, chỉ vài tháng sau mẹ Nguyễn Thị Tạ cũng hy sinh trên đường công tác, khi mẹ đang đi quyên góp gạo cho du kích thì bị bọn Mỹ phục kích sát hại…

Cả mẹ và 3 người anh trai đã lần lượt hy sinh, bỏ lại cô em gái út bé bỏng không còn ai nương tựa. Dù cuộc chiến tranh còn đang khốc liệt, nhưng đồng đội của các anh vẫn cố gắng khắc phục để đưa cô em gái út Ngô Thị Thuật vào mật cứ Hòn Tàu nuôi dưỡng… Sau khi Ngô Thị Thuật được đưa ra miền Bắc ăn học và trở về dạy học ở Tam Kỳ đã may mắn gặp lại người bạn chiến đấu cũ của anh hùng Ngô Viết Hữu - đó là bác Nguyễn Văn Vân. Từ đó bác Vân đã dốc cả tâm lực để cùng chính quyền các cấp và đơn vị các anh làm lại hồ sơ, đề nghị công nhận liệt sĩ cho các anh và phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho mẹ Tạ.

Và hôm nay, vợ chồng cô Ngô Thị Thuật - Phạm Hùng đã thực hiện được tâm nguyện lớn với cha mẹ và các anh là xây dựng ngôi nhà tưởng niệm mới, ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, lấy tên Nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Ngô Viết Hữu. Hoàn thành công trình mang ý nghĩa tri ân lớn lao này, đã có sự vào cuộc nhiệt thành, bằng cả lương tâm và trách nhiệm của các cấp chính quyền, của những đồng đội cũ, suốt thời gian dài. Giờ đây, ngôi nhà tưởng niệm ở Nghi Sơn không chỉ là nơi hương khói cho các thành viên trong gia đình mẹ Tạ mà cũng là điểm di tích để giáo dục sinh động truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương.

NGÔ PHÚ THIỆN

NGÔ PHÚ THIỆN