Ước muốn giản dị của người khuyết tật
(QNO) - Có những ước muốn rất bình dị, học tin học để hiểu hơn về thế giới bên ngoài, để phụ con mở dịch vụ photocopy, để tìm việc làm hay đơn giản chỉ là muốn tự gõ được một văn bản, một đơn thư để gửi đến cơ quan chức năng khi cần... Hai mươi người khuyết tật của huyện Núi Thành vừa tham gia một lớp học nghề tin học như thế.
Lớp dạy nghề được Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam tổ chức tại huyện Núi Thành, nằm trong Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Quảng Nam của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Chị Tuyền đang soạn thảo văn bản với bàn tay tật nguyền. Ảnh: MỸ LINH |
Chị Vũ Thị Phương Tuyền (43 tuổi, thị trấn Núi Thành) bị khuyết tật 2 tay co quắp, lưng gù, khó cử động. Với mong muốn am hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin, chị đăng ký tham gia lớp học. Chị kể, nhiều người thắc mắc rằng, bị như thế thì học tin học để làm gì, tay cầm nắm vật còn khó sao gõ chữ. Thế nên chị đã cố gắng để mọi người thấy được mình có thể làm được những việc như người bình thường. Sự nỗ lực, cố gắng đã giúp chị Tuyền từ một người chưa biết gì về tin học, giờ đã có thể đánh máy thành thạo. Hai bàn tay của chị đã có thể lướt đều trên bàn phím và đánh được 6 ngón.
“Tôi đã tự soạn thảo được văn bản, sử dụng được word, excel, trình diễn powerpoint, nhất là biết cách tìm được tài liệu trên mạng, có thể phục vụ được nhu cầu của bản thân và công việc văn phòng ở hội (Hội Người khuyết tật thị trấn Núi Thành). Ngoài ra, tôi cũng có thể kết nối được với người thân ở xa qua mạng xã hội…” - chị Tuyền vui vẻ nói.
Ông Ngô Văn Thân (59 tuổi) - Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Tam Xuân 1 chia sẻ: “Thế giới bây giờ đã thu nhỏ trong màn hình điện thoại, máy vi tính. Tất cả thông tin thời sự chính trị, văn hóa xã hội được cập nhật thường xuyên. Cần thông tin gì có thể tra google, trong vài giây đã cho hàng nghìn kết quả. Thế nhưng, với người khuyết tật, bắt kịp cuộc sống thì không dễ dàng gì. Vì vậy càng khiến chúng tôi nghị lực hơn, nỗ lực gấp nhiều lần để hòa nhập cuộc sống”.
Ông Thân cũng bị khuyết tật 2 chân, đi lại bằng xe lăn. Từ xã Tam Xuân 1, phải di chuyển đến Văn phòng Hội Người khuyết tật huyện Núi Thành (đóng tại xã Tam Nghĩa) để học nhưng ông không vắng buổi nào. Bởi với ông, được học là niềm vui, vì có thể biết thêm được nhiều kiến thức bổ ích. Hiện ông có một cơ sở sản xuất chổi đốt và đang tạo việc làm cho 12 người khuyết tật của xã. “Tôi học tin học vì muốn đánh được các loại văn bản để tham mưu, trình cho UBND xã và cấp trên. Ngoài ra, có thể tìm hiểu thêm các kỹ thuật làm chổi hiệu quả hơn để cải thiện cơ sở của mình và nếu được, có thể hướng dẫn lại cho các hội viên khác chưa được tham gia lớp học này” - ông Thân cho hay.
Một trường hợp đặc biệt khác đến với lớp học, đó là Huỳnh Nhật Khánh (SN 1997, xã Tam Anh Bắc). Khánh bị khuyết tật vận động, mồ côi ba mẹ từ nhỏ, phải sống nương tựa vào người thân, hàng xóm. Khánh lớn lên trong sự yêu thương của mọi người và hiện là sinh viên năm 2 Trường Đại học Nông lâm Huế. Hè năm nay, nghe tin ở huyện có mở lớp dạy nghề tin, Khánh đăng ký ngay. “Tôi học với mong muốn biết thêm những kiến thức cơ bản, để có thể đi làm thêm ở các dịch vụ internet hoặc photocopy, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống” - Khánh chia sẻ lý do của mình.
Thấy hoàn cảnh khó khăn và nghị lực của Khánh, anh Lê Quang Lưu - Phó Phòng đào tạo Trung tâm Dạy nghề thanh niên Quảng Nam, cũng là giáo viên trực tiếp đứng lớp đã chỉ bảo tận tình để giúp Khánh thực hành được kỹ năng cơ bản nhất. Bên cạnh đó còn bỏ tiền túi để chia sẻ với những khó khăn của sinh viên này.
Các học viên khuyết tật chụp hình lưu niệm. Ảnh: MỸ LINH |
Để tổ chức lớp học, Văn phòng Hội Người khuyết tật Núi Thành được trưng dụng làm phòng học với 10 chiếc máy vi tính được trang bị. Người học lớn tuổi có, thanh niên có, nhưng trong số họ chẳng ai lành lặn. Mỗi người với một lý do riêng, nhưng trên hết vẫn là tinh thần ham học hỏi, vượt qua số phận, mong muốn hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Nói về lớp học đặc biệt này, anh Lê Quang Lưu cho biết, rất khâm phục những nỗ lực của tất cả học viên. “Mọi người có tinh thần học tập nghiêm túc, chuyên cần, có ý thức học hỏi và thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn bệnh tật để thực hiện ước mơ của mình” - anh Lưu nói. Những nỗ lực của học viên đã đem lại kết quả học tập tốt khi 100% học viên đủ điều kiện thi tốt nghiệp và được cấp chứng chỉ sơ cấp về tin học, trong đó 33% đạt loại giỏi, 67% đạt loại khá.
Ông Nguyễn Khoảng - Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Núi Thành cho hay, lớp học là cơ hội để người khuyết tật trên địa bàn huyện được tiếp cận với công nghệ thông tin, hòa nhập với cộng đồng. Qua đó có thể tìm kiếm được cơ hội việc làm phù hợp, kết nối hoạt động hội ở các địa phương tốt hơn và trên hết là giúp họ có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
MỸ LINH