Phát triển khởi nghiệp tại ASEAN
2017 được đánh giá là năm tỏa sáng phong trào khởi nghiệp (startup) tại khu vực Đông Nam Á - ASEAN.
Hãng tin Bloomberg cho hay, thương mại điện tử tại khu vực sẽ tăng gấp 6 lần, đạt 200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Số người sử dụng internet tăng mạnh từ 260 triệu người lên 480 triệu người và ngày càng có nhiều khách hàng mua sắm trực tuyến qua máy tính và điện thoại thông minh. Đây là cơ hội rất quý giá cho các công ty khởi nghiệp công nghệ và thương mại điện tử. Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016 tổ chức tại Hà Nội vào tuần trước, Giám đốc điều hành Google chuyên trách các hoạt động phát triển doanh nghiệp, đối tác và bán hàng tại Malaysia, Việt Nam, Philippines và các thị trường mới nổi nói, cơ hội nền kinh tế internet ASEAN tiềm năng với 200 tỷ USD đã đến. Theo Eduardo Saverin, nhà đồng sáng lập mạng xã hội Facebook thì giữa ASEAN và Ấn Độ, có khoảng 2 tỷ người và đây được cho là thị trường phát triển internet nhanh nhất thế giới.
Ông Eduardo Saverin (giữa) bày tỏ sự lạc quan về tương lai hoạt động khởi nghiệp tại ASEAN. Ảnh: WSJ |
Sau khi đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam và Thái Lan với số tiền tương ứng 10 triệu USD cho mỗi quốc gia, 500 Startups - một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu thế giới cho biết tiếp tục đổ vốn vào Philippines trong năm tới để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và triển vọng tại đây. Trước đó, 500 Startups thành công với ý tưởng và công trình khởi nghiệp mClinica, một mạng lưới thông tin về thuốc tân dược và sức khỏe cho phép kết nối giữa bác sĩ - bệnh nhân - cửa hàng dược phẩm. Vishal Harnal - thành viên của 500 Startups cho rằng mClinica là một trong số các sản phẩm khởi nghiệp đáng chú ý của khu vực và hiện ý tưởng này được nhân rộng toàn cầu.
Theo thống kê mới nhất, số quỹ đầu tư lớn đang được đổ vào nhiều nhất là tại trung tâm khởi nghiệp và giàu có nhất khu vực - Singapore. Trong quý 1.2016, nguồn vốn cho khởi nghiệp ở đảo quốc sư tử tăng mạnh lên mức 199 triệu USD từ 53,1 triệu USD cùng kỳ năm 2015. Scott Anthony - Giám đốc điều hành doanh nghiệp tư vấn sáng tạo và đổi mới nổi tiếng thế giới Innosight cho hay: “Có 3 nhân tố tạo sức mạnh cho Singapore trở thành trung tâm khởi nghiệp. Đó là nhờ vào môi trường kinh doanh thân thiện, sự tham gia nghiêm túc của chính phủ vào phong trào khởi nghiệp và tận dụng rộng rãi nguồn lực mềm để đấu tranh với các rào cản vô hình đối với khởi nghiệp”. Tiếp đó là quốc gia đông dân nhất khu vực - Indonesia (gần 260 triệu người). Trong quý 1.2016, các khoản đầu tư tại đây tăng hơn gấp đôi, lên đến 18,9 triệu USD từ mức 8 triệu USD của cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan đang trở thành những điểm đến hấp dẫn tại khu vực thu hút quỹ đầu tư mạo hiểm ngày càng tăng.
Tuy vậy, các nhà phân tích khẳng định, khởi nghiệp tại khu vực còn gặp một số rào cản trong hoạt động như: những quy định khác nhau giữa các quốc gia thành viên ASEAN, chưa ưu đãi về thuế và các thủ tục hải quan đã hạn chế dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và vốn. Đây là những thách thức được các nhà lãnh đạo chính trị ASEAN quyết tâm tháo gỡ. Tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh ASEAN Bloomberg 2016, Bộ trưởng thương mại Malaysia Mustapa Mohamed cho biết khu vực đang đạt được nhiều tiến bộ như sẽ cấp chứng nhận xuyên quốc gia hay thỏa thuận công nhận lẫn nhau về sản phẩm và dịch vụ, xóa bỏ hàng rào thuế quan đến năm 2018, ngoại trừ danh mục 3% dòng thuế trong danh mục loại trừ.
QUỐC HƯNG