Những người đi B năm ấy
Sau khi Hiệp định Pari năm 1973 được ký kết về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, Lâm trường Trà My cũng được thành lập tại Sông Bui, thuộc xã Trà Bui, huyện Trà My nay là huyện Bắc Trà My. Trong những năm đầu thành lập, lâm trường có hơn 200 cán bộ, công nhân viên, trong đó có gần 100 người là con em của các tỉnh phía bắc đã vào miền Nam theo con đường dân sự (gọi tắt là đi B) để chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc hội ngộ hai miền Nam - Bắc tại Hà Nội của gia đình những người công tác ở Lâm trường Trà My năm xưa. Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Mới đây, chúng tôi - những cán bộ, công nhân viên ở miền Nam của Lâm trường Trà My có chuyến ra bắc tìm thăm những người đồng chí, đồng đội đi B năm xưa.
1. Trong số những người đi B năm ấy, có người là kỹ sư, trung cấp chuyên hay hoàn thành chương trình THPT. Tuổi đời và trình độ chuyên môn tuy chênh lệch nhau nhưng họ đều có chung lý tưởng, tinh thần phấn đấu vượt qua khó khăn gian khổ để bảo vệ và xây dựng quê hương sau những năm dài khói lửa chiến tranh. Như anh Hoàng Thái Hồng, quê ở xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương (Nghệ An), vừa tốt nghiệp trung cấp lâm sinh đã nhận quyết định về Ban Lâm nghiệp khu Trung Trung Bộ, sau đó được điều động về công tác tại Lâm trường Trà My. Với những kinh nghiệm đã được học cùng với sự chịu thương chịu khó giúp anh nhanh chóng tiếp cận công việc và hòa nhập cuộc sống. Ngoài tích cực tham gia công tác thiết kế khai thác gỗ, thiết kế đường vận xuất, vận chuyển, thiết kế khoanh nuôi, bảo vệ rừng, anh còn phụ trách công tác điều tra khí hậu, thổ nhưỡng, ươm cây giống, trồng rừng. Ở thời điểm đó, anh Hồng là một trong những người được coi là “con cưng” không chỉ của lâm trường mà còn của Ban Lâm nghiệp khu Trung Trung Bộ. Bởi lúc bấy giờ anh nhận mặt được hơn 95% số cây rừng, nhờ vậy mà biết chọn giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng của từng khu vực để phát triển tốt, góp phần nhanh chóng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc đúng với phương châm “đất nào cây ấy”.
Nhắc đến anh Hồng, ông Hoàng Đình Bá - nguyên Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh còn nhớ: “Hoàng Thái Hồng không chỉ nhận mặt cây đứng giỏi mà còn rất sành sỏi trong việc nhận mặt gỗ xẻ. Chính vì thế mà anh đã tham mưu cho ngành phát triển tài nguyên rừng một cách hiệu quả trên từng khu vực, từng chất đất. Đồng thời giúp ngành thực hiện thắng lợi việc phân định nhóm gỗ xẻ để xuất bán với giá chính xác, hợp lý, tránh được những thất thoát không đáng có, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế”.
2. Cũng như nhiều đồng đội, anh Phạm Quang Việt, quê ở tận Thái Thụy, Thái Bình, vừa tốt nghiệp khóa trung cấp chế biến gỗ tại Hà Nội đã nhận quyết định về Ban Lâm nghiệp khu Trung Trung Bộ và được điều về Lâm trường Trà My làm tổ trưởng tổ xẻ gỗ. Thời gian này, xưởng xẻ gỗ dựng ẩn dưới tán cây rừng, máy phát điện thì được bố trí dưới hầm để máy bay địch khó phát hiện. Cũng có khi nhiều ngày liền bị máy bay địch ném bom oanh tạc nên tổ xẻ gỗ phải sản xuất vào ban đêm. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng anh Việt cùng anh chị em trong tổ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xuất bán ra nước ngoài được hàng trăm mét khối gỗ xẻ các loại thu ngoại tệ về làm giàu cho đất nước. Đặc biệt, nhận chỉ thị của cấp trên, tổ của anh Việt đã khẩn trương xẻ hàng chục mét khối gỗ nhóm I, kịp thời vận chuyển ra Hà Nội góp phần xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành đúng tiến độ.
