Hơn 700 ngôi nhà, gần 3.400ha hoa màu ngập trong lũ
|
Điện Bàn: Một người bị lũ cuốn mất tích
(QNO) - Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vừa có báo cáo nhanh về tình hình mưa lũ, tính đến 10 giờ ngày 15.12.
Theo đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 11 đến 15.12, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn trên diện rộng, với tổng lượng mưa phổ biến 200 - 300mm. Một số địa phương có lượng mưa lớn hơn như: Hiệp Đức 700mm, Nông Sơn 573mm, Tiên Phước 532mm, Trà My 474mm…
Vựa rau tết tại làng rau Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) tan hoang trong lũ. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Về tình hình tàu thuyền, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, theo thông tin của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (qua điện thoại), hiện nay có 5 tàu xa bờ/113 lao động hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa. Cụ thể có 2 tàu/78 lao động hành nghề câu mực; 3 tàu/35 lao động hành nghề lưới vây.
Qua kiểm tra thực tế ngày 14.12 tại Đại Lộc, Điện Bàn và theo báo cáo nhanh của các địa phương, đơn vị, sơ bộ tình hình thiệt hại trên địa bàn tỉnh được tổng hợp như sau:
Về nhà cửa có 716 nhà bị ngập (Hội An 694 nhà, Nông Sơn 22 nhà); 10 hộ di dời tại Quế Sơn.
Về hoa màu có khoảng 3.397ha bị ngập (Đại Lộc 1.294 ha, Điện Bàn 233ha, Quế Sơn 1.000 ha, Hội An 870ha).
Lũ lên nhanh trên các sông Vu Gia - Thu Bồn do ảnh hưởng xả lũ Cũng theo Đài Khí tượng thuỷ văn, đêm nay và sáng 16.12, mực nước các sông tiếp tục lên cao, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên trên mức báo động 3 gần 1m; sông Thu Bồn tại Giao Thuỷ, Câu Lâu và Hội An tiếp tục lên trên mức báo động 3 từ 0,2- 0,4m. Cấp báo động lũ là cấp 2-3. (HOÀNG LIÊN) |
Về giao thông trên quốc lộ, sạt lở ta luy dương, tổng khối lượng sạt lở khoảng 25.000m3, trong đó tuyến quốc lộ 40B đoạn từ km100-km141+080 sạt lở nhiều vị trí với khối lượng lớn; sạt lở ta luy âm tại 5 vị trí, tổng chiều dài khoảng 80m; tường chắn ta luy dương bị đẩy trồi tại km133+00 quốc lộ 40B, chiều dài 60m; rãnh dọc và mặt đường bị đẩy trồi tại km135+350 quốc lộ 40B, chiều dài 30m; 4 cống bị lấp và hư hỏng hạ lưu; tuyến quốc lộ 40B bị ngập nước tại các ngầm tràn gây tắc giao thông như ngầm km38+440, ngầm Sông Trường (km62+378) và ngầm Nước Oa (km62+880).
Tình hình thiệt hại giao thông trên tỉnh lộ, tuyến ĐT606 (đoạn qua Tây Giang) sạt lở ta luy dương, tổng khối lượng khoảng 1.700m3; tuyến ĐT611 tại km27+950 sạt lở ta luy âm dài 27m, xói lở tạo hàm ếch vào mặt đường nhựa dài 5m (trái tuyến). Tại km28+100, sạt lở ta luy âm và rãnh dọc (trái) dài 8m, sâu 4m và có nguy cơ sạt lở tiếp. Tại km32+970 sạt lở lề đường đến sát mép nhựa dài 10m, sâu 2m. Các tuyến còn lại bị ngập nước cục bộ như ĐT608, ĐT609, ĐT610. (VĂN HÀO - TRIÊU NHAN)
* Hôm nay, nước lũ từ thượng nguồn tiếp tục đổ về gây ngập nặng, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Nông Sơn bị chia cắt, nhiều diện tích cây lúa và hoa màu của nhân dân bị ngập sâu trong nước, toàn bộ các trường học trên địa bàn huyện đồng loạt cho học sinh nghỉ học từ ngày 14.12.
Hiện nay, tất cả các tuyến đường từ trung tâm huyện Nông Sơn đi các xã bị chia cắt hoàn toàn. Cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu khe Sé, cầu Nà Manh còn ngập 1,0 - 1,5m. Đoạn đường ĐT611 (Quế Trung đi Quế Lộc), ĐT610 (Quế Trung đi Khương Quế) ngập trên 1m, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Mưa lũ cũng khiến tuyến đường ĐT611 đoạn qua đèo Le sạt lở 15m bê tông, đoạn cầu treo đi thôn Thạch Bích (xã Quế Lâm) sạt lở khoảng 50m với khối lượng đất khoảng 4.000m3. Sạt lở 80m kênh bê tông thuộc kênh chính đập Nà Bò. Bồi lấp nhiều tuyến kênh với khối lượng trên 200m3 đất đá. Mưa lũ đã làm 31ha diện tích lúa nước trời, 5ha diện tích hoa màu và 17 ngôi nhà dân bị ngập.
Nhiều khu dân cư do đường sá chia cắt nên bị cô lập. Ảnh: VINH THÔNG |
Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp hoạt động của đới gió đông trên cao, từ ngày 13.12 đến nay trên địa bàn huyện Nông Sơn đã liên tục xảy ra các đợt mưa lớn, tổng lượng mưa đo được từ 1 giờ ngày 13.12 đến 7 giờ ngày 15.12 tại Trạm Thủy văn Nông Sơn là 490,6 mm. Lúc 7 giờ ngày 15.12 mực nước sông Thu Bồn tại Nông Sơn là 12,75m và đang xuống chậm, hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn mưa vừa và nước luc đang xuống rất chậm.
Ông Đỗ Đình Long - Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn cho biết: “Lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo cho các địa phương thường xuyên nắm tình hình, thông báo kịp thời tình hình mưa lũ, tổ chức lực lượng cảnh giới, chốt chặn những tuyến đường ngập sâu, có thể xảy ra lũ quét, lũ ống. Nghiêm cấm các đò ngang, đò dọc đi lại trên sông Thu Bồn, chỉ đạo cho các địa phương không để cho nhân dân những vùng bị cô lập bị thiếu đói”.
UBND huyện Nông Sơn đã đi kiểm tra nắm tình hình và chỉ đạo các địa phương tổ chức khắc phục ban đầu. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực và triển khai các phương án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do mưa lũ gây ra. (PHAN VINH - MINH THÔNG)
* Tính đến 17 giờ chiều nay 15.12, lũ vẫn tiếp tục lên cao, đe dọa chia cắt cục bộ nhiều nơi trên địa bàn thị xã Điện Bàn, dự báo khuya nay nước sẽ đạt đỉnh vượt mức báo động 3 trên 50cm.
Xã Điện Phong đã bị nước dâng cao chia cắt. Ảnh: K.L |
Nặng nhất vẫn là xã Điện Phương, nhiều nơi đã bị ngập nặng gây chia cắt cục bộ và thiệt hại hoa màu. Còn tại xã Điện Phong đến thời điểm hiện tại nước đã chia cắt hoàn toàn các thôn với nhau. Riêng tuyến đường chính ĐH60B kết nối vùng Gò Nổi xuống quốc lộ 1 nhiều đoạn đã bị ngập sâu 0,5 - 1m. Theo ông Lê Lai - Chủ tịch UBND xã Điện Phong, từ 15 giờ chiều nay nước đã bắt lớn nhanh, hiện tất cả các gò, bãi trồng hoa màu của người dân trong xã bị ngập hoàn toàn, hàng chục hecta ớt cũng đã bị hư úng. “Đợt lũ vừa rồi (3.12) một số bà con bứng ớt về dưỡng, chỉ mới trồng lại vài ngày nay nhưng chừ thì mất trắng rồi. Bây giờ nghe nói lũ lên cao nữa nên xã đã thông báo người dân tập trung dọn dẹp, di dời tài sản để chủ động phòng chống lũ lụt” - ông Lai nói.
Nước lũ khiến một người dân Điện Thọ mất tích. Ảnh: K.L |
Tại xã Điện Thọ, mực nước tuy dâng chậm nhưng một số nơi cũng đã bắt đầu ngập tràn, nghiêm trọng nhất là tuyến đường ĐH1 (Phong Thử đi Đà Nẵng) đã bị chia cắt, hạn chế đi lại của người dân. Ông Trần Công Luyến - Chủ tịch UBND xã Điện Thọ cho biết, lúc 13 giờ chiều nay lũ đã cuốn trôi mất tích một người dân địa phương. Nạn nhân là ông Trần Văn Lại (1954, trú thôn Phong Thử) trên đường chở chị gái về quê, khi qua địa phận thôn Hạ Nông Tây (Điện Phước) bị rơi vật dụng nên dừng xe lại xuống vớt thì gặp nạn, đến nay vẫn chưa tìm thấy tung tích. (KHÁNH LINH)
Dự báo lũ dâng nhanh trong ngày 16.12 Chiều 15.12, Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương phát đi thông báo về tình hình lũ trên các sông từ Quảng Bình vào đến Phú Yên. Riêng tại Quảng Nam, vào khoảng 13 giờ cùng ngày, mực nước sông Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa 8,49m, trên mức báo động 2 là 0,49m với lưu lượng xả hồ Sông Bung 4 cùng thời điểm là 1465m3/s, Đắk Mi 4 là 1330 m3/s. Mực nước Sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt 7,41m ở mức báo động 2; tại Câu Lâu là 3,59m, dưới mức báo động 3 là 0,41m; tại Hội An là 2,01m, ở mức báo động 3, với lưu lượng xả hồ Sông Tranh 2 là 2550m3/s. Dự báo đêm nay và sáng sớm mai (16.12), lũ trên các sông ở Quảng Nam sẽ tiếp tục lên, nhiều điểm lên trển mức báo động 3. Cụ thể, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có thể lên 9,8m, trên báo động 3 0,8m. Mực nước Sông Thu Bồn tại Giao Thủy lên 9,1m, trên báo động 3 là 0,5m; tại Câu Lâu lên 4,5m, trên báo động 3 là 0,5m; tại Hội An lên 2,5m, trên báo động 3 là 0,5m. Tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng nghiêm trọng được dự báo sẽ diễn ra trên địa bàn các huyện Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Duy Xuyên, Tiên Phước, Nông Sơn, Bắc Trà My. Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương cảnh báo đây là đợt lũ đặc biệt lớn xảy ra trên diện rộng, kéo dài. Tình hình lũ còn diễn biến rất phức tạp. Nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, ven sông và mưa lũ ảnh hưởng đến an toàn các hồ chứa với mức cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai ở cấp 3. Các địa phương được yêu cầu tiếp tục khẩn trương triển khai các biện pháp phòng tránh lũ, giảm thiệt hại về người và của do lũ. Để chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ và tổ chức công tác tuyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết, chủ động các biện pháp phòng tránh, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương triển khai thực hiện. Cụ thể, UBND tỉnh yêu cầu Đài phát thanh - truyền hình Quảng Nam thường xuyên đưa tin về diễn biến mưa lũ, tình hình vận hành, điều tiết của các thủy điện và công tác chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa lũ để nhân dân, các cơ quan, đơn vị, địa phương biết, chủ động phòng tránh. Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của tình hình mưa lũ để chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với diễn biến của thiên tai; phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam để kịp thời thông tin, truyền thông đến nhân dân được biết; phối hợp với các chủ đập thủy điện tính toán, quyết định việc vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện đảm bảo theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông, chỉ đạo tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh; tổ chức kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở các vùng ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, vùng hạ du chịu ảnh hưởng do vận hành xả lũ các hồ chứa thủy điện, các xã có đường cao tốc đi qua (đặc biệt tại các vị trí có khả năng có dòng nước chảy xiết tại các cống qua đường, cống chui dân sinh); sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cấp thiết thực hiện sơ tán, di dời nhân dân đến nơi an toàn khi có các tình huống xấu xảy ra; bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; cương quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực nguy hiểm, nơi dễ sạt lở đất; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi thực hiện kiểm tra, quan trắc đập để kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố có thể xảy ra; nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lụt sâu để chuyên chở người, hàng hóa; nghiêm cấm việc vớt củi trong lũ; nghiêm cấm việc đánh bắt cá trên sông, trên các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết; căn cứ tình hình mưa lũ thực tế trên địa bàn chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên nghỉ học để đảm bảo an toàn. Các đơn vị quản lý hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện thực hiện trực ban 24/24 giờ; kiểm tra, quan trắc đập, kịp thời phát hiện và xử lý các sự cố; theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước các hồ chứa nước, thường xuyên báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên; thực hiện tốt việc thông báo, điều tiết xả lũ linh hoạt và theo đúng Quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại, UBND tỉnh yêu cầu tất cả các lực lượng cứu nạn, cứu hộ duy trì lực lượng và phương tiện, sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. (T.C) |