Bà Nguyễn Thị Nội (mẹ của anh Phạm Quang Việt) kể lại những kỷ niệm trong chuyến đến Trà My để thăm con trai. Ảnh: ĐIỆN NGỌC |
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Lâm trường Trà My chuyển về xã Tiên Trà, huyện Trà My nay là thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. Và anh Việt là một trong những người đặt viên đá đầu tiên để xây dựng cơ sở vật chất làm nên một lâm trường lớn mạnh sau này. Anh Việt là con trai một trong gia đình nên mọi người rất nhớ, vì vậy đầu năm 1976 mẹ anh - bà Nguyễn Thị Nội (SN1928) đã cơm đùm, cơm gói vào Trà My để thăm con. Mới đây chúng tôi có dịp ra thăm, nhắc lại chuyện năm xưa, bà còn kể: “Vì nhớ con quá mà tôi đã bất chấp gian khổ và nguy hiểm vượt qua chặng đường dài vào thăm con. Hồi đó, để đi được, tôi phải làm đơn xin phép có chính quyền địa phương chứng thực, vì có đơn mới mua được vé ô tô. Gần 4 ngày đêm, qua bao đèo dốc, trạm kiểm soát, điểm dừng đổi xe tôi mới đến được Trà My. Đến nơi tôi không cầm được nước mắt vì nhìn con lao động vất vả, nặng nhọc nhưng mỗi bữa ăn chỉ được lưng chén cơm với cá khô, còn nhà ở chỉ bằng phên tre, nền đất. Thấy cảnh đó tôi cầm lòng không đặng, nhưng cũng gắng tỏ ra cứng rắn động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
3. Mùa hè năm 1974, chị Nguyễn Thị Chính quê ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội) vừa hoàn thành chương trình THPT cũng là lúc có tên đi du học tại Liên Xô (cũ). Rất vui mừng khi được Đảng và Nhà nước ưu tiên cho đi du học ở nước ngoài, nhưng khi nhìn thấy những người bạn cùng trang lứa đi B, chị Chính đã đến UBND xã xin thay quyết định không đi học để được đi B. Nhiều người không khỏi ngạc nhiên với sự quyết định táo bạo đó. Còn chị bình thản trả lời: “Các bạn đi B được thì tôi cũng đi được. Khi nào đất nước thống nhất tôi trở ra miền Bắc tiếp tục học cũng chưa muộn”. Thế là vào một ngày cuối tháng 6.1974, chị Chính cùng nhiều thanh niên khác khoác ba lô leo lên chiếc xe Jin 130 được phủ bạt và ngụy trang bằng lá cây rừng. Xe lăn bánh, những cánh tay của đồng bào, người thân, các em thiếu niên nhi đồng vẫy chào không ngớt cho đến khi đoàn xe mất hút sau con phố. Vượt qua hàng trăm cây số đường Trường Sơn, hơn một tuần sau đoàn xe mới đến được Ban Lâm nghiệp khu Trung Trung Bộ. Tại đây chị Chính được tổ chức phân công về Lâm trường Trà My làm công tác văn thư, thuộc Phòng Hành chính - quản trị. Mặc dù Hiệp định Pari đã được ký kết nhưng chính quyền Sài Gòn liên tiếp mở rộng những cuộc hành quân “bình định - lấn chiếm” vùng giải phóng của ta. Do vậy, nhiều ngày bị máy bay địch ném bom chị Chính phải chuyển máy đánh chữ xuống hầm để soạn thảo công văn. Cái sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng chị đã vượt qua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Cuối năm 1978 chị Chính được tổ chức giải quyết cho ra miền Bắc, song không còn cơ hội để học tập nên chị về quê làm nông, lập gia đình.
Hôm chúng tôi ra thăm, vẫn với cái tính vui vẻ và hoạt bát, chị kể: “Từ khi rời khỏi Trà My cho đến nay mình mãi đầu tắt mặt tối với công việc đồng áng nhưng chẳng mấy khá giả. Mà đủ ăn là quý lắm rồi. Mới đây mình đi làm lễ đính hôn cho con trai ở tận Hà Tây, chị sui hỏi nhà mình cách Hà Nội bao xa? Mình trả lời, mang tiếng ở Hà Nội nhưng cách trung tâm thủ đô khoảng 20 cây số, ở đó nhà nào có cây rơm to nhất là nhà tôi”.
4. Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội nên anh Vũ Việt Cường có điều kiện học tập. Mùa hè năm 1974 anh tốt nghiệp đại học. Cầm trên tay tấm bằng kỹ sư điện, thay vì đi tìm việc làm ổn định ở thành phố, anh Cường lại xung phong xin đi B để đóng góp một phần công sức của mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xét thấy nguyện vọng của anh chính đáng nên tổ chức đồng ý phân công anh về công tác tại Lâm trường Trà My với nhiệm vụ theo dõi toàn bộ hệ thống điện của lâm trường. Thiết bị điện nhiều, địa bàn rộng, nhu cầu công việc cao nhưng hệ thống điện thường hay bị hư hỏng. Khó khăn và nguy hiểm nhưng anh Cường đã có nhiều phương án nhanh chóng khắc phục sự cố đáp ứng nhu cầu cưa xẻ gỗ cũng như các hoạt động khác góp phần cùng lâm trường hoàn thành kế hoạch đề ra. Hòa bình lập lại anh là người trực tiếp xây dựng hệ thống điện tại cơ sở của lâm trường mới. Đến năm 1979, khi lâm trường đi vào sản xuất ổn định, anh được tổ chức cho ra miền Bắc. Do tuổi đã lớn, không còn cơ hội để xin việc làm trong cơ quan Nhà nước nên anh thành lập doanh nghiệp tư nhân, song không may việc làm ăn thất bại, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Hiện tại gia đình anh được địa phương hóa giá cho một căn hộ tại khu tập thể ở số 22, đường Nguyễn Thái Học, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Anh Cường đùa rằng, nhà có cả thảy 6 nhân khẩu nhưng ở trong một căn gác không quá 40m2. Chật chội, nóng bức nhưng không còn cách nào khác bởi đó là cái số. Giày dép, áo quần đều có số huống chi con người. Thôi đành chấp nhận vậy!
*
* *
Trong gần 100 người đi B công tác tại Lâm trường Trà My năm xưa, có không ít người đã anh dũng hy sinh, hài cốt của các anh, các chị vẫn đang nằm trong lòng đất mẹ Trà My. Những người còn lại trở về quê hương đến nay hầu hết đã bước qua tuổi 60. Đời sống gặp nhiều khó khăn, sức khỏe giảm sút nhưng các anh, các chị vẫn thường xuyên liên lạc, thăm hỏi, giúp đỡ nhau.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